Tính đến 28/6, có tổng cộng 12 bộ phim Việt ra rạp (chỉ tính phim được phát hành rộng rãi toàn quốc). Tổng doanh thu phim Việt sau nửa năm vào khoảng 1.182 tỷ đồng.
(Lưu ý: Con số được tổng hợp dựa trên dữ liệu của đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam, có thể sai số 5-10%).
Chỉ sau nửa năm, con số 1.182 tỷ đồng vượt tổng doanh thu phim Việt của cả năm 2023 (khoảng 1.130 tỷ đồng).
Có thể nói, thành tích trên là dấu hiệu đáng mừng, đánh dấu sự phục hồi của thị trường điện ảnh trong nước sau đại dịch.
Song, thị trường điện ảnh đang xảy ra nghịch lý. Với tổng doanh thu 1.182 tỷ đồng, phim của Trấn Thành và Lý Hải chiếm đến 1.032,6 tỷ đồng. 10 tác phẩm còn lại "chen chúc" chia nhau 149,4 tỷ đồng.
NSND, NSƯT không cứu được phim, vua phòng vé ngã ngựa
Khởi chiếu từ 28/6, Mùa hè đẹp nhất là tác phẩm chốt sổ phim Việt ra rạp nửa đầu năm.
Trong ba ngày cuối tuần (28-30/6, đồng thời là ba ngày mở màn, ảnh hưởng lớn đến doanh thu), phim của đạo diễn Vũ Khắc Tuận không tạo tiếng vang.
Phim bán được 17.873 vé/1.491 suất chiếu, thu 1,46 tỷ đồng. Mùa hè đẹp nhất đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng, kém sức hút so với loạt phim ra rạp trước đó như Inside Out 2, Cửu Long thành trại: Vây thành và Gia tài của ngoại.
Vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng doanh thu cuối tuần được cho là thấp so với tác phẩm mới phát hành. Tuy không cạnh tranh với phim Việt, Mùa hè đẹp nhất gặp đối thủ mạnh là Vùng đất câm lặng: Ngày một.
Sau ba ngày mở màn, phần phim thứ ba của loạt phim kinh dị đến từ Hollywood thu 10,1 tỷ đồng, đứng vị trí thứ hai và cao gấp 7 lần doanh thu Mùa hè đẹp nhất.
Với 2,4 tỷ đồng sau 7 ngày chiếu, suất chiếu nhỏ giọt khoảng 600-700/ngày, Mùa hè đẹp nhất sẽ rời rạp với doanh thu ảm đạm.
Điều đáng nói, Mùa hè đẹp nhất quy tụ nhiều nghệ sĩ lớn như NSND Việt Anh, NSND Công Ninh, NSƯT Công Ninh, NSƯT Hồng Ánh... Đạo diễn Vũ Khắc Tuận được giới thiệu là người dựng phim cho loạt phim trăm tỷ như Tháng năm rực rỡ (2018), Bố già (2021), Nhà bà Nữ (2023), Mai (2024)...
Nhiều bộ phim Việt ra rạp thất bại, thua lỗ.
Yếu tố con người không gánh được doanh thu phòng vé thấp, một phần do nội dung Mùa hè đẹp nhất không mới, kịch bản chưa chắc chắn, thiếu yếu tố thu hút khán giả.
Đây chính là điểm chung lớn nhất khiến phim Việt ra rạp năm 2024 gần như thất bại.
Gần nhất là trường hợp của vua phòng vé Tuấn Trần.
Sau khi Mai thu 551,2 tỷ đồng và đứng đầu danh sách phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời, Tuấn Trần (vai nam chính Dương) chính thức giữ kỷ lục vua phòng vé.
Điều đó không đồng nghĩa với việc Tuấn Trần "đánh đâu thắng đó", nhất là sau cú ngã ngựa mang tên Móng vuốt.
Ban đầu, nam chính Tuấn Trần và đạo diễn Lê Thanh Sơn (hai cái tên trăm tỷ đồng của điện ảnh Việt) được khán giả kỳ vọng là điểm sáng của phòng vé sau chuỗi thua lỗ. Chính đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng kỳ vọng phim đạt 300 tỷ đồng sau khi tuyên bố "tung hết chiêu" vì dè chừng Trấn Thành, Lý Hải.
Nhưng khi phim ra rạp, khán giả thất vọng. Móng vuốt bị chê từ kịch bản, cách kể chuyện đến diễn xuất của dàn diễn viên.
Kết quả, phim lặng lẽ rời rạp sau ba tuần, lỗ nặng với doanh thu 3,88 tỷ đồng.
Trước đó, bảo chứng phòng vé Thái Hòa cũng liên tục bị nhắc tên khi Cái giá của hạnh phúc thu 26,3 tỷ đồng, thua lỗ ít nhất 27 tỷ đồng. Cú ngã ngựa của Thái Hòa cũng đến từ kịch bản phim không thuyết phục.
Sao cứ phải là Trấn Thành và Lý Hải?
Thị trường điện ảnh hiện tại đối mặt thực tế cứ phim ra rạp là thua lỗ. Mai Thu Huyền là đạo diễn lỗ nặng nhất nửa đầu năm 2024 khi Đóa hoa mong manh chỉ thu 430 triệu đồng. Có người may mắn hơn thu vài tỷ đồng (Quý cô thừa kế 2, Sáng đèn) đến vài chục tỷ đồng (Cái giá của hạnh phúc), nhưng vẫn lỗ. Nhất Trung là trội hơn khi thu khoảng 100 tỷ đồng với phim chiếu Tết Gặp lại chị bầu.
Trừ Trấn Thành và Lý Hải, hai đạo diễn nghìn tỷ đồng của Việt Nam đang chia nhau chiếc bánh doanh thu mùa Tết và lễ 30/4-1/5.
Chia sẻ với Tiền Phong, chuyên gia truyền thông Ân Nguyễn, nhận định thành công của Mai và Lật mặt 7 đến từ ba yếu tố là chất lượng phim, quá trình marketing bài bản và thương hiệu cá nhân của Trấn Thành, Lý Hải.
Tuy nói Mai và Lật mặt 7 có quá trình PR thành công, chuyên gia không nói Lý Hải, Trấn Thành thắng lớn chỉ nhờ công nghệ marketing. "Thành công của Lý Hải và Trấn Thành bắt nguồn từ tác phẩm từ khá đến tốt, lấy được cảm xúc khán giả. Quá trình marketing giúp phim tiếp cận nhiều người, nhưng sản phẩm phải tốt trước đã", ông Ân Nguyễn nói.
Chuyên gia cho rằng Lật mặt 7 tạo cơn sốt truyền thông, tuy không mạnh như Mai nhưng vẫn có tiếng vang. Doanh thu 481,4 tỷ đồng của Lật mặt 7 vượt Nhà bà Nữ, giúp Lý Hải phá kỷ lục của Trấn Thành.
Gặp lại chị bầu là phim Việt hiếm hoi (sau Mai và Lật mặt 7 ) trong năm nay vượt mốc 100 tỷ đồng.
Trước khi Móng vuốt ra rạp, Lê Thanh Sơn nói anh dè chừng Lý Hải, Trấn Thành và cho rằng đây là thế lực đáng gờm ngoài phòng vé. Chuyên gia Ân Nguyễn đồng ý với điều này.
"Lý Hải và Trấn Thành là hai đạo diễn ăn khách nhất hiện nay. Những nhà làm phim khác phải e dè khi ra mắt cùng ngày. Tôi cũng nhắc lại, ngoài thương hiệu cá nhân, tác phẩm của họ vẫn trội hơn phần còn lại. Đó là yếu tố lớn nhất khiến họ vượt trội", chuyên gia nói.
Về những bộ phim khác ra rạp trong năm nay, chuyên gia Ân Nguyễn nói giới phê bình, khán giả đã đánh giá nhiều về nội dung. Kết quả phòng vé phản ánh đúng chất lượng loạt tác phẩm. Chuyên gia nhìn nhận rộng hơn về thị trường chung.
"Nửa năm qua, ngoài hai mega-hit (phim đại thắng) của Lý Hải và Trấn Thành, cùng phim doanh thu cao mùa Tết là Gặp lại chị bầu, phần còn lại đều không như ý. Sự phân cực này khiến tôi lo lắng", ông Ân Nguyễn nói.
Chuyên gia hy vọng nửa cuối năm có những bộ phim ăn khách khác. Về lâu dài, chuyên gia mong thị trường có thêm nhiều tác phẩm chen chân vào cuộc đua 400-500 tỷ đồng để phòng vé Việt thêm sôi động.
Sắp tới, điện ảnh Việt chứng kiến loạt tác phẩm chủ đề tâm lý, kinh dị như Ma da (16/8), Làm giàu với ma (30/8), Con Cám (25/10), Linh miêu (22/11), Đồi thông hai mộ (27/12), Nhà gia tiên (28/12)...
Loạt tác phẩm kinh dị được khán giả mong đợi, nhất là sau thành công bất ngờ của Quỷ cẩu (thu 108,4 tỷ đồng) dịp cuối năm 2023.
Doanh thu 12 bộ phim Việt ra rạp từ tháng 1-6/2024: Mai (10/2): 551,2 tỷ đồng Gặp lại chị bầu (10/2) 100 tỷ đồng Trà (10/2): 1,6 tỷ đồng Sáng đèn (10/2): 3,4 tỷ đồng Quý cô thừa kế 2 (8/3): 6,4 tỷ đồng Đóa hoa mong manh (12/4): 430 triệu đồng B4S - Trước giờ yêu (19/4): 3,8 tỷ đồng Cái giá của hạnh phúc (19/4): 26,3 tỷ đồng Lật mặt 7: Một điều ước (26/4): 481,4 tỷ đồng Án mạng lầu 4 (17/4): 1,99 tỷ đồng Móng vuốt (7/6): 3,88 tỷ đồng Mùa hè đẹp nhất (28/6): 2,4 tỷ đồng |