Thể loại hành động vốn là dòng phim hái ra tiền của Hollywood; làm mê đắm hàng triệu khán giả nhờ những cảnh chiến đấu, rượt đuổi gay cấn và kỹ xảo tân tiến, choáng ngợp. Hãy cùng điểm qua các thương hiệu hành động vượt mốc doanh thu tỷ USD và chiếm chỗ đứng vững chắc trong tâm trí giới mộ điệu điện ảnh toàn cầu:
James Bond: 6.89 tỷ
Điệp viên 007 có lẽ là thương hiệu hành động dài hơi nhất lịch sử điện ảnh thế giới. Loạt phim bắt đầu với Dr. No (1962), với kịch bản xoay quanh chàng siêu điệp viên người Anh James Bond của M16 do cố tài tử Sean Connery thủ vai. Đến nay, thương hiệu đã trải qua 25 phần với ba lần thay nam chính. Nếu tính đến yếu tố lạm phát, các chuyên gia tài chính ước lượng tổng doanh thu của James Bond đạt khoảng 14 tỷ đô theo tỷ giá hiện tại.
Sức hấp dẫn của 007 nằm ở độ lãng tử của chàng siêu điệp viên. Nhân vật hoàn toàn khác các mẫu nam chính cơ bắp, thô kệch thường thấy của dòng phim hành động. James Bond trở thành biểu tượng của sự lịch lãm qua cách anh cầm súng, những bộ âu phục được đặt riêng hay việc lái chiếc xe cổ Aston Martin đầy hoài niệm.
Khi làm nhiệm vụ, 007 thu hút với kiến thức sâu rộng, lòng dũng cảm và thái độ nổi loạn, sẵn sàng phá vỡ quy tắc để giải cứu người yếu thế, thanh trừng tội phạm. Không chỉ vậy, sự lịch lãm của Bond với các nhân vật nữ trong phim cũng khiến nhân vật này trở thành một trong những biểu tượng quyến rũ đối với phái nữ.
Daniel Craig mới hoàn thành No Time To Die (tựa Việt: Không Phải Lúc Chết) – dự án cuối cùng của anh với vai 007.Ai sẽ là người kế nhiệm anh tiếp quản thương hiệu phim huyền thoại cũng là điều giới hâm mộ điện ảnh tò mò, theo dõi trong suốt nhiều năm gần đây.
Fast & Furious: 6 tỷ
Ra đời đầu thập niên 2000, Fast & Furious như thổi một làn gió mới vào dòng phim hành động của Hollywood. Các phần đầu tập trung vào những giải đua xe phi pháp trong thế giới ngầm nước Mỹ. Gần đây, loạt phim chuyển hướng sang thể loại phim heist (trộm cướp) và điệp viên, với các phi vụ xuyên quốc gia của nhóm Dominic Toretto (Vin Diesel).
Sức hấp dẫn đến từ những chiếc siêu xe được nâng cấp, vòng đua xe tử thần và các cuộc thanh trừng, tranh chấp địa bàn giữa băng nhóm tội phạm đa quốc tịch.
Sau hai thập kỷ, Fast & Furious trở thành thương hiệu thành công nhất của hãng Universal. Loạt phim cũng là một trong những dự án kịch bản gốc ăn khách nhất, không cần dựa trên thành công truyện tranh hay tiểu thuyết tiền nhiệm.
Transformers: 4.86 tỷ
Transformers thương hiệu phim khoa học viễn tưởng thành công bậc nhất thế kỷ 21. Loạt phim lấy cảm hứng từ các đồ chơi người máy Generation 1. "Ông hoàng cháy nổ" Michael Bay là người giúp xây dựng thương hiệu trong 5 phần đầu. Phim sớm gây tiếng vang với tạo hình bắt mắt của dàn robot công nghệ cao và những cảnh kỷ xảo hoành tráng, đẹp mắt.
Các chuyên gia Hollywood nhận xét thành công của Transformer đã thay đổi ngành điện ảnh trong giai đoạn cuối năm 2000. Các hãng phim đầu tư nhiều tiền hơn cho các thương hiệu phát triển từ các dòng đồ chơi. Từ đó, khán giả được chứng kiến sự ra đời của hàng loạt dự án như G.I. Joe, The Lego Movie hay Trolls.
Mission Impossible: 3.2 tỷ
Mission: Impossible là thương hiệu hành động dài hơi bậc nhất của Mỹ, với sự chăm chút của tài tử "không tuổi" Tom Cruise. Anh vào vai Ethan Hunt, chàng điệp viên điển trai của tổ chức IMF – đơn vị chuyên thực hiện những nhiệm vụ tưởng như không thể hoàn thành của chính phủ. Nội dung lấy cảm hứng từ series truyền hình ăn khách cùng tên trong thập niên 1960 của kênh CBS.
Sức hấp dẫn của loạt phim nằm ở những nhiệm vụ thú thị, hóc búa mà Ethan phải đối mặt. Chàng điệp viên điển trai nhiều lần rơi vào tình huống hiểm nghèo, chỉ có thể thoát chết trong gang tấc. Đồng thời, dự án cũng nổi tiếng với các cảnh hành động có tính chân thực cao, không cần dùng nhiều kỹ xảo hay đóng thế.
The Matrix: (2.4 tỷ)
The Matrix được xem là tượng đài của thể loại phim hành động, khoa học viễn tưởng. Nội dung kể về nhân vật Neo (Keanu Reeves đóng) mắc kẹt trong thế giới ảo tên Ma Trận, nơi trí tuệ nhân tạo vươn lên nắm quyền điều khiển và biến con người thành các tù nhân. Cùng các đồng đội, Neo lãnh đạo đội quân giải phóng để chống lại lũ người máy để tìm kiếm tự do đích thực.
Phần đầu ra mắt năm 1999, giành bốn giải Oscar 2000 cho hạng mục kỹ xảo, dựng phim, âm thanh và chỉnh âm. Hai phần tiếp theo The Matrix Reloaded và The Matrix Revolutions đều ra mắt năm 2003 cũng thành công thương mại. Yếu tố này giúp The Matrix trở thành thương hiệu hành động hiếm hoi đạt doanh thu tỷ đô nhưng vẫn được lòng giới hàn lâm, phê bình.
Điểm khác biệt của loạt phim nằm ở kịch bản mới lạ, nhiều tầng ý nghĩa. Tác phẩm là sự tổng hòa của nhiều dòng chảy văn hóa như truyện tranh Nhật Bản, võ thuật Hong Kong và các thần thoại từ nhiều quốc gia. Phần kỹ xảo, đánh đấm trong phim cũng nhận nhiều lời khen và tạo dấu ấn trong dòng chảy phát triển của thể loại hành động tại Hollywood nói chung.
Phần 4 của loạt phim - The Matrix Resurrections (tựa Việt: Ma Trận: Hồi Sinh) – đang được chiếu tại các cụm rạp và nhận được những phản hồi tích cực của giới phê bình cũng như khán giả đại chúng, đánh dấu sự trở lại của Keanu Reeves trong vai Neo sau gần hai thập kỷ.
Terminator: 1.4 tỷ
Phần đầu của thương hiệu phim ra mắt năm 1984 với Arnold Schwarzenegger vào vai robot Kẻ hủy diệt, từ tương lai trở về thập kỷ 1980 để giết Sarah Connor – người sẽ sinh ra vị anh hùng cứu nhân loại khỏi sự thâu tóm của trí tuệ nhân tạo. Bộ phim được khen ngợi nhờ kịch bản hấp dẫn, mang đến màu sắc mới lạ cho thể loại khoa học viễn tưởng – du hành thời gian. Tác phẩm cũng góp phần đẩy tên tuổi Schwarzenegger trở thành tài tử hàng đầu tại Hollywood.
Dù được sản xuất với kinh phí thấp (khoảng 6,4 triệu đô), phim trở thành hiện tượng phòng vé với doanh thu hơn 78 triệu. Thành công của phần một cũng biến Terminator thành thương hiệu phim, đồ chơi, truyện tranh được yêu thích bậc nhất trong hơn ba thập kỷ qua. Năm 2008, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ xếp hạng tác phẩm thuộc dạng bảo tồn vì có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ trong ngành điện ảnh.