Ròm - bộ phim Việt Nam đầu tiên thắng giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan năm 2019 - giải New Currents đã được ra rạp sau chuỗi ngày chờ đợi dài đằng đẵng. Ròm nhanh chóng trở thành tâm điểm của truyền thông với nhiều ý kiến đánh giá, cả khen lẫn chê. Tuy nhiên, để có thể thưởng thức Ròm trọn vẹn và công bằng nhất, có những điều bạn nên biết trước khi ra rạp.
1. Ròm KHÁC HOÀN TOÀN Parasite (Ký Sinh Trùng)
Cùng là phim châu Á đoạt giải thưởng cao ở các LHP thế giới, Ròm và tác phẩm đoạt giải Oscar của Hàn Quốc - Parasite được một số khán giả so sánh với nhau. Hai bộ phim quả thực có chút nét tương đồng về bối cảnh: những khu "ổ chuột", căn hộ xập xệ nơi những người dân kiếm sống bằng đủ thứ nghề trong xã hội trú chân, nhưng chỉ thế thôi.
Parasite và Ròm - hai tác phẩm của điện ảnh châu Á
Phải nói là, Ròm lại tiếp cận đề tài và ý nghĩa chủ đạo của hai bộ phim khác hoàn toàn. Nếu so với Parasite, Ròm kể một câu chuyện có quy mô nhỏ, ít ẩn dụ lớp lang hơn nhưng mang tính bản địa, hơi thở Việt Nam đậm nét. Không khí của hai bộ phim cũng rất khác biệt, Parasite càng về cuối càng u ám và lạnh lẽo, trong khi Ròm luôn náo nhiệt và ồn ào.
2. 99% phim được quay bằng góc máy nghiêng
Ngay từ trailer của Ròm, khán giả đã có thể cảm nhận được phim không cân đối về khung hình như các tác phẩm điện ảnh bình thường. Sự thực, Ròm được quay chủ yếu bằng góc máy nghiêng và đây là ý đồ của đoàn làm phim chứ không phải sai sót trong kĩ thuật. Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Vinh Phúc giải thích trong phim tài liệu về Ròm: "Việc quay máy nghiêng phù hợp mô tả cuộc sống của những người dân lao động bấp bênh, không bằng phẳng, dễ dàng".
Việc phim quay nghiêng không chỉ khó tiếp thu với khán giả mà cả giới chuyên gia. Trong nghệ thuật điện ảnh, việc quay thẳng là một điều căn bản. Đạo diễn Trần Thanh Huy tiết lộ phim từng bị từ chối tại nhiều LHP lớn, trong đó có Cannes vì "quay nghiêng quá, không đủ điều kiện ứng tuyển". Tuy nhiên, góc máy nghiêng lại là một nét đặc trưng riêng của bộ phim này.
3. Được chỉnh sửa từ 27 bản dựng
Có lẽ nhiều cư dân mạng đã biết đến việc Ròm đã bị Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phạt hành chính 40 triệu đồng vì chưa xin giấy phép đã đi dự thi LHP Busan hồi 2019. Không chỉ thế, để phim được ra rạp Việt, dự án đã phải dựng đi dựng lại nhiều lần, cắt đi những cảnh không phù hợp và thêm vào những cảnh khác để đảm bảo đủ cốt truyện. Để ra được bản phim hoàn thiện, đạo diễn thực hiện 27 bản dựng khác nhau. Thời lượng phim vẫn là 79 phút như bản được trình chiếu tại LHP Busan, nhưng nội dung có nhiều khác biệt. Chính vì vậy, khán giả có thể cảm nhận sự thiếu liên kết và liền mạch trong một số cảnh quay của Ròm.
4. Không lấy bối cảnh Sài Gòn hiện đại
Câu chuyện của người cậu bé "chạy đề" trong Ròm được lấy cảm hứng từ thời thơ ấu của đạo diễn Trần Thanh Huy - người sinh ra trong một gia đình lao động. Khi đó, anh từng theo các cậu bạn đi bán "giấy dò" (kết quả xổ số) để kiếm tiền chơi điện tử. Trong phim, những cậu bé bán "giấy dò" còn kiêm luôn môi giới số đề. Bối cảnh của Ròm ước chừng xảy ra trong khoảng những năm 2000. Chính vì vậy, một số tình huống có thể hơi xa lạ và "lỗi thời" với một bộ phận khán giả trẻ. Ngày nay khi công nghệ hiện đại, ai cũng có thể tra cứu kết quả xổ số bằng điện thoại thì việc mua "giấy dò" không còn phổ biến nữa.
5. Phải quay bằng 8 camera khác nhau
Do điều kiện kinh phí của đoàn làm phim còn hạn chế, việc quay phim diễn ra trong thời gian quá dài dẫn đến Ròm không thể được quay đồng bộ bằng camera chuyên dụng. Chia sẻ với Phê Phim, đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ phim được quay bằng 8 camera và phải có một chuyên gia chỉnh màu xử lý lại hình ảnh toàn bộ để khán giả không nhận ra sự chênh lệch chất lượng giữa các cảnh quay. Quá trình này kéo dài suốt 4 tháng. Rất may, khi thưởng thức phim ngoài rạp, bạn khó lòng có thể nhận ra điều này.
6. Ròm không phải là một bộ phim hoàn hảo
Không phải cứ phim đoạt giải cao là được điểm 10 tuyệt đối. Đạo diễn Trần Thanh Huy cũng thừa nhận phim còn nhiều thiếu sót. Đúng như một số bài review đã nhận xét, hành trình phát triển của nhân vật trong Ròm còn dở dang mà phim đã kết thúc rồi. Ròm mang đến cảm giác nó là một phim ngắn dài 80 phút chứ không phải phim điện ảnh hoàn chỉnh.
Một phần là bởi phim bị cắt chỉnh quá nhiều, dẫn đến tâm lý và mối quan hệ giữa các nhân vật không trọn vẹn. Một phần do đạo diễn chỉ muốn đưa lên màn ảnh một lát cắt hiện thực chứ không phải toàn bộ câu chuyện phức tạp. Cái kết "lửng lơ" khiến khán giả phải trăn trở nhiều về số phận của các nhân vật.
Trailer của Ròm
Sau tất cả, Ròm vẫn là một bộ phim hay, cần thiết với điện ảnh Việt Nam hiện tại. Phim xứng đáng được khán giả ra rạp thưởng thức. Ròm mới chỉ là bước đi đầu tiên của Trần Thanh Huy nói riêng và các đạo diễn Việt nói chung trên đấu trường thế giới. Trong tương lai, mong rằng điện ảnh Việt Nam sẽ còn nhiều tác phẩm hay hơn nữa.
Ròm đang được công chiếu trên các rạp toàn quốc.
Nguồn ảnh: tổng hợp