Trong phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nhất trí thông qua báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh sửa đổi thảo luận kết quả công tác năm 2021 và dự kiến công tác năm 2022. Trong chương trình "Quốc Hội với cử tri" phát sóng tối 27/9 trên kênh VTV1, vấn đề thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi tiếp tục là chủ đề chính.
MC, biên tập viên Minh Hằng của chương trình dẫn dắt: “Điện ảnh là một lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo. Khi đã nhắc đến khả năng và sức sáng tạo của con người thì rất đa dạng, phong phú, không giới hạn. Tuy nhiên trong một tác phẩm điện ảnh khi đến với công chúng, việc đặt ra những ranh giới, mà ở đây cụ thể là những điểm cấm là yêu cầu của thực tiễn, để tránh có những cổ xúy hay là những tác động tiêu cực với người xem và xã hội. Vì vậy trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi mới đây đã nêu rõ những nội dung, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh”.
Tiếp đó chương trình điểm tên những bộ phim bị cấm chiếu vì lý do có cảnh nóng, cảnh bạo lực không phù hợp: “Vài năm trở lại đây, dựa trên những điều cấm về mặt nội dung Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2009 đã có 5 phim bị cấm chiếu. Phim Vị của đạo diễn Lê Bảo bị cấm chiếu vì một đoạn cảnh khỏa thân kéo dài. Phim Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh bị cấm chiếu vì có diễn viên đóng cảnh nhạy cảm khi mới 13 tuổi. Phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu vì nhiều cảnh thanh toán đẫm máu mà không có sự can thiệp của bất kỳ lực lượng xã hội nào, không đúng bản chất của một cuộc sống thành phố”.
Phim "Vợ ba" bị điểm tên cấm chiếu vì có diễn viên đóng cảnh nhạy cảm khi mới 13 tuổi
Phim "Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu vì nhiều cảnh thanh toán đẫm máu
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lên tiếng: “Việc sản xuất phim, phát hành phim, sáng tạo trong phim và luật để quản lý ngành Điện ảnh với tư cách là một ngành nghề nghệ thuật, một ngành công nghiệp cần phải được song hành. Hai bên không thể mâu thuẫn. Có nghĩa, ta không thể đạt được thành tựu về điện ảnh ở khía cạnh nghệ thuật hoặc tài chính mà lại mâu thuẫn với luật, và ngược lại. Nếu như xảy ra mâu thuẫn nghĩa là các bên cần phải ngồi lại để đối thoại với nhau”.
“Ngoài những tác phẩm điện ảnh bị cấm chiếu vì vi phạm điều cấm rõ ràng, nhiều đạo diễn cũng lo ngại sự suy diễn không có cơ sở dựa trên những điều cấm” – chương trình đưa ra vấn đề. Đạo diễn Đặng Nhật Minh thấm thía nhất điều này vì ông trải qua thời gian làm phim từ khi chưa có Luật Điện ảnh cho tới bây giờ. Ông đưa ra quan điểm: “Phim 'Thị xã trong tầm tay' có vai cán bộ tổ chức cơ quan, điều đó là không được. Thời đó không có luật. Đến thời kinh tế thị trường có luật nhưng cũng chung chung”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể về thời kỳ làm phim khi chưa có luật Điện ảnh
Những nội dung, hành vi bị cấm trong luật Điện ảnh năm 2009 được gói gọn trong 4 điều khoản. Trong khi đó dự bảo luật Điện ảnh sửa đổi lần này cụ thể bằng 13 điểm. Ví dụ như “Thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô trụy lạc, loạn luân” hay “Vi phạm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của trẻ em”.
“Đến thời điểm này, việc tìm ra điểm cân bằng giữa sáng tạo nghệ thuật và các điều cấm trong luật Điện ảnh dường như chưa có tiếng nói chung” – chương trình đưa ra nhận xét.
Đạo diễn Trọng Trinh nhấn mạnh yếu tố sáng tạo trong điện ảnh
Đạo diễn Trọng Trinh chia sẻ: “Người làm sáng tạo nghệ thuật khi người ta viết hay làm phim luôn luôn phải thẩm định tác phẩm của mình, ít nhiều ở một góc độ nào đấy, sự sáng tạo sẽ bị mai một, bị mất đi. Mà sáng tạo là sự sống còn của điện ảnh cũng như các loại hình nghệ thuật khác”.