Mới đây, một bà cụ 94 tuổi sở hữu trang tài khoản Weibo “Người mẹ năm tháng” (tạm dịch) trở nên “hot” trên mạng xã hội Trung Quốc.
Bà cụ trở thành "cây hái tiền" của con gái
Theo giới thiệu, bà cụ sinh năm 1928, từng là một cô gái xinh đẹp, 20 tuổi lấy chồng nghèo khổ, sinh được 6 đứa con.
Khi bà 48 tuổi, chồng đột ngột qua đời. Để nuôi con thành người, bà đã cam chịu rất nhiều khổ cực. Đến nay con cháu đầy nhà, gia đình ấm êm, cuộc sống xem như mỹ mãn và hạnh phúc.
Người đứng ra quản lý trang tài khoản “Người mẹ năm tháng” này chính là con gái út của bà, hiện 61 tuổi.
Nội dung của những đoạn clip chủ yếu về sinh hoạt ngày thường của bà cụ, bao gồm các bữa ăn, quá trình nấu nướng, gói há cảo, quét dọn phòng ốc, trồng rau… Dần dà, tài khoản đã tích lũy được hơn 3,7 triệu người theo dõi.
Từ hình ảnh trong đoạn clip có thể nhìn thấy, bà cụ hiện lên với khí chất nho nhã, đoan trang, trên môi lúc nào cũng mang nụ cười hiền từ và nhẹ nhàng. Đây chính là điểm giúp bà nhận được sự yêu thích của cư dân mạng. Không ít người còn ao ước mai sau già đi sẽ có khí chất như bà.
Thế nhưng sau đó, sự việc bắt đầu phát triển theo hướng mất kiểm soát. Con gái của “Người mẹ năm tháng” không thỏa mãn với những đoạn clip quay sinh hoạt hằng ngày thông thường.
Vì để kiếm nhiều tiền hơn, cô bắt đầu cùng mẹ livestream bán hàng, chèn nội dung quảng cáo vào hầu hết các clip đăng tải. Mỗi ngày, trang tài khoản “Người mẹ năm tháng” đều mở 2 lần livestream, sáng 1 lần và tối 1 lần, tổng cộng thời lượng lên sóng trực tuyến dài 8 giờ đồng hồ.
Bà cụ 94 tuổi đương nhiên không thể chịu được cường độ làm việc này. Trong những lần livestream gần nhất, có lẽ vì quá mỏi mệt nên bà cụ thường dựa vào ghế. Chưa hết, bà còn phải liên tục đọc và học thuộc những từ ngữ quảng cáo một cách máy móc.
Nếu để ý có thể phát hiện, con gái ngồi bên cạnh uống nước liên tục, nhưng bà cụ ngay cả một hớp nước cũng không uống.
Trong một đoạn livestream quay bà cụ nấu ăn, có lẽ người con gái thấy động tác của bà quá chậm chạp nên đã thô bạo giật lấy dao và thớt, rồi đẩy bà sang bên cạnh.
Theo số liệu thống kê, tài khoản “Người mẹ năm tháng” đạt doanh thu bán hàng hơn 1 triệu NDT (hơn 3,45 tỷ đồng) trong 1 tháng. Có thể nói, đây chính là "cây hái tiền" thực thụ.
Tuy nhiên, mới đây, sự thật về “Người bà năm tháng” đã bị bóc trần.
Bức ảnh chụp bà cụ năm 18 tuổi mà tài khoản này đăng tải trước đó được cho là giả mạo. Theo đó, người phụ nữ trong bức ảnh là diễn viên nhạc kịch Hà Thanh Thanh. Và chính chủ cũng đã lên tiếng về vụ “trộm ảnh thay thế” này.
Vì để thu hút sự chú ý, bán hàng kiếm lời, tài khoản “Người mẹ năm tháng” đã trộm cắp hình ảnh, làm giả danh tính, ăn không nói có. Nếu không có người trong ngành lên tiếng thì con gái của bà cụ đã trở thành “chuyên gia” trong nghề livestream bán hàng.
Hiện tại, bà cụ 94 tuổi vẫn là cây hái tiền của người con gái út, mỗi ngày đều lên sóng trực tuyến quảng cáo và bán hàng một cách máy móc, đầy miễn cưỡng.
Trong lần livestream mới nhất, cư dân mạng đã chất vấn và chỉ trích:
“Bà cụ quá mệt mỏi rồi. Bị người nhà biến thành công cụ kiếm tiền. Họ không cho bà được an hưởng tuổi già. Đây là hành vi bất hiếu”.
“Chỉ biết đến tiền, mọi tình nghĩa và chữ hiếu đều quên mất”.
“Bà cụ nên nghỉ ngơi rồi. Cô con gái út đừng giày vò mẹ mình nữa”.
Khi mạng xã hội trở thành xu thế, giới hạn đạo đức trong cách kiếm tiền của con người dần bị biến chất. Đơn cử chính là hành vi “bất hiếu kiểu mới” như trên. Điều đáng buồn là hiện tượng này ngày càng nhiều hơn.
Kiếm tiền trên mạng bị biến chất, hình thành hiện tượng “ăn bám trẻ em”, “ăn bám người già” kiểu mới
“Người mẹ năm tháng” không phải là trường hợp duy nhất.
Không lâu trước đây, Douyin (Tik Tok Trung Quốc) nổi lên trào lưu “ăn kem, ăn đá lạnh”. Điều đáng chú ý là đông đảo người lớn tuổi lại tham gia thử thách này.
Bạn có thể nhìn thấy, họ đều là những ông cụ bà lão tầm 60-70 tuổi. Thế nhưng không biết vì bị ép hay tự nguyện, họ lại đứng trước ống kính ăn những loại đá lạnh và thạch rau câu nhiều màu sắc.
Một bà cụ ăn kem cây, dường như khó chịu đến mức mắt đỏ ngấn lệ. Đối với người trẻ, ăn kem là giây phút thích thú và sảng khoái, nhưng với người già thì không phải chuyện đơn giản.
Còn có một bà cụ thực hiện thử thách ăn tảng đá “siêu to khổng lồ”, cuối cùng vì cầm không nổi nên đã ngã chổng vó dưới sàn. Chưa hết, bà còn tỏ vẻ sợ sệt như đứa con nít: “Bà không phải cố ý ngã đâu. Lần sau sẽ không như vậy nữa”.
Không biết đứng sau những tài khoản này là ai? Nhưng nếu là con cái của những ông bà cụ này thì thật sự quá vi phạm luân thường đạo đức.
Thời đại mạng xã hội lên ngôi đã sản sinh ra những nhóm người “ăn bám trẻ em”, “ăn bám người già”... Họ dùng hình ảnh của những đứa trẻ, người già để mang về sự nổi tiếng, nhờ đó kiếm lợi lộc.
Đương nhiên, kiếm tiền không phải là sai trái, nó chỉ sai khi hành vi bị biến chất và mất đi sự tự nguyện. Quay clip, lên sóng trực tiếp nhưng lại khiến nhân vật chính ở trong tình trạng gượng ép, mệt mỏi, ảnh hưởng sức khỏe lẫn tinh thần thì đây không còn là cách kiếm tiền lành mạnh.
Tuy nhiên, nói cho cùng, có nhu thì có cầu. Theo đó, có người xem thì mới có nhiều loại nội dung, trang mạng xã hội như vậy.
Đôi khi người xem chỉ với mục đích giải trí là chính, nhưng lắm lúc lại vô tình thúc đẩy hành vi xấu diễn ra tràn lan và phổ biến hơn.
Hy vọng cộng đồng mạng đều có sự chọn lọc thông minh những nội dung giá trị và đáng xem. Cùng chung tay khiến xã hội này trở nên lành mạnh hơn, loại trừ những hiện tượng, thực trạng xấu xí, vi phạm đạo đức.
(Nguồn: Zhihu)
https://afamily.vn/ba-cu-94-tuoi-tro-thanh-cong-cu-livestream-kiem-tien-cho-con-gai-boc-tran-thuc-trang-an-bam-kieu-moi-tren-mang-xa-hoi-20220807131402639.chn