Từ xưa tới nay, con người luôn truyền tai nhau những câu chuyện về trường sinh bất lão. Thế giới trong “Tây Du Ký” cũng không ngoại lệ.
Ở đoạn đầu, khi sống cùng bầy khỉ trong động Thuỷ Liêm, Mỹ Hầu Vương đã “sầu não không vui, mắt rơi lệ” khi chứng kiến cảnh những con khỉ già nua qua đời. Chàng khỉ hốt hoảng vô cùng: “Sau này ta cũng sẽ chết. Ta không có thuật trường sinh”. Từ đó, Ngộ Không ôm mộng làm sao để trường sinh bất lão, sống ngang đất trời. Đó cũng là mục tiêu của bọn yêu quái thành tinh luôn khao khát sức mạnh và tuổi thọ.
Có tổng cộng bảy phương pháp được kể đến trong phim, truyện.
Tu thành tiên
Nguyện vọng của Mỹ Hầu Vương là trường sinh, cho nên anh đã vượt núi băng sông đến Linh Sơn theo Bồ Đề Tổ Sư học đạo. Và đạo mà khỉ đá muốn học chính là đạo trường sinh. Tu thành chính quả, thoát khỏi sự khống chế của ngũ hành, vượt ra ngoài tam giới, không bị trói buộc bởi sinh tử, luân hồi.
Tại đây, Bồ Đề Tổ Sư đã đặt tên, cũng như truyền dạy thuật cưỡi mây Câu Đẩu Vân và 72 phép biến hóa cho Tôn Ngộ Không. Tuy nhiên, 72 phép thần thông này chỉ có thể giúp khỉ đá tránh khỏi tam tai (sét, lửa, gió), kéo dài tuổi thọ chứ không được trường sinh bất lão.
Bồ Đề đã không dạy anh thuật pháp cao cường đó. Vì vậy, vua khỉ vẫn chỉ là một thạch hầu bình thường có tuổi thọ 342 năm.
Gạch tên trong sổ sinh tử
Từ khi được Bồ Đề Tổ Sư đặt tên, số mệnh của Tôn Ngộ Không đã xuất hiện trong sổ sinh tử ở Địa Phủ.
Vì muốn tất cả đồng loại của mình đều được trường sinh bất lão, Tôn Ngộ Không đã đại náo điện Diêm La tự mình xóa đi số mệnh, cũng như gạch tên tất cả loài khỉ trong sổ sinh tử.
Đào tiên trong vườn đào của Tây Vương Mẫu
Trong vườn bàn đào của Vương Mẫu nương nương có tổng cộng ba ngàn sáu trăm gốc, mỗi khu vực trước, giữa và sau có một ngàn hai trăm gốc, ăn quả ở từng khu vực có tác dụng khác nhau. Ăn đào tiên ở khu vườn trước thì người mạnh khỏe nhẹ nhõm, đắc đạo thành tiên, ăn ở khu vực giữa thì trường sinh bất lão, trong khi ăn vườn sau sẽ có tuổi thọ ngang với trời đất.
Chính vì quý giá như vậy, nên chỉ có những vị đại tiên, thượng tiên mới có tư cách thưởng thức. Sau khi lừa thổ địa trông coi ra ngoài, Tôn Ngộ Không đã phá tan nát vườn đào, ăn đến mức mệt và ngủ thiếp đi trên cành đào.
Tiên đan của Thái Thượng Lão Quân
Tiên đan của Thái Thượng Lão Quân được xem là thứ quý giá nhất trong tam giới, có thể cải tử hoàn sinh, tăng cường tuổi thọ. Năm đó đại náo Thiên Cung, Tôn Ngộ Không đã ăn sạch các loại kim đan trong lò Bát Quái nên mới luyện được thân thể “kim cương bất hoại".
Không chỉ ăn một mình, Hầu Tử còn đem rất nhiều đan dược về Hoa Quả Sơn phân phát cho con cháu.
Nhân sâm ngàn năm ở Ngũ Trang Quán
Bên cạnh đào tiên, “Tây Du Ký” còn một loại quả khác gây tò mò không kém là nhân sâm mang hình hài đứa trẻ. Trong nguyên tác, tác giả Ngô Thừa Ân đã miêu tả: “3000 năm mới nở hoa, 3000 năm mới kết quả, lại 3000 năm nữa mới chín. Một vạn năm kết được hơn 30 quả. Người nào có phúc ngửi một hơi sẽ sống 360 tuổi, ăn được một quả sẽ thọ tới 47.000 năm”.
Với bản tính tham ăn, Trư Bát Giới đã xúi Tôn Ngộ Không hái trộm để ăn cho biết. Việc bại lộ khiến hai vị tiên đồng trông coi vườn nhân sâm tức giận buông lời nhục mạ bốn thầy trò. Tôn Ngộ Không liền đạp đổ cây nhân sâm. Sau đó khỉ đá phải đi khắp tam đảo mười châu, cuối cùng được Quan Âm Bồ Tát dùng nước Cam Lộ giúp cây quý cải tử hoàn sinh. Theo lời Bồ Tát thì cây nhân sâm chính là “cây thiêng từ thuở khai thiên lập địa” khi càn khôn còn hỗn độn, trời đất còn mờ mịt chưa phân.
Thịt trẻ em
Trong phim, yêu quái thường sử dụng cách hút sinh khí, ăn thịt người hoặc ăn trẻ con để kéo dài tuổi thọ, giúp cho việc tu luyện.
Linh Cảm đại vương là con cá chép được nuôi trong ao sen của Quan Âm Bồ Tát, công lực thâm hậu, trốn xuống trần gian tác oai tác quái ở sông Thông Thiên. Nó bắt dân làng mỗi ngày rằm phải hiến tế một đôi đồng nam đồng nữ cho nó ăn thịt.
Hay như Bạch Lộc Tinh ở nước Tỳ Kheo ra lệnh cho hồ ly tinh dùng mỹ sắc để mê hoặc quốc vương, dùng yêu khí khiến quốc vương lâm bệnh, từ đó lừa vua hạ lệnh thu thập 1111 trái tim trẻ em trong thành để làm thuốc trường thọ, khiến cả nước khóc than ai oán. Đây chính là yêu quái độc ác nhất “Tây Du Ký”.
Đường Tăng
Trong “Tây Du Ký”, Đường Tăng phải trải qua 81 kiếp nạn mới lấy được chân kinh và tu thành chính quả. Những kiếp nạn đó phần nhiều đều đến từ lũ yêu tinh rình rập ăn thịt. Bọn chúng đều cho rằng ăn thịt Đường Tăng sẽ được trường sinh bất lão. “Tam Tạng tu đã mười đời, ăn một miếng thịt thì sống thêm ngàn tuổi.”
Đám yêu quái sau khi bắt được Đường Tăng, đều áp dụng phương thức nấu nướng đơn giản nhất, tắm rửa sạch sẽ rồi mang đi nấu. Nhưng mỗi lần bọn chúng đến bước này đều bị Tôn Ngộ Không xuất hiện ngăn cản.
Thật ra, thịt Đường Tăng hoàn toàn không hề có tác dụng trường sinh bất lão. Vật quý giá nhất trên người Tam Tạng chính là áo cà sa và tích trượng chín vòng của Đức Như Lai. Đích thân Phật Tổ đã dặn dò hai đệ tử của mình: “Tấm áo cà sa và cây gậy này đưa cho người lấy kinh dùng. Nếu người ấy mặc áo cà sa của ta sẽ miễn được vòng luân hồi, giữ chiếc trượng này sẽ không bị độc hại".
Và khi ở kinh thành Trường An, giải thích chỗ quý báu của cà sa, Quan Âm Bồ Tát cũng bảo: “Mặc tấm áo cà sa của ta thì không bị đắm chìm, không sa địa ngục, không gặp tai ương ác độc, không bị hoạn nạn sói lang”.