Sự tồn tại của Mandarin: Iron Man 3 (2013) gây ra tranh cãi lớn khi nhân vật tự xưng là Mandarin trong phim hóa ra chỉ là gã diễn viên Trevor Slattery (Ben Kingsley). Ở nguyên tác truyện tranh, Mandarin và tổ chức tội phạm Ten Rings là đối thủ hàng đầu của Iron Man. SauIron Man 3, Marvel Studios quyết định thực hiện phim ngắn All Hail the King để chiều lòng người hâm mộ. Tác phẩm tiết lộ Mandarin thực sự có tồn tại, và gã không hài lòng về chuyện Trevor giả dạng mình. Dẫu vậy, gã vẫn chưa một lần chính thức xuất hiện ở MCU.
Peter Parker xuất hiện trong Iron Man 2: Bản quyền Spider-Man trên màn ảnh vẫn thuộc về Sony, và chỉ nhờ sự cho phép của đối thủ, Marvel Studios mới có cơ hội khai thác nhân vật từ Captain America: Civil War (2016). Sau này, khi theo dõi lại Iron Man 2 (2010), khán giả nhận ra một cậu bé đeo mặt nạ Người Sắt trong một cảnh diễn ra ở khu Queens. Điều bất ngờ là Tom Holland - người sắm vai Spider-Man - sau đó xác nhận: “Tôi mới nói chuyện với Kevin Feige. Quả đúng như các bạn mong đợi. Đây là một chi tiết cũ rồi, nhưng rất hay. Tôi thích ý tưởng Peter Parker tồn tại trong MCU bấy lâu”. Hài hước hơn, Holland sớm rút lời khi chia sẻ: “Vui ghê, tôi lại mới nói chuyện với Kevin, và ông ấy không xác nhận điều đó. Tôi tự nghĩ ra chuyện này và thấy nó rất hay. Không ngờ tất cả lại bùng nổ đến thế”. Có lẽ Kevin Feige không muốn vướng vào rắc rối bản quyền với Sony nên bắt tài tử trẻ phải thu lời.
Stan Lee là The Watcher: Trong nguyên tác, Watchers là một chủng tộc ngoài hành tinh, chuyên dõi theo nhân loại và sự sống khắp vũ trụ. Việc “ông trùm Marvel” Stan Lee liên tục xuất hiện trong các phim MCU với hàng loạt vai diễn cameo (khách mời) khác nhau khiến một bộ phận fan cho rằng ông chính là một Watcher. Cho đến Guardians of the Galaxy Vol. 2, Marvel Studios đã chính thức xác nhận tình tiết này. Kevin Feige tiết lộ đây là ý tưởng của đạo diễn James Gunn - người mãi sau này mới đến với MCU. Do đó, đây là điều mới nảy sinh sau nhiều lần cameo của Stan Lee.
Chiếc Găng tay Vô cực giả: Ở đoạn after-credits của Avengers: Age of Ultron (2015), khán giả trông thấy Thanos (Josh Brolin) đã nắm trong tay chiếc Găng tay Vô cực. Điều đó khiến các fan Marvel thực sự đau đầu, bởi tập phim Thor (2011) cho thấy vật báu đang nằm trong kho tàng của Odin (Anthony Hopkins). Kevin Feige khi ấy lên tiếng rằng có hai Găng tay Vô cực. Nhưng đến Thor: Ragnarok, mọi tranh cãi bị dẹp tan chỉ bởi câu thoại của Hela (Cate Blanchett) cho thấy chiếc Găng tay Vô cực ở Asgard là đồ giả, với không lời giải thích nào hơn.
Hawkeye có gia đình: Sau The Avengers (2012), các fan phỏng đoán về mối quan hệ tình cảm giữa cung thủ Hawkeye (Jeremy Renner) và Black Widow (Scarlett Johansson). Đạo diễn Joss Whedon khi ấy lên tiếng rằng Hawkeye là một kẻ cô độc, và thích giữ khoảng cách với người khác. Đồng thời, ông nói: “Các phim Avengers không có nhiều thời gian cho yếu tố lãng mạn. Số lượng nhân vật là quá đông rồi”. Tất cả những chia sẻ ấy như bị phủ nhận bởi Avengers: Age of Ultron cũng do chính Whedon thực hiện. Hóa ra Hawkeye đã có gia đình và con nhỏ. Bộ phim cũng dành chỗ cho yếu tố lãng mạn, nhưng là giữa Hulk (Mark Ruffalo) với Black Widow. Và gia đình của Hawkeye càng khiến cho loạt Avengers có thêm nhiều nhân vật.
Cha của Iron Man quá đa tài: Trong Iron Man, khán giả biết rằng Howard Stark - cha của Tony Stark (Robert Downey Jr.) - là một doanh nhân thành đạt nhờ buôn bán vũ khí. Đến Captain America: The First Avenger (2011), bộ phim hé lộ Howard từng là tiến sĩ làm việc cho chính phủ, và thiết kế ra chiếc khiên huyền thoại cho Cap (Chris Evans). Nhưng bước sang Captain America: The Winter Soldier, nhân vật còn trở thành thành viên của S.H.I.E.L.D., rồi bị H.Y.D.R.A. sát hại (bởi Bucky Barnes như Civil War sau đó tiết lộ). Chưa kể, ở Ant-Man (2015), Hank Pym (Michael Douglas) lại so sánh Howard Stark như một điệp viên nắm rất rõ các siêu anh hùng. Đây thực tế là một nhân vật phụ của MCU, nhưng lại có câu chuyện quá khứ quá sức phức tạp, liên tục được thay đổi để phục vụ cho nội dung cốt truyện.
Quá trình hình thành nhóm Avengers: Theo kế hoạch ban đầu, nhóm Avengers sẽ tập hợp để ngăn chặn sự phá hoại của Hulk. Do đó, việc Tony Stark xuất hiện ở đoạn after-credits của The Incredible Hulk (2008) là hết sức hợp lý. Nhưng trải qua thời gian, ý tưởng thay đổi, và Hulk thậm chí trở thành thời viên đời đầu của Avengers. Marvel Studios đã sử dụng phim ngắn The Consultant để giải thích rằng Hội đồng An ninh Quốc tế muốn chiêu mộ Abomination (Eli Roth) cho nhóm Avengers, nhưng S.H.I.E.L.D. thì không. Do Abomination đang bị Ross giam cầm, họ quyết định cử Tony Stark đến để khiến vị tướng khó chịu, bất hợp tác, và không thả ác nhân ra ngoài. Và bản tính cao ngạo của Người Sắt đã giúp S.H.I.E.L.D. thành công.
Loki không xấu xa: Loki (Tom Hiddleston) là nhân vật phản diện xấu xa nhưng rất được khán giả mến mộ kể từ Thor (2011). Nhân vật đã đi một quãng đường rất dài sau đó cho tới cái chết dưới tay Thanos ở Avengers: Infinity War (2018). Có người tiếc thương gã, nhưng sự hy sinh của Loki cũng khó có thể giúp bào chữa cho những hành động xấu xa của y ở The Avengers (2012). Bất ngờ thay, Marvel Studios mới đây tiết lộ rằng hàng loạt hành động tàn bạo trong quá khứ của Loki thực chất là do Thanos thao túng nhờ Đá Vô cực Tâm trí. Đây có thể là nước cờ giúp hãng phim mở ra series mới về riêng nhân vật trên hạ tầng Disney+ sắp tới.
(Theo Ngọc Nhi - zing.vn)