Những bộ phim nổi tiếng trên thế giới chắc hẳn luôn được nhà sản xuất “o bế” kĩ càng trước khi được ra mắt với công chúng. Dù thế, những lỗi logic vẫn xuất hiện và đã bị khán giả “soi” được một cách dễ dàng. Những chi tiết này không ảnh hưởng đến nội dung bộ phim, nhưng thật sự đã trở thành những câu chuyện giải trí thú vị cho người xem.
The Wizard Of Oz (1939)
Tuy đây là phim về phù thủy, nhưng chắc chắn rằng việc độ dài mái tóc của cô bé Dorothy liên tục thay đổi không nằm trong quyền năng của các phù thủy ở đây.
Harry Potter Và Phòng Chứa Bí Mật (2002)
Loạt phim Harry Potter huyền thoại cũng không tránh được sự “hớ hênh” của mình. Trong phân cảnh giáo sư Gilderoy Lockhart mở buổi học đấu tay đôi, nếu để ý kĩ, sẽ thấy hình ảnh một người quay phim đang quỳ giữa các học trò.
Pretty Little Liars (2010 - 2017)
Chương trình truyền hình ăn khách một thời lại bị chỉ ra vấn đề logic hài hước, khi nhân vật Aria (Lucy Hale) đã thực hiện cuộc trò chuyện của mình rất tự nhiên mà không để ý rằng... điện thoại của cô bị để ngược.
Game Of The Thrones (2011 - 2019)
Bộ phim truyền hình giả sử thi nổi tiếng của đài HBO đã có một nhầm lẫn không thể hiểu được. Lấy bối cảnh thời trung cổ, nhưng cảnh quay lại có hẳn một ly cà phê Starbucks sang chảnh trên bàn, trước mặt nhân vật Daenerys. HBO đã giải thích rằng đáng lý vị trí đó phải là của một ly trà thảo mộc, nhưng họ không nói vì sao lại có một ly Starbucks ở đấy.
Once Upon A Time In Hollywood (2019)
Nếu Game Of The Thrones có một ly Starbucks thì Once Upon A Time In Hollywood có hẳn một biển hiệu của Starbucks. Vấn đề là bối cảnh trong bộ phim của đạo diễn Tarantino diễn ra vào năm 1969, còn chuỗi cà phê nổi tiếng kia thì được thành lập vào năm 1971.
Dallas Buyers Club (2013)
Cùng mắc sai lầm về thời gian tương tự. Phân cảnh phía sau của bộ phim này là một tấm áp phích chiếc xe Lamborghini Aventador. Nếu vậy thì phải có ai đó “xuyên không” về tặng cho nhân vật, vì mãi đến năm 2011 loại xe này mới được sản xuất.
Spider Man: Far From Home (2019)
Có thể nhà sản xuất đã quên mất việc nghiên cứu các luật lệ khi quay phim, vì khi thực hiện quay phim ở thành phố Venice (Ý), có một phân cảnh quay đến khu vực hạn chế các phương tiện cơ giới, nhưng anh chàng Người Nhện và các bạn của mình lại di chuyển qua đấy bằng xe buýt.
American Sniper (2014)
Bộ phim này tạo nên một nghịch lý kì lạ, vì đã tái hiện được những cảnh quay về chiến tranh vô cùng chân thật, nhưng đứa bé được nam diễn viên Bradley Cooper bế trong cảnh quay lại là...búp bê. Jason Hall - biên kịch của bộ phim đã giải thích rằng con búp bê kia là sự lựa chọn bất đắc dĩ, vì đứa bé đầu tiên bị ốm và đứa bé thứ hai thì không xuất hiện khi họ thực hiện cảnh quay. Tuy nhiên, dòng tweet giải thích của biên kịch cũng đã nhanh chóng bị xóa.
Gladiator (2000)
Bộ phim này đã nhận được 5 giải Oscar, bao gồm cả giải Kỹ xảo đồ họa đẹp nhất. Nhưng trong một trận quyết chiến ở Đấu trường La Mã, một cỗ xe bị lật và để lộ ra bình đựng khí. Rõ ràng, vật phẩm này không thể tồn tại ở thời La Mã cổ đại.
Nguồn ảnh: Tổng hợp