Một trong những dấu hiệu đáng mừng của điện ảnh Việt năm 2019 chính là sự xuất hiện của không ít những bộ phim chất lượng nhờ được đầu tư kĩ lưỡng cả về hình ảnh lẫn nội dung. Tuy nhiên, bên cạnh những bom tấn khủng thì vẫn còn đó những "bom xịt" khiến người xem phải thất vọng nặng nề khi ra khỏi rạp. Không phải phim dở nào cũng do thiếu đầu tư mà ra, có những bộ phim kinh phí khủng, dàn cast toàn sao khủng mà vẫn chẳng chinh phục được trái tim khán giả.
1. Trạng Quỳnh
Không phải ngẫu nhiên mà Trạng Quỳnh được ví như "nỗi buồn đầu năm của điện ảnh Việt". Sở hữu một ý tưởng nội dung táo bạo không giúp cho bộ phim này có thể tạo ra ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả. Cốt truyện Trạng Quỳnh cực kỳ chắp vá bởi vô số những tình tiết rời rạc, phi lí. Dường như đạo diễn chỉ đang tìm cách ghép các giai thoại dân gian về nhân vật Trạng Quỳnh lại với nhau rồi chèn thêm vào đó những chi tiết hài hước, tình cảm mà không hề để ý đến logic của cả một bộ phim.
Trạng Quỳnh giống như "nồi lẩu thập cẩm" khiến người xem thấy ngán
Với một cốt truyện rời rạc và phi lý, thật khó để đạo diễn có thể xây dựng được tâm lý, tính cách nhân vật một cách điển hình, nhất quán. Vốn được miêu tả là người thông minh, lém lỉnh trong các câu chuyện dân gian nhưng Trạng Quỳnh trong phim lại chẳng thể hiện rõ điều đó. Thay vì dùng trí thông minh để trừng trị quan tham thì phần lớn thời gian trong phim, cậu ta lại chìm đắm trong mối tình với nàng Điềm.
"Trạng Quỳnh" hay "Trạng Tình" đây?
Diễn xuất không có điểm nhấn của dàn diễn viên cũng là một điểm trừ lớn của phim. Quốc Anh "đơ" khác xa Trạng Quỳnh, Nhã Phương trung thành tuyệt đối với nét mặt bánh bèo buồn khổ và sự nổi bật của Trấn Thành tưởng sẽ cứu vớt được bộ phim nhưng ai dè "hài quá thành lố". Bộ phim cổ trang không trọn, hiện đại không tới khiến khán giả nuốt không trôi. Mặc dù đạt được doanh thu trăm tỉ nhưng Trạng Quỳnh vẫn chẳng thể lưu lại điều gì đặc biệt trong kí ức của khán giả là bởi vậy.
Lí do lớn nhất khiến Trạng Quỳnh đạt doanh thu khủng chính là nhờ vào spotlight của Trấn Thành
2. Cậu Chủ Ma Cà Rồng
Đi lại vết xe đổ của Trạng Quỳnh, Cậu Chủ Ma Cà Rồngcũng khiến khán giả "thất vọng toàn tập" vì cách xây dựng cốt truyện phi lí kiểu "mì ăn liền". Càng theo dõi, bộ phim càng khiến người xem cảm thấy "mông lung như một trò đùa" khi chẳng hướng đến mục đích cụ thể nào, các tình tiết lại không còn gì có thể ngô nghê hơn. Mở đầu "đao to búa lớn" là thế nhưng đến cuối người xem mới ngợ ra rằng bối cảnh chính của bộ phim chỉ gói gọn trong một căn biệt thự với vài gian phòng.
Hóa ra đến cuối cùng, bộ phim lại nhấn mạnh vào màn cung đấu của các cô gái trong căn biệt thự
Kịch bản Cậu Chủ Ma Cà Rồng giống như được chắp vá từ hàng chục tiểu phẩm nhỏ với kĩ xảo chuyển cảnh được thực hiện theo kiểu "cho có". Đặc biệt, bộ phim cũng khiến khán giả không còn mặn nồng với nhan sắc cực phẩm của dàn diễn viên bởi lối diễn cứng nhắc và biểu cảm một màu của họ. Nhất là đối với hai nhân vật nam chính, để thể hiện hình ảnh soái ca lạnh lùng bí hiểm của mình, họ giữ nguyên nụ cười nhếch mép từ đầu đến cuối phim.
Không phải Ma Cà Rồng nào cũng bí hiểm và quyến rũ đâu nhé!
Cũng chẳng phải cứ được soái ca tỏ tình là hạnh phúc, người xem thậm chí còn không nghe rõ anh nói gì cơ mà!
3. Cà Chớn Anh Đừng Đi
Lại thêm một thảm họa mới của điện ảnh Việt 2019 mang tên Cà Chớn Anh Đừng Đi. Không còn gì có thể cứu vãn được khi ngay từ khâu kịch bản, bộ phim đã khiến khán giả phải thở dài ngán ngẩm vì độ cũ mèm của nó. Ra rạp xem phim năm 2019 mà khán giả cứ ngỡ đang ngồi ở nhà xem những thước phim truyền hình dài tập từ thập niên 90 vậy. Mối tình của cô sinh viên nhạc viện và anh họa sĩ đường phố trở nên nhạt nhẽo, sến súa đến mức gượng gạo vì trải dài từ đầu đến cuối phim.
Các tình tiết trong phim không có điểm gì thu hút vì chúng thuộc lối mòn của các bộ phim tình cảm lãng mạn "ở đâu cũng có"
Dài chưa đầy hai tiếng nhưng Cà Chớn Anh Đừng Đi lại khiến khán giả chẳng muốn ngồi xem đến cuối vì chứa đựng quá nhiều mâu thuẫn và tình tiết chồng chéo không hồi kết. Diễn xuất thiếu chân thực của dàn diễn viên càng làm tăng tính khiên cưỡng của từng thước phim. Việc lồng tiếng cẩu thả đi kèm với các câu thoại sến súa khiến cho cặp đôi có nhan sắc trong phim chẳng khác nào hai "bình hoa di động" đang trả bài cho đạo diễn.
Tâm lí nhân vật khiến khán giả cảm thấy khó hiểu khi cứ quay vòng như một mớ bòng bong
Không ít cảnh quay trong phim bị vỡ nét do kĩ thuật quay dựng non tay
4. Tìm Chồng Cho Mẹ
Hiếm có một bộ phim điện ảnh Việt nào từ khi chưa ra rạp đã bị chê lên chê xuống như Tìm Chồng Cho Mẹ. Bộ phim khiến khán giả ngán ngẩm ngay từ lúc mới ra trailer vì cách lồng tiếng cẩu thả kiểu "hình một đằng, tiếng một nẻo" từ ekip âm thanh. Và không có gì bất ngờ xảy ra cả, bộ phim dở đúng như dự đoán của nhiều người.
Sức hút yếu ớt của bộ phim đến từ sự bá đạo trong diễn xuất của dàn nhóc tì
Nhiều ý kiến cho rằng Tìm Chồng Cho Mẹ đã bỏ phí mất một kịch bản hay bởi kĩ thuật quay dựng quá kém. Bộ phim tạo cho khán giả cảm giác như đang xem một MV ca nhạc với những phân cảnh cắt xén, chắp vá mà thiếu đi sự liên kết chặt chẽ về mặt ý nghĩa. Bởi vậy, có những khi cảm xúc của nhân vật gần chạm đến khán giả lại bỗng dưng bị khựng lại vì tốc độ chuyển cảnh chóng mặt đến mức vô duyên của phim.
Tông màu của phim không nhất quán, thậm chí có những lúc mờ ảo đến khó nhìn như vậy đây!
Chưa kể đến chuyện tạo hình quá lố, diễn xuất của nữ chính Vân Trang đã vô cùng mờ nhạt và thiếu điểm nhấn
5. Người Lạ Ơi
MV Người Lạ Ơi trở thành hiện tượng âm nhạc nhưng bộ phim điện ảnh cùng tên với nó lại chẳng thể trở thành hiện tượng phòng vé. Lí do đơn giản và dễ hiểu nhất chính là bởi Karik là một ca sĩ giỏi nhưng chưa chắc đã là một diễn viên tài năng. Lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, nam ca sĩ thể hiện rõ ràng sự thiếu chuyên nghiệp của mình trong cách biểu lộ cảm xúc và nhả thoại. Sau khi xem phim, nhiều người cho rằng Người Lạ Ơi vẫn nên dừng lại là một MV ca nhạc thì hơn.
Diễn xuất của Karik là điểm trừ lớn nhất của phim
Đạo diễn Người Lạ Ơi đã áp dụng triệt để yếu tố hài hước “làm lố” theo kiểu phim hài Châu Tinh Trì vào bộ phim để tạo ra tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Tuy nhiên, ý tưởng này dù có hay ho đến mấy vẫn trở nên vô ích vì nó đã được gửi gắm vào những diễn viên "nhạt từ trong ra ngoài". Vai diễn trong Người Lạ Ơi là một chiếc áo quá rộng đối với anh chàng rapper lấn sân sang diễn xuất Karik, đồng thời, nó cũng là bước lùi trong sự nghiệp của Thùy Anh, cô nàng vốn được đánh giá cao trước đó qua bộ phim Đập Cánh Giữa Không Trung.
So với style Châu Tinh Trì mà ekip muốn theo đuổi, Người Lạ Ơi còn kém xa về mọi mặt
Nhìn nhận một cách rộng lượng, Người Lạ Ơi chính là một bộ phim thuần để giải trí
Thăm dò ý kiến
Đâu là "thảm họa" điện ảnh Việt 2019 đối với bạn?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.