Giáo viên là những người không chỉ dạy ta kiến thức mà còn cả những bài học cuộc sống. Đôi khi đằng sau những vỏ bọc cáu gắt, khó gần lại là trái tim yêu thương học sinh vô hạn. Họ dạy ta những bài học mà cho đến khi trưởng thành, chúng ta mới nhận ra đó là chân lý. Giống như cách dạy khác biệt của 5 vị giáo viên trên màn ảnh này dưới đây.
1. Cô Mặc Mặc trong Giáo Viên Chủ Nhiệm Cá Biệt (2020): Ngày đầu đi làm đã trấn lột học sinh
Năm 2020 có một phim truyền hình Hoa ngữ về chủ đề nhà giáo khá đặc biệt, đó là Giáo Viên Chủ Nhiệm Cá Biệt. Cô tên Mặc Mặc (Trần Di Hinh) - người từng rớt đại học sư phạm, đàn đúm với một băng nhóm quy mô nhỏ, thế lại ôm ấp giấc mơ giáo viên. Cô dùng tính khí ngang ngược của mình để đàn áp đám học trò.
Ngày đầu tiên đi làm, Mặc Mặc đã tập hợp đàn em đi trấn lột học trò
Sự thật là ba học sinh này trốn học đi chơi game, bị cô giáo Mặc Mặc lùa đến trường và tịch thu điện thoại
Thế nhưng phía sau tính khí ngang ngược, có phần hơi ngớ ngẩn đó lại là một trái tim ấm áp chân thành. Học trò đi gây hoạ, có cô giáo chủ nhiệm ngay cạnh bên, luôn cầm tay lôi chúng trở về trường. Để rồi chính Mặc Mặc phải đứng trước nguy cơ bị sa thải vì những hiểu lầm với học sinh. Cô giáo chủ nhiệm nói chuyện bằng nắm đấm nhưng tình yêu của cô được thể hiện bằng hành động, lũ học trò cũng hiểu điều đó. Chúng biết cô Mặc Mặc không ngại hiểm nguy đi theo chúng, hay gan lì đối mặt thầy quản sinh đều để bảo vệ học sinh. Trái tim chân thành của Mặc Mặc đã dần cảm hoá lứa học trò lì nhất khối. Từ một đám trẻ thực dụng, không biết nghe lời, lớp học cá biệt trở thành những gương mặt cầm cờ, một lòng bảo vệ cô giáo Mặc Mặc.
Cô giáo luôn bên cạnh học sinh mỗi khi chúng quậy phá nhưng là để... năn nỉ học trò dừng tay
2. Thầy giáo dạy hy vọng - Anh Thầy Ngôi Sao (2019): Chàng công tử bột tìm ra tiếng hát giữa đảo xa
Anh Thầy Ngôi Sao là một trong những phim điện ảnh đáng chú ý của năm 2019. Trong đó, Hoàng (Huyme) là một dạng "con nhà lính tính nhà quan". Với tài năng âm nhạc có hạn, anh không thể thành ca sĩ mà chỉ có thể thành một thầy giáo. Số phận đưa anh ra tận một hòn đảo xa, nơi chẳng có điện, Internet hay tiện nghi nào. Cả đảo chỉ có vài hộ dân và 5 đứa nhóc học trò siêu rắc rối. Đứa thì quậy, đứa thì khóc nhè, mách lẻo v.v... Hoàng vật lộn với cuộc sống thiếu thốn mọi thứ, cứ nghĩ mình thật khổ sở.
Hoàng cùng học sinh
Cho đến khi anh nhận ra một điều ở cả 5 đứa trẻ của mình, chúng còn thiếu thốn nhiều hơn anh. Cả ước mơ lũ trẻ cũng không có. Bọn nhóc chỉ biết đến những chiếc thuyền, biển và đánh cá. Nhờ cuộc thi tài năng âm nhạc và giọng hát thiên bẩm của học trò, Hoàng tìm ra được hy vọng cho chúng. Cuộc sống của chúng có thể khác, sống với ước mơ và cả một cuộc đời phía trước đầy rẫy lựa chọn chứ không chỉ đánh bắt cá ở quê nhà. Nhưng rồi cơn bão ập đến, bầy học sinh của Hoàng lại phải bỏ ngang để ở nhà phụ gia đình phục hồi kinh tế sau bão. Đến từng nhà năn nỉ cho học sinh đến lớp, Hoàng nhận ra vị trí của mình trên hòn đảo nhỏ xíu này: Là ngọn hải đăng toả sáng bên sườn núi, soi đường cho bầy trẻ đi học.
Lũ trẻ ngóng chờ thầy giáo Hoàng
3. Chú cấp dưỡng đi đấu vật cho học trò có "bữa cơm với thịt": Nacho Libre (2006)
Nếu mà nói cấp dưỡng không phải một dạng "người thầy" thì khá là bất công. Vì có thể họ cũng có trái tim yêu thương học sinh như người chú "cấp dưỡng" trong Nacho Libre. Ignecio (Jack Black) vốn là đầu bếp trong trại trẻ mồ côi. Nhưng anh không nấu ăn ngon được, vì nguyên liệu chả có gì ngoài khoai tây, lại chẳng có ai quyên góp thức ăn cho bọn trẻ. Không còn cách nào khác, anh phải tham gia những trận đấu vật của "thế giới ngầm" để kiếm tiền mua thức ăn.
Ignacio vốn là một đầu bếp trong trại trẻ mồ côi
Lúc đầu bọn trẻ chỉ biết chê bai đồ ăn dở nhưng từ từ, khi chúng thấy người "chú cấp dưỡng" của chúng chiến đấu vì mình thì đã dần biết cảm thông và lo lắng. Cả trại trẻ mồ côi tụ tập bên chiếc tivi để theo dõi mỗi trận đấu của Ignacio. Thật ra mà nói, chú cấp dưỡng Ignacio và biết bao cô chú cấp dưỡng khác, cũng đều lo lắng cho học sinh ở vị trí riêng của mình. Họ lo bầy trẻ của mình ăn uống không đủ chất, rồi sợ đói. Chính những người thầm lặng cống hiến như vậy, cũng đáng được một lời tri ân trong ngày 20/11.
Đi đấu vật để kiếm tiền mua thức ăn cho lũ trẻ
4. Thầy giáo đấm bốc trong Warrior (2011): Thầy vật lý hiền lành là võ sĩ kiên cường trên sàn đấu
Từ bỏ sự nghiệp võ sĩ, Brendan Conlon (Joel Edgerton) về làm giáo viên vật lý tại trường trung học. Tuy nhiên vì món nợ gia đình, Brendan phải trở lại lồng tám cạnh để kiếm tiền.
Brendan trong phim phải đấu tranh giữa hai cuộc sống, bên trong lồng bát giác và đối mặt với lũ trẻ hàng ngày
Lũ học trò của Brandon ban đầu còn coi thường và không hứng thú đến lớp của anh. Dần dần, chính tính cách của người thầy tĩnh lặng, kiên cường khiến chúng phải chú ý. Biết tin thầy giáo vật lý hiền lành là một "quái vật" trong làng giác đấu, đám học sinh tụ tập với nhau cổ vũ cho thầy. Ngay cả thầy hiệu trưởng khó tính, chống đối với việc làm của Brendan cuối cùng cũng phải tham gia cổ vũ nhiệt tình cùng lũ trẻ. Brendan đã dùng những lần giao đấu trên tivi để dạy cho học trò của mình bài học về sự thấu cảm, yêu thương.
5. Nhà giáo đầu tiên trong đời người: Cô bảo mẫu phép thuật Nanny McPhee
Người thầy đầu tiên với mỗi chúng ta, có lẽ chính là những cô bảo mẫu, cô giáo mầm non. Họ không nhất thiết phải dạy chữ mà dạy những bài học cuộc sống. Nanny McPhee là hình tượng bảo mẫu phép thuật đầy thú vị nhưng cũng nghiêm khắc. Bằng sự thẳng thắn, cứng rắn nhưng đầy bao dung, Nanny McPhee gõ đầu được những đứa trẻ tưởng ương bướng nhất.
Nany McPhee
Cô xuất hiện mỗi khi lũ trẻ cần, và ra đi khi chúng không cần cô nữa. Ngoại hình của Nanny McPhee phụ thuộc vào tình hình quậy phá của lũ nhóc. Chúng càng hư đốn thì Nanny càng xấu xí. Mỗi khiếm khuyết trên gương mặt Nanny McPhee (Emma Thompson) là một bài học cô cần phải dạy cho đám nhóc của mình. Khi chúng trở thành những đứa trẻ tốt, McPhee hiện nguyên hình cô bảo mẫu xinh đẹp, rồi bỏ đi. Bởi vì bài học của cô tới đây đã xong.
Lũ trẻ càng hư, Nanny càng xấu xí
Những nhà giáo xuất hiện trong cuộc đời chúng ta dưới nhiều hình thái khác nhau. Có người là bảo mẫu, cấp dưỡng rồi cả giáo viên. Nhưng ai nấy góp phần vào quá trình đưa đò, yêu thương và dung dưỡng chúng ta thời còn cắp sách đến trường. Dù ít hay nhiều, ai cũng cần đôi lời tri ân nhân ngày 20/11. Phải vậy không?
Nguồn ảnh: Tổng hợp