6 ví dụ kinh điển về dạy con sai cách trong truyện cổ tích

Trong các câu chuyện hư cấu mà mọi đứa trẻ từng đọc khi còn nhỏ ẩn chứa không ít ví dụ về việc giáo dục con cái sai cách của các bậc làm cha làm mẹ.

Làm cha mẹ có lẽ là một trong những công việc khó khăn nhất trên đời, và không ai dám đảm bảo trong quá trình nuôi dạy con cái, mình chưa bao giờ mắc sai lầm. Có rất nhiều hành vi, câu nói quen thuộc của các bậc làm cha mẹ, đặc biệt là thuộc thế hệ trước vô cùng độc hại nhưng phổ biến và quen thuộc. Ngay cả trong những câu chuyện cổ tích mộng mơ cũng không phải ngoại lệ. Khi phân tích ra, chúng ta có thể thấy rất nhiều ông bố bà mẹ độc hại đã xuất hiện trong truyện trẻ con mà ai cũng từng được đọc hồi bé.

Chế giễu ước mơ của con (Truyện Nàng tiên cá)

6 ví dụ kinh điển về dạy con sai cách trong truyện cổ tích - Ảnh 1.

Ariel có một giấc mơ: cô muốn lên đất liền và đi bộ trên mặt đất. Tuy nhiên, thay vì ủng hộ con gái, cha cô lại giễu cợt ý tưởng này và phớt lờ nó. Sau tất cả, chúng ta đều nhớ đến cái kết bi thảm mà nàng tiên cá xinh đẹp phải gánh chịu.

Trẻ nhỏ có ước mơ là điều hoàn toàn tự nhiên và đáng khuyến khích. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ coi đó là những suy nghĩ vô nghĩa hoặc viển vông. Sự thờ ơ như vậy không chỉ làm giảm lòng tin của trẻ đối với người lớn mà còn có thể khiến trẻ trở nên thiếu tự tin.

Thay vì mặc kệ và coi lời của con chỉ là lời nói của trẻ con, cha của Ariel đáng lẽ phải ngồi nói chuyện với con gái. Ông có thể cảnh báo cô về những mối nguy hiểm có thể xảy ra nếu con lên đất liền và cân nhắc thật kỹ ước muốn của con.

Chăm sóc con quá mức (Truyện Thumbelina)

6 ví dụ kinh điển về dạy con sai cách trong truyện cổ tích - Ảnh 2.

Mẹ của chú cóc Thumbelina đã chăm sóc cậu con trai yêu quý của mình quá mức đến nỗi bà thậm chí còn chọn vợ cho cậu khi trưởng thành. Vì sự bảo bọc này, Thumbelina trở thành một người lớn bất lực, không thể tự làm bất cứ điều gì và không thể giữ được cô dâu của mình.

Trong cuộc sống thực, những đứa trẻ lớn lên với sự chăm sóc, bao bọc quá mức như vậy sẽ trở thành người không thể tự lập. Lẽ ra mẹ Cóc nên để con mình thất bại và tự đương đầu với sóng gió cuộc đời. Nếu muốn kết hôn, Thumbelina nên tự mình đi tìm một người vợ tương lai. Cha mẹ không nên sợ hãi khi để con mắc lỗi. Thất bại giúp họ học hỏi và tìm cách đạt được mục tiêu của mình.

Xem thường con (Truyện Cô bé Lọ lem)

6 ví dụ kinh điển về dạy con sai cách trong truyện cổ tích - Ảnh 3.

Mối quan hệ giữa mẹ kế và Lọ Lem là một minh họa hoàn hảo cho việc người lớn xem thường con trẻ. Bất kể cô con gái riêng chăm chỉ của mình làm gì, người mẹ kế luôn tìm ra điều gì đó để phàn nàn. Các con gái của bà nhìn thấy cách mẹ đối xử với chị gái của mình cũng đã học theo và góp phần khiến họ trở thành những người tự luyến quá mức.

Tất nhiên, trẻ em khó có thể làm điều gì đó thực sự gây ấn tượng với cha mẹ vì chúng không có đủ kiến thức và kỹ năng. Nếu như dì ghẻ tỏ lòng tán thưởng và có thể khen ngợi Lọ Lem mà không hạ thấp nhân cách, khả năng của cô bé, thì câu chuyện cổ tích có lẽ đã có một kết thúc khác. Ví dụ, cả gia đình sẽ cùng nhau chuyển đến lâu đài và chung sống hạnh phúc. Trong cuộc sống thực, tất nhiên, chúng ta không cần phải vỗ tay mỗi khi con tự buộc dây giày, nhưng để ý đến điều đó và khen ngợi con là điều quan trọng nên làm.

Không tôn trọng ý kiến cá nhân (Truyện Vua Chích Chòe)

6 ví dụ kinh điển về dạy con sai cách trong truyện cổ tích - Ảnh 4.

Nhiều vị vua trong truyện cổ tích có xu hướng không tôn trọng suy nghĩ cá nhân của con gái họ. Các công chúa thường bị ép kết hôn để củng cố quyền lực của vương quốc, vì mục đích chính trị hoặc thậm chí không có lý do chính đáng. Rất may, trong truyện cổ tích, mọi chuyện thường được giải quyết êm đẹp nhờ một phép màu nào đó.

Nhưng chúng ta không sống trong truyện cổ tích, và việc bỏ qua ý kiến của một đứa trẻ thường dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Trẻ em có thể trở nên xa cách với cha mẹ hoặc không bao giờ học được cách thiết lập và bảo vệ ranh giới cũng như lợi ích của mình.

Hãy nhớ rằng một vị vua trước hết là một người cha và con gái là một người trưởng thành có quan điểm riêng cần được lắng nghe. Và điều này nên được áp dụng không chỉ với những nàng công chúa trong truyện cổ tích.

Đặt trách nhiệm quá sức lên con trẻ (Truyện Cô bé quàng khăn đỏ)

6 ví dụ kinh điển về dạy con sai cách trong truyện cổ tích - Ảnh 5.

Nếu chúng ta tạm quên rằng đây là một câu chuyện cổ tích và nhìn câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ qua con mắt của một người lớn, một số chi tiết sẽ thực sự làm bạn ngạc nhiên. Vì sao bố mẹ cô bé lại có thể bảo đứa con gái nhỏ của mình vào rừng một mình dù rõ ràng đây là một nơi đầy hiểm nguy rình rập?

Trong cuộc sống thực, một số bậc cha mẹ cũng có thể đặt những trách nhiệm không phù hợp với lứa tuổi của con mình lên vai chúng. Điều này khiến những đứa trẻ phải trưởng thành quá sớm, khi chúng còn chưa sẵn sàng. Cách tiếp cận này không chỉ dẫn đến những tình huống nguy hiểm mà trẻ chưa thể xử lý mà còn dễ nảy sinh các vấn đề tâm lý.

Với trẻ nhỏ, nếu bảo con làm việc nhà là một ý kiến hay. Nhưng nếu bạn để con nhỏ tự đi xa, ở một mình thì nhất định là sai. Trên thực tế, trong câu chuyện, người mẹ hoàn toàn có thể chọn đi gặp bà cùng với con gái của mình.

Phớt lờ con (Truyện Karlsson trên mái nhà)

6 ví dụ kinh điển về dạy con sai cách trong truyện cổ tích - Ảnh 6.

Việc bỏ bê trẻ em đôi khi trở nên nguy hiểm và gây tổn thương cho tâm lý của trẻ hơn cả sự kiểm soát quá mức. Trong câu chuyện cổ tích này, cậu bé nhân vật chính đã trèo lên mái nhà và khiến cha mẹ mình sợ chết khiếp. Khi cậu kể với họ về người bạn mới của mình, cha mẹ hoàn toàn không nghe con nói.

Ví dụ này thực sự không quá xa vời với cuộc sống thực. Nếu bạn không chú ý đến con mình và luôn bận rộn với việc khác, nói với chúng rằng bạn không có thời gian cho con thì một ngày nào đó, bạn sẽ thực sự “đánh mất” con mình. .

Các bậc cha mẹ nên chú ý, quan tâm đến con mình. Hãy lắng nghe con bạn thường xuyên hơn, đặc biệt là khi chúng đang cố gắng chia sẻ điều gì đó với bạn.