Sau trilogy (bộ ba phim) Batman của Christopher Nolan và Man of Steel của Zack Snyder, DC trong mắt người hâm mộ nhuốm màu "dark deep" (đen tối và sâu sắc). Thế nhưng, phong cách này nhanh chóng bị "người hàng xóm" Marvel lấn át bằng sự hài hước và đơn giản để tiếp cận khán giả đại chúng. Từ đó mà DC cũng cố thử kết hợp cả hai rồi nếm "trái đắng" với bom xịt Justice League (2017). Sau khi được Aquaman (2018) vực dậy, Shazam! (Siêu Anh Hùng Shazam) chính là nước cờ chuẩn xác tiếp theo giúp hãng trở lại đường đua.
Nội dung Shazam xoay quanh cậu nhóc mồ côi Billy Batson (Asher Angel). Sau khi bỏ trốn khỏi các mái ấm tại nhiều bang để đi tìm mẹ, anh chàng cuối cùng được đưa tới gia đình Vazquez cùng 5 đứa trẻ mồ côi khác gồm Freddy (Jack Dylan Grazer), Mary (Grace Fulton), Eugene (Ian Chen), Pedro (Jovan Armand) và Darla (Faithe Herman).
Vì ra tay cứu Freddy khỏi những kẻ bắt nạt trong trường, Billy được phù thủy cổ đại Shazam chọn để kế thừa sức mạnh. Chỉ bằng hô to cái tên "Shazam", cậu nhọc sẽ hóa thành một siêu anh hùng 6 múi với sức mạnh "bá đạo". Tận hưởng khả năng "từ trên trời rơi xuống" chưa bao lâu thì trách nhiệm đã kéo tới. Anh chàng phải đối mặt với ác nhân Thaddeus Sivana (Mark Strong) với âm mưu thôn tính thế giới bởi quyền năng của 7 con quỷ tội lỗi.
1. Siêu anh hùng "lầy lội" nhất quả đất
Nếu nghĩ Deadpool là siêu anh hùng "lầy" nhất quả đất thì tức là bạn vẫn chưa gặp Shazam đó thôi. Sở hữu bộ óc trẻ em trong cơ thể người lớn theo đúng nghĩa đen, anh chàng hành động hệt như những gì mà các cậu nhóc từng mơ ước khi được sở hữu siêu năng lực, như "lấy le" với gái, dùng sức mạnh để kiếm tiền hay trả thù cá nhân.
Kết hợp cùng "ông cụ non" Freddy với vốn kiến thức về siêu anh hùng sâu rộng, cả hai thành một cặp bài trùng "phá hàng phá xóm" đúng nghĩa khi cứu người thì ít mà ăn hại thì nhiều. Sự hài hước xuất hiện xuyên suốt bộ phim trong mọi hành động của Shazam từ việc học cách điều khiển sức mạnh cho tới đánh nhau với phản diện đều "nhây" hết cỡ.
Một chi tiết khác giúp Shazam xứng danh Deadpool của DC chính là việc "đá đểu" mọi anh lớn trong hãng từ Batman, Superman cho tới Aquaman. Nhiều yếu tố hiện đại và thân quen với khán giả trẻ như live-stream, đăng clip "câu like", sống ảo hay bắt nạt học đường cũng xuất hiện một cách duyên dáng.
Sự hài hước trong Shazam còn ấn tượng hơn nữa nhờ vào diễn xuất xuất thần của Zachary Levi. Anh chàng thể hiện được rõ nét tính cách của một cậu nhóc bởi vô số hành động và biểu cảm từ đáng yêu cho đến khó đỡ. Sự kết hợp ăn ý giữa bộ ba Asher Angel, Zachary Levi và Jack Dylan Grazer đủ khiến người xem tin rằng "trẻ trâu" Billy Batson và siêu anh hùng Shazam chính là một người.
Ngoài ra, dàn diễn nhí như Jovan Armand, Faithe Herman và Ian Chen cũng có những phút giây duyên dáng riêng để tỏa sáng. Phần nhạc phim không quá hoành tráng nhưng lại trẻ trung, hiện đại và được lồng ghép vô cùng phù hợp để tăng tối đa sự hài hước. Tác phẩm còn có một vài phân cảnh và tình tiết dành riêng cho các fan truyện tranh phải hú hét trong rạp.
2. Đề cao yếu tố gia đình
Với đặc trưng dàn nhân vật toàn trẻ em, không ngạc nhiên khi Shazam lại mang đậm yếu tố tình cảm gia đình. Trường hợp của Billy Batson giống hệt như ba chị em nhà Wagner trong Instant Family cách đây ít lâu khi phải sống trong trại mồ côi vì người mẹ không có khả năng nuôi dưỡng. Chính vì điều này khiến chúng thu mình lại vì nghĩ rằng chẳng có người ngoài nào yêu thương được như mẹ ruột.
Từ đó mà những đứa trẻ bị chuyển hết từ mái ấm này đến gia đình khác vì chẳng thể hòa hợp. Qua mỗi lần, chúng ngày càng xa cách và khó mở lòng hơn. Còn với Billy Batson, cậu nhóc liên tục bỏ đi chỉ vì muốn tìm lại người mẹ lạc mất khi còn bé. Thậm chí khi đến với gia đình Vazquez, cậu cũng chẳng thèm quan tâm đến bất kì ai vì nghĩ rằng mình cũng sẽ sớm trốn khỏi đây như bao nơi khác mà thôi.
Thông qua đó, yếu tố gia đình được thể hiện khá tốt nhờ sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa các anh chị em trong gia đình hay mối quan hệ giữa Billy và Freddy. Những chuyển biến tâm lí nhân vật được xây dựng một cách chặt chẽ và mượt mà, không tạo ra cảm giác gượng gạo. Phim có nhiều phân cảnh cảm động để đề cao ý nghĩa rằng gia đình đến từ tình yêu thương chứ không phải quan hệ máu mủ.
3. Kịch bản còn nhiều sai sót
Tuy nhiên, có lẽ vì lỡ vui "quá trớn" nên đạo diễn David F. Sandberg đã để lộ các điểm yếu trong khâu kịch bản. Nhiều phân cảnh bị kéo dài một cách quá đáng chỉ để các nhân vật "tấu hài" trên màn ảnh rộng. Các tình tiết phim cũng không quá kịch tính hay có nhiều nút thắt bất ngờ mà vẫn theo mô típ đơn giản thường thấy.
Với kinh phí chỉ 90 triệu USD, yếu tố hành động hay kỹ xảo trong Shazam khó mà so bì được với các bom tấn siêu anh hùng khác. Do đó mà các trận đánh trong phim thường là cận chiến theo kiểu "cục súc" dù cả Shazam lẫn Sivana đều... biết phép thuật. Nhưng xét về mảng này thì Shazam cũng kém hẳn Batman v Superman: Dawn of Justice hay Man of Steel đậm dấu ấn Zack Snyder.
Mức độ tàn phá, cháy nổ cũng chỉ dừng ở mức "cây nhà lá vườn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải dành lời cám ơn cho ê kíp Shazam vì đã xoay sở khá tốt với kinh phí ít ỏi để không biến bộ phim một thành thảm họa về mặt hình ảnh. Bên cạnh đó, Shazam cũng có khá nhiều phân cảnh hù dọa ấn tượng nhờ bàn tay của David F. Sandberg - người đứng sau Lights Out (2016) và Annabelle: Creation (2017).
Một điểm yếu khác không thể không kể tới chính là tuyến phản diện Sivana không thật sự xuất sắc. Nếu để ý kỹ thì anh chàng này cũng giống với Yellowjacket (Corey Stoll) trong Ant-Man (2015) khi cũng bị Hank Pym (Michael Douglas) từ chối vì "không xứng đáng" rồi tìm cách trả thù. Nhìn chung thì Sivana cũng chỉ là kiểu ác nhân một chiều thường thấy và dễ dàng trôi tuột trong đầu người xem khi phim kết thúc.
Tạm kết
Shazam có thể không quá xuất sắc hay hoàn hảo nhưng là một bộ phim đậm tính giải trí và dễ dàng tiếp cận. Phim đánh dấu sự thay đổi rõ rệt của DC để vực dậy cả một vũ trụ điện ảnh bên bờ vực sụp đổ. Chấm điểm: 8/10.
Shazam! công chiếu trên toàn quốc từ ngày 05/04.