Tác phẩm điện ảnh dài đầu tay của đạo diễn Phạm Thiên Ân gây chú ý sau khi thắng giải cho phim đầu tay hay nhất thuộc LHP Cannes vừa qua. Bên Trong Vỏ Kén Vàng là một dự án thuộc dòng arthouse với nội dung mang tính biểu tượng cao, nặng về thử nghiệm và không nhắm tới khán giả đại chúng. Vậy điều gì đã giúp bộ phim này chinh phục được ban giám khảo Cannes cùng các nhà phê bình quốc tế khó tính?
Hành trình đầy ảo mộng đi tìm lẽ sống
Bên Trong Vỏ Kén Vàng tiếp nối câu chuyện từ phim ngắn Hãy Thức Tỉnh Và Sẵn Sàng (2019) do Phạm Thiên Ân đạo diễn. Trong đó, một nhóm bạn đang ngồi ăn uống và tán dóc trên đường phố Sài Gòn tấp nập. Họ thao thao bất tuyệt về những câu chuyện về cuộc đời, tôn giáo. Một trong số đó - người im lặng nhất - là Thiện (Lê Phong Vũ đóng). Chàng trai trẻ xuất hiện đầy tâm tư với dáng vẻ ủ rũ, chán chường. Anh gần như không còn nhiều niềm vui sống, giết thời gian với những cuộc chè chén, ăn chơi sa đọa bên bạn bè.
Buổi nhậu của họ bị gián đoạn bởi một vụ tai nạn trên phố. Nhiều người chạy ra đường nghe ngóng tình hình. Số khác vô cảm, tiếp tục cuộc vui, trong đó có Thiện. Sau đó, nhân vật chính mới biết nạn nhân là Hạnh - người chị dâu đã ly thân với anh ruột của anh. Cô qua đời và để lại đứa con nhỏ 5 tuổi tên Đạo.
Cuộc sống của nhân vật Thiện thay đổi khi phải chăm sóc người cháu 5 tuổi tên Đạo.
Đây cũng là lúc hành trình tìm lại bản ngã của Thiện bắt đầu. Anh dẫn Đạo về quê - một xóm đạo Thiên Chúa giáo ở Di Linh, Lâm Đồng để làm thủ tục mai táng cho chị dâu. Từ một chàng trai đang lạc lõng trong cuộc đời của chính mình, Thiện phải chăm nom một đứa trẻ bất hạnh nay đã không còn cả cha và mẹ ở bên cạnh. Anh lúng túng trước những câu hỏi ngây ngô về niềm tin, mục đích sống của cậu bé và chỉ biết dùng những trò ảo thuật để đánh lạc hướng.
Về quê, nam chính gặp lại những người quen cũ, kết nối lại với quá khứ của chính mình - những điều mà Thiện từ lâu đã muốn chôn vùi trong quên lãng. Hai nhân vật quan trọng nhất xuất hiện là cụ Lưu - một cựu chiến binh nay tìm thấy niềm vui tuổi già với nghề làm mai táng cho người dân quanh làng. Người còn lại là Thảo - cô gái từng trải qua mối tình tuổi trẻ say đắm với Thiện nhưng nay đã quyết định trở thành nữ tu. Khác với nam chính, những người này đều đã tìm được ý nghĩa sống của mình.
Những cuộc trò chuyện giúp Thiện phần nào hiểu ra nhiều điều, nhưng chưa đủ thuyết phục anh vực lại niềm tin bên trong. Bi kịch của nam chính phần nào nằm ở việc anh không thể tìm cho bản thân một lý tưởng để dựa vào, để thoải mái sống mà không cảm thấy thời gian trôi qua như vô nghĩa. Sự kiên định đến mức cứng đầu khiến anh bị thu hút bởi niềm tin của người khác nhưng do dự trong cuộc sống của chính mình. Đó cũng là lý do Thiện ngồi lắng nghe cụ Lưu tâm sự về lý do đi làm nghề mai táng nhưng không lấy công hay thán phục trước quyết định đi tu, dạy học cho trẻ em của Thảo.
Trên hành trình tìm cha cho Đạo, Thiện đối mặt những nỗi đau quá khứ và nhận ra nỗi khổ bản thân đang gánh chịu.
Bi kịch của Thiện tiếp tục bị đẩy lên cao trào khi anh không biết phải xử trí với đứa cháu non dại không người nương tựa. Là một kẻ thiếu khát khao sống, anh không biết phải trả lời những câu hỏi ngây ngô của Đạo về đức tin, về cuộc đời. Đó cũng là lúc anh quyết định đi tìm Tâm - người anh trai từ lâu đã bỏ lại vợ con để đi tìm cuộc sống mới nơi phương xa. Tuy nhiên, nhân vật này trong phim không hề xuất hiện, cũng chỉ tồn tại hư vô như một niềm tin vô định.
Có lẽ, đó cũng là lý do hành trình của Thiện cũng đầy mộng ảo và phiêu linh. Với một tâm trí vốn đã quá mỏi mệt cùng chặng đường dài vất vả, nam chính rơi vào sự mông lung giữa ảo và thật, giữa việc đi tìm Tâm và đi tìm lại chính mục đích sống của bản thân. Anh chiêm nghiệm những mất mát, tiếc nuối trong quá khứ và vọng tượng về những niềm vui, sự thay đổi tích cực.
Cảnh kết khi Thiện thả mình vào dòng nước như để gột rửa những nỗi đau đó. Đó cũng là lúc nhân vật dường như đã hoàn toàn lạc lối, rời xa khỏi thực tại. Anh cầu xin một sự thanh thản về mặt tâm hồn từ những thế lực tối cao, thứ anh vốn từng cố gắng hết sức để ruồng bỏ.
Một bộ phim đầu tay khiêu khích và bí ẩn
Đề tài một người trẻ mông lung trước số phận, đi tìm lẽ sống của bản thân vốn không quá mới mẻ trong dòng phim độc lập. Dưới góc nhìn của đạo diễn Phạm Thiên Ân, câu chuyện của Bên Trong Vỏ Kén Vàng không đem đến câu trả lời một cách trực diện mà hướng tới việc khơi gợi suy ngẫm từ khán giả. Điều này cũng biến bộ phim trở thành một tác phẩm đầy bí ẩn và khiêu khích người xem.
Bên Trong Vỏ Kén Vàng là một bộ phim có tiết tấu chậm, không nhiều diễn biến.
Bộ phim chứa đầy những tình tiết mang tính ước lệ tượng trưng. Chúng trở thành những công cụ để Phạm Thiên Ân xây dựng nhân vật, phát triển mạch truyện. Như trước khi quyết định đưa Đạo về quê, Thiện nhặt được một chú chim non bị thương nằm trên đường phố. Nếu trước đó, nhân vật chính xuất hiện như một kẻ bất cần, vô cảm với những gì xung quanh. Chi tiết cho thấy bên trong anh vẫn là con người ấm áp, tràn ngập tình thương.
Kịch bản Bên Trong Vỏ Kén Vàng không có quá nhiều diễn biến. Nhiều phân đoạn tạo cảm giác như một bộ phim tài liệu khi Thiện đi hỏi chuyện những nhân vật trên hành trình của mình. Với một bộ phim tập trung khai thác chủ đề cái chết và mất mát, Bên Trong Vỏ Kén Vàng đem đến những khung hình ngập tràn sức sống, đầy diễm lệ. Đó có thể là những cảnh toàn chật ních người nơi phố thị hay khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam. Tuy nhiên, Phạm Thiên Ân không cố gắng xây dựng những khung hình được sắp đặt công phu và nịnh mắt. Những thước phim của anh mang màu sắc hiện thực nhiều hơn nhưng vẫn phảng phất những nét lãng mạn.
Mạch phim chậm và nhiều đoạn có thể khiến người xem cảm thấy ngột ngạt. Ekip sử dụng nhiều cú máy dài, được đặt cố định hoặc di chuyển rất chậm để kéo dài thời lượng phim. Khâu thiết kế âm thanh cũng góp công lớn trong khâu kể chuyện. Những yếu tố này không chỉ là màn phô diễn về kỹ thuật làm phim mà góp phần đẩy mạnh cảm xúc mệt mỏi, chán chường của Thiện. Khán giả có thể cảm thấy tất cả hình ảnh, tiếng động trong phim vốn được đạo diễn thuật lại qua góc nhìn của nhân vật chính. Đôi lúc, anh tỉnh táo và quan sát mọi thứ xung quanh. Có khi, Thiện lạc vào những ảo mộng của bản thân và xa rời hiện tại.
Bên Trong Vỏ Kén Vàng có một cái kết rất mơ hồ và khó hiểu, như nhấn mạnh việc đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn về sự tồn tại vốn cũng không đơn giản, rõ ràng. Bộ phim như một lời nhắn nhủ với khán giả rằng chúng ta cần có niềm tin, một trái tim nhân hậu để vững bước trên hành trình đó.
Một bộ phim mang đến cho khán giả nhiều câu hỏi hơn các lời lý giải.
Chấm điểm: 3,5/5
Bên Trong Vỏ Kén Vàng có thể xem như vừa là món quà vừa là thách thức với những người hâm mộ điện ảnh Việt Nam. Một câu chuyện khó hiểu, mang nặng tính cá nhân cộng thêm việc không có nhiều yếu tố giải trí đòi hỏi người xem cần suy nghĩ nhiều hơn là thưởng thức tác phẩm này. Tuy nhiên, chắc chắn với những người kiên nhẫn và sẵn sàng mở lòng, Bên Trong Vỏ Kén Vàng vẫn đem đến nhiều điều thú vị, khơi gợi sự tò mò của chúng ta về những chủ đề vốn cực kỳ trừu tượng như đức tin, ý nghĩa của sự tồn tại hay thứ "ơn gọi" bí ẩn mà đạo diễn muốn gửi gắm.