1. Solo: A Star Wars Story (Solo: Star Wars ngoại truyện):
Tập phim ngoại truyện mới của Chiến tranh giữa các vì sao là một trong những bộ phim gây thất vọng nhất của thương hiệu điện ảnh này. Với kinh phí khủng lên đến gần 250 triệu USD, hiện tại bộ phim chỉ thu về khoảng 344 triệu USD. Bộ phim có thành tích kém xa tác phẩm ngoại truyện khác là Rogue One (2016) với hơn 1 tỷ USD.
Doanh thu của bộ phim do Ron Howard chỉ đạo còn kém hơn cả những tập phim thập niên 1980. Việc thay thế Harrison Ford đầy biểu tượng bằng Alden Ehrenreich còn non kinh nghiệm thật sự là nước cờ quá mạo hiểm, góp phần dẫn đến thất bại thảm hại của bom tấn nhà Lucasfilm.
2. A Wrinkle in Time (Nếp gấp thời gian):
Sở hữu phần kịch bản rời rạc và hời hợt, bộ phim viễn tưởng của Walt Disney chỉ phù hợp với đối tượng khán giả thiếu nhi. Phim được đầu tư với kinh phí rất cao, lên đến hơn 130 triệu USD nhưng chỉ đủ sức kiếm được số tiền đủ huề vốn (chưa kể chi phí quảng bá rất hùng hậu). Phim có sự tham gia của "nữ hoàng truyền thông" Oprah Winfrey được xem là cú “bước hụt” đầu tiên của Nhà Chuột trong năm nay.
3. Early Man (Ngôi làng tiền sử):
Bộ phim hoạt hình vui nhộn về đội bóng đá thời tiền sử chỉ thu về khoảng hơn 53 triệu USD trên toàn thế giới (trong đó chỉ khoảng 8,2 triệu USD nội địa). Trong khi đó, phim đã có kinh phí thực hiện lên đến 50 triệu USD. Tác phẩm stop-motion do Nick Park làm đạo đạo diễn với sự tham gia lồng tiếng của Eddie Redmayne, Tom Hiddleston được đánh giá khá tròn trịa trong việc gây tiếng cười cho trẻ em nhưng chưa thật sự vươn đến đỉnh cao về nội dung như nhiều bộ phim hoạt hình nhà chuột.
4. Annihilation (Vùng huỷ diệt):
Bộ phim khoa học viễn tưởng có sự góp mặt của minh tinh Natalie Portman có kinh phí khoảng 40 triệu USD nhưng thu về chưa đến 33 triệu USD. Tính ra bộ phim có lỗ hơn 10 triệu USD chưa kể chi phí truyền thông, quảng bá. Không chỉ dừng lại ở chuyện viễn tưởng thông thường mà phim còn được đánh giá là một câu chuyện nhân văn xuất sắc, đa tầng nghĩa về sự sống của con người. Phim được chỉ đạo bởi đạo diễn Alex Garland (Ex Machina, Dredd) không được công chiếu rộng rãi trên các rạp chiếu bóng mà phát hành tại nhiều nơi trên thế giới qua Netflix.
5. Death Wish (Thần chết):
Tác phẩm hành động với sự góp mặt của ngôi sao hành động Bruce Willis có kinh phí khoảng 30 triệu USD chỉ thu về khoảng 48 triệu USD. Đây được xem là nỗi thất vọng ê chề vì tác phẩm được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn trên phòng vé. Phiên bản tái khởi động thương hiệu hành động Death Wish của Bruce Willis không có nhiều điều đột phá so với nguyên tác ra đời năm 1974. Đạo diễn Eli Roth từng thành công rực rỡ với 80,6 triệu USD chỉ dựa trên 5 triệu USD kinh phí.
6. Gotti:
Bộ phim tiểu sử về ông trùm tội phạm John Gotti do nam diễn viên John Travolta thủ vai đạ được ấp ủ từ năm 2010. Trải qua nhiều trắc trở trong quá trình sản xuất từ việc thay đổi đạo diễn, diễn viên và kịch bản thì bộ phim vừa được ra mắt cách đây ít ngày. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhiều người, tác phẩm có kinh phí 10 triệu USD mới chỉ kiếm được chưa tới 2 triệu USD. Bộ phim bị chê bai thậm tệ và nhận được con số 0 tròn trĩnh của trang chấm điểm phim Rotten Tomatoes.
7. Sherlock Gnomes (Thám tử siêu quậy):
Bộ phim hoạt hình của hãng MGM với sự tham gia của ngôi sao lồng tiếng như Johnny Depp, Emily Blunt và Mary J. Blige có ngân sách khá lớn gần 60 triệu USD. Tuy nhiên, dù được kỳ vọng cao nhưng phim chỉ thu về khoảng hơn 80 triệu USD, có thể xem là huề vốn với sự cộng dồn của chi phí quảng bá. Trước đó, bộ phim hoạt hình của hãng MGM là Gnomeo & Juliet thu về được gần 200 triệu USD với kinh phí xấp xỉ 36 triệu USD. Đây được xem là bước lùi đáng kể của hãng phim có thâm niên tại Mỹ.
8. Hurricane Heist (Vụ cướp trong tâm bão):
Tác phẩm thảm hoạ thiên nhiên pha trộn với thể loại hành động trộm cắp là chủ đề khá thú vị nhưng lại được thể hiện không thành công. Với kinh phí 35 triệu USD, phim chỉ thu về vỏn vẹn hơn 6 triệu USD trên toàn thế giới. Đây là con số đáng quên của đạo diễn Rob Cohen, một trong những tên tuổi nổi tiếng từ 2 bộ phim XXX và The Fast & The Furious.