Bạn có muốn trở thành mangaka, một nghề thu nhập thấp nhiều rủi ro và rất dễ "tổn thọ"?

Ngoại trừ những mangaka nổi tiếng thì hầu hết các tác giả khác sống bằng nghề này đều có mức thu nhập thấp hơn trung bình.

Nếu là một người yêu thích truyện tranh, hẳn bạn có biến đến những tác phẩm vô cùng nổi tiếng, thu về bộn tiền như One Piece, Naruto, Kimetsu No Yaiba hay Attack on Titan. Tuy vậy, cũng có không ít tác phẩm không được nhiều khán giả biết đến. Vậy, những người sáng tác truyện tranh hay còn được biết đến với thuật ngữ mangaka sẽ có thu nhập thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Bạn có muốn trở thành mangaka, một nghề thu nhập thấp nhiều rủi ro và rất dễ tổn thọ? - Ảnh 1.

Thông thường, thu nhập của một họa sĩ truyện tranh sẽ được tính dựa trên kinh nghiệm của họ. Đối với các họa sĩ tự do (chưa có tác phẩm riêng), họ thường sẽ đi làm trợ tá cho các tác giả khác để nâng cao tay nghề hoặc tham gia vào các dự án anime để kiếm thêm thu nhập. Việc phụ tá này cũng là một cách để họ có đủ điều kiện phát hành truyện tranh tại các nhà xuất bản lớn. Những họa sĩ trẻ này sẽ được trả công theo giờ với mức lương "tạm chấp nhận được". Trên Upword.com, trang web môi giới họa sĩ làm việc theo giờ thì một họa sĩ tập sự sẽ có giá 10 đô/giờ, trung cấp là khoảng 21 đô/giờ và giàu kinh nghiệm sẽ vào khoảng 65 đô/giờ. Tại Nhật Bản, họa sĩ tự do có số lượng rất đông đảo và trở thành một nghề được nhiều người yêu thích.

HOW and WHERE To PUBLISH Your Own MANGA? | INTERVIEW with a PROFESSIONAL Manga in Japan

Theo chia sẻ từ Ryou Katagiri, một mangaka tại Nhật thì hiện nay các mangaka có thể đăng tải truyện lên các trang mạng xã hội. Nếu thật sự tài năng và được các biên tập viên chú ý, họ sẽ có cơ hội xuất bản tác phẩm của mình tất nhiên là bạn phải thật sự nổi bật để đạt được điều đó. Cô nói rằng các mangaka sẽ được trả tiền theo số trang họ vẽ. Mangaka mới sẽ kiếm được 10.000 đến 15.000 yên mỗi trang. Tùy theo độ nổi tiếng của tác phẩm mà số tiền này sẽ có thay đổi. Điểm lưu ý là số tiền này không bao gồm các chi phí mà mangaka phải bỏ ra như dụng cụ, giấy vẽ, trợ lý.

Mangaka Shuho Sato - tác giả của Umizaru chia sẻ rằng lần đầu phát hành truyện, anh kiếm được 800,000 yên một tháng nhờ vẽ 80 trang truyện đăng tải lên Shonen Jump. Sau khi trừ các chi phí thuê người và nguyên vật liệu thì số tiền thực tế Shuho thu về là 13.000 yên. Tuy nhiên, sau khi ra mắt Say Hello To Black Jack (một manga tầm trung ra mắt năm 2007), Shuho thu về 35.000 yên mỗi trang kèm theo đó là tiền bản quyền bán truyện.

Đối với các mangaka đã có tác phẩm thì thu nhập giữa họ thường có chênh lệch rất lớn, chủ yếu là vì sự khác biệt về độ bán chạy cũng như độ nổi tiếng của những tác phẩm mà họ tạo ra. Số liệu năm 2009 chỉ ra trong 5,300 đầu truyện được bán thì 100 manga hàng đầu đem lại cho mangaka của chúng 70 triệu yên tiền bản quyền. Bản thân Eiichiro Oda, tác giả của One Piece đã thu về tận 1,3 tỷ yên chỉ trong một năm.

Bạn có muốn trở thành mangaka, một nghề thu nhập thấp nhiều rủi ro và rất dễ tổn thọ? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, với tác giả của 5.200 đầu truyện còn lại thì câu chuyện khá bi đát. Họ chỉ thu về khoảng 2,8 triệu yên/năm. Thu nhập trung bình của một người làm công ăn lương tại Nhật thời điểm đó là 4 triệu yên một năm. Như vậy, rõ ràng phần lớn mangaka đều không có được thu nhập tốt. Chưa kể đến chuyện nếu manga có doanh thu không khả quan thì họ sẽ bị ép phải kết thúc nó sớm hơn dự kiến. Tình trạng này đến nay đã được cải thiện nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp manga nói chung và manga cũng được tiêu thụ nhiều hơn tại nước ngoài. Dẫu vậy, phần lớn mangaka vẫn có thu nhập thấp và phải chật vật làm thêm các công việc khác. Tất nhiên, mangaka không chỉ thu về tiền bản quyền từ tác phẩm của họ. Các mangaka cũng sẽ được chia một phần lợi nhuận dựa trên các sản phẩm ăn theo từ manga. Tuy nhiên, về mảng này thì các manga nổi tiếng tiếp tục chiếm phần lớn thị trường.

Bạn có muốn trở thành mangaka, một nghề thu nhập thấp nhiều rủi ro và rất dễ tổn thọ? - Ảnh 4.

Một cứu cánh cho các mangaka là tác phẩm của họ được chuyển thể thành anime. Khi manga được chuyển thành hoạt hình, nó sẽ tiếp cận được nhiều khán giả hơn và sẽ có cơ hội đạt được thành công vượt trội. Kimetsu No Yaiba và Tokyo Revengers là hai ví dụ điển hình cho việc này. Trước khi có anime, cả hai tác phẩm này chỉ bán được vài triệu bản. Con số này lập tức tăng lên gấp nhiều lần ngay sau khi anime lên sóng. Bên cạnh việc manga bán được nhiều hơn thì họ cũng sẽ thu được thêm tiền từ các sản phẩm đi kèm. Số tiền mangaka thu về từ anime sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa họ với bên phát hành anime hoặc giữa nhà xuất bản với bên phát hành anime. Như trường hợp Gotouge Koyoharu, tác giả chỉ nhận được 2 triệu yên tiền bản quyền của Kimetsu No Yaiba: Mugen Train.

Bạn có muốn trở thành mangaka, một nghề thu nhập thấp nhiều rủi ro và rất dễ tổn thọ? - Ảnh 5.

Để một manga thành công thì cần rất nhiều nỗ lực nên các mangaka thường làm việc liên tục và có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Nếu truyện không thành công thì mọi công sức của họ đổ sông đổ biển, cả tiền cũng chẳng có bao nhiêu. Chính vì điều này mà sáng tác truyện tranh là một trong những nghề áp lực và dễ "tổn thọ" nhất tại Nhật Bản. Các bạn cũng biết rằng có nhiều bộ truyện phải tạm dừng vì tác giả gặp vấn đề về sức khỏe thậm chí là bạo bệnh vì áp lực công việc quá lớn.

Dù vất vả là vậy tuy nhiên mangaka vẫn là một nghề được nhiều người yêu thích tại Nhật Bản. Có hai yếu tố có thể thấy rõ để giải thích cho điều này đó là đam mê và khát vọng của họ. Sáng tác manga là một công việc nghệ thuật nên không có điều gì đảm bảo cho họa sĩ manga cả. Nếu thành công, họ sẽ thu về số tiền khổng lồ. Naruto tuy đã kết thúc khá lâu nhưng họa sĩ Masashi Kishimoto vẫn đang thu về tiền từ nó thông qua hậu truyện và các sản phẩm ăn theo. Eiichiro Oda ở tuổi 46 đã sở hữu khối tài sản ròng lên đến 200 triệu đô! Người ta hay nói "còn thở thì còn gỡ" nên các mangaka cố gắng đeo đuổi giấc mơ của mình dù biết nhiều chông gai âu cũng là điều dễ hiểu phải không nào?

Bạn có muốn trở thành mangaka, một nghề thu nhập thấp nhiều rủi ro và rất dễ tổn thọ? - Ảnh 6.

Ngày nay, các mangaka có thể không phát hành truyện tranh mà tự mình ra mắt truyện trên các nền tảng trực tuyến như Twitter, Patreon, Pixiv. Đây là một cách tuyệt vời để họ đưa tác phẩm đến thẳng tay độc giả và nhận về tiền ủng hộ từ các độc giả trung thành. Đây được xem là một hướng đi tốt để đa dạng hóa ngành công nghiệp manga và mở ra thêm cơ hội kiếm tiền cho các họa sĩ. Các bạn thấy sao về thu nhập của một mangaka? Hãy để lại ý kiến của mình nhé!