Đa số ý kiến đều cho rằng, cuối thời Đông Hán chính là giai đoạn thịnh thế Tam Quốc, bởi anh tài trong thiên hạ xuất hiện vô kể, tranh hùng khắp nơi, tạo nên những điển tích vang dội trong lịch sử.
Cũng có thể vì gian đoạn đó đã sử dụng cạn kiệt "tinh túy" của Trung Nguyên, mà đến thời kỳ cuối Tam Quốc, nguồn nhân tài đều suy giảm ở tất cả các quốc gia, đặc biệt là nhà Thục Hán.
Thậm chí còn có cả câu nói "Nhà Thục không đại tướng, Liêu Hóa làm tiên phong" để diễn tả viễn cảnh lụi tàn của nhà Thục.
Tuy nhiên, nhân tài suy giảm không có nghĩa là 1 vị tướng tài năng cũng không có. Giai đoạn này vẫn còn 3 nhân vật kỳ tài, chỉ tiếc cuối cùng họ đều nhận chung kết cục bi thảm vì ngầm ám hại lẫn nhau.
Đó chính là Khương Duy, Chung Hội và Đặng Ngải
Khương Duy, vị đại tướng tài năng tận trung với nhà Thục Hán.
Trong 3 người này, Khương Duy là người bỏ mạng sớm nhất. Khương Duy tự Bá Yêu, người vùng Thiên Thủy.
Ban đầu ông là tướng nhà Tào Ngụy, nhưng trong lần Gia Cát Lượng phạt Bắc lần thứ nhất, Khương Duy bị quân Tào rời bỏ, đường cùng phải chạy sang hàng Thục và được Gia Cát Lượng hết sức mến mộ.
Gia Cát Lượng sau đó rất tín nhiệm, lựa chọn Khương Duy là người kế thừa tinh hoa cả đời của mình. Sau khi Gia Cát Lượng mất, Khương Duy tiếp tục đảm nhận trọng trách phát Bắc và lập được nhiều chiến tích không nhỏ.
Tuy nhiên, hậu chủ Lưu Thiện tin dùng hoạn quan Hoàng Hạo, bỏ việc chính sự. Khương Duy rất bất mãn, muốn xin Lưu Thiện giết Hạo không được.
Lưu Thiện lại nói việc đó với Hạo và bắt Hạo xin lỗi ông. Ông lo rằng Hạo sẽ trả thù, nên xin ra trồng lúa ở Đạp Trung tránh họa bị hại.
Ngay sau đó, nhà Tào Ngụy phát động cuộc chiến diệt Thục, mà đảm nhận trận chiến này chính là Chung Hội và Đặng Ngải. Đây cũng là lần thứ 10 Khương Duy đối đầu với quân Ngụy và cũng là trận chiến cuối cùng của ông.
Trong khi Khương Duy đối đầu với cánh quân của Chung Hội, thì Đặng Ngải lại đi tắt qua Âm Bình, đánh bại tướng Thục là Gia Cát Chiêm ở Miên Trúc rồi tiến thẳng vào Thành Đô.
Hậu chủ Lưu Thiện bất lực đầu hàng Đặng Ngải, nhà Thục sụp đổ.
Tuy nhiên Khương Duy vẫn không từ bỏ mà muốn tìm cơ hội khôi phục nhà Thục. Biết Trung Hội có ý định mưa phản, Khương Duy trá hàng và kích động Chung Hội quyết tâm tạo phản, rồi tìm cơ hội giết Chung Hội.
Tuy nhiên kế hoạch bại lộ, Khương Duy bỏ mạng giữa loạn quân tại Thành Đô.
Nếu Đẳng Ngải không lén lút diệt Thục, Chung Hội không có ý định tạo phản, thì Khương Duy đã không phải trá hàng Chung Hội và bỏ mạng trong loạn quân.
Chung Hội
Về phía Chung Hội, sau khi Khương Duy chết giữa loạn quân, ông cũng bị giết ngay sau đó. Nguyên do cũng chỉ vì Chung Hội tin lời Khương Duy tạo phản, bắt giam tất cả các tướng Ngụy.
Các tướng Ngụy cho rằng Chung Hội chỉ nghe theo Khương Duy và muốn chôn sống họ nên tức giận, tập hợp binh mã cùng Vệ Quán đánh Chung Hội.
Chung Hội và Khương Duy chống đỡ không lại và cùng chết giữa loạn quân. Vì vậy cái chết của Chung Hội phải kể đến "công lao" không nhỏ của Khương Duy.
Đặng Ngải
Người còn lại là Đặng Ngải. Trong khi Chung Hội là người chủ chiến đối đầu với Khương Duy, Đặng Ngải lại một mình lén vòng qua Âm Bình tiến vào Thành Đô, lập công diệt Thục.
Đây cũng là chiến tích đỉnh cao và cũng là trận đánh cuối cùng của Đặng Ngải. Bởi sau đó, Chung Hội sinh lòng đố kỵ, viết thư cho Tư Mã Chiêu vu cáo Đặng Ngải muốn làm phản.
Tư Mã Chiêu tin lời Chung Hội, bèn sai Vệ Quán đến Thành Đô bắt giữ cha con Đặng Ngải giải về Lạc Dương.
Trong lúc đó, Vệ Quán nhận được tin từ các tướng Ngụy bị Chung Hội bắt giam từ trước, bèn lén cho người đến giải cứu và đưa quân vào Thành Đô, giết được Chung Hội.
Các tướng sĩ dưới quyền Đặng Ngải thấy Chung Hội đã chết vội đuổi theo xe tù chở cha con Đặng Ngải, đánh cướp và cứu lấy Đặng Ngải.
Vệ Quán ở Thành Đô sợ Đặng Ngải thù mình việc bắt giữ nên đã sai Điền Tục mang quân đánh giết cha con Đặng Ngải tại đình Tam Tạo phía tây Miên Trúc.
Dù không trực tiếp chết dưới tay Khương Duy và Chung Hội, nhưng chính vì Khương Duy khích động, cộng với sự đố kỵ của Chung Hội mà Đặng Ngải mới chịu cảnh xe tù và bị Vệ Quán diệt cỏ tận gốc.