Năm thầy trò Đường Tăng
Tính cả Bạch Long Mã, thầy trò Đường Tăng có 5 người. Con số 5 này đại biểu cho 5 yếu tố tạo ra một con người hoàn chỉnh: Tâm (Tôn Ngộ Không), xác (Đường Tăng), dục vọng (Trư Bát Giới), bản tính (Sa Tăng) và ý chí (Bạch Long Mã). Như vậy, 5 thầy trò Đường Tăng thực ra chỉ đại diện cho một người mà thôi, đó là Tôn Ngộ Không
Tôn Ngộ Không
Tôn Ngộ Không là một biểu tượng cực kỳ hay trong Tây Du Ký. Tác giả cho Tôn Ngộ Không nhận Bồ Đề Tổ Sư ở Tà Nguyệt Tam Tinh Động làm sư phụ đầu tiên, Tà Nguyệt Tam Tinh (trăng khuyết và ba vì sao) theo Hán tự chính là chữ "Tâm" (心). . Do đó, Tôn Ngộ Không đại diện cho "Tâm" và hành động theo "Tâm".
Biểu tượng này còn được đề cập đến rõ hơn thông qua các chi tiết như 72 tướng biến hóa (theo "Lăng Nghiêm Kinh", tâm có 72 tướng) hay gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không (truyện viết gậy nặng 13.500 cân, tương ứng với đề cập trong cuốn "Hoàng đế bát thập nhất nan kinh" rằng con người một ngày hít thở 13.500 lần).
Ngũ Hành Sơn
Đây chính là quả núi đã giam giữ Tôn Ngộ Không 500 năm. Ngũ Hành Sơn vừa biểu trưng cho 5 nguyên tố kim – mộc – thủy – hỏa – thổ vừa đại diện cho 5 thói xấu của con người tham – sân – si – mạn – nghi (tham lam, giận dữ, ngu si, ngạo mạn, hoài nghi). Vì vậy, chi tiết Ngũ Hành Sơn đè lên Tôn Ngộ Không có thể hiểu là 5 thói xấu lấn lướt, giam hãm cái "tâm" của con người. Thoát được "trái núi" này thì tự khắc sẽ tự do, thấu rõ thiện ác trong đời.
Cái tên Trư Bát Giới
Trư Bát Giới tên thật là Trư Ngộ Năng, tuy nhiên sau khi quy phục Đường Tăng, liền được thầy đặt cho pháp danh là Bát Giới. Pháp danh này ngụ ý muốn nhắc nhở đến 8 ranh giới nên kiềm chế của con người nói chung và của người tu hành nói riêng: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng, không ăn thịt chúng sinh.
Chiếc bát vàng của Đường Tăng
Chiếc bát vàng của Đường Tăng đại biểu cho tâm lưu luyến, ràng buộc về tình cảm thế gian lẫn tình huynh đệ với vua Đường. Chính vì vậy, Đường Tăng đã bị hai vị tôn giả là A Nan và Ca Diếp ép phải giao nộp mới cho lấy chân kinh. Chi tiết này thường bị hiểu lầm là "nhận hối lộ", song ý nghĩa thực sự của nó lại rất tích cực. Đường Tăng muốn đạt đến cảnh giới giác ngộ của nhà Phật thì cần buông bỏ mọi ràng buộc trần tục – vốn được ẩn dụ qua hình ảnh chiếc bát vàng.