Ngỡ tưởng chỉ là một tập phim bình thường
"Chiến binh Máy tính Porigon" hay có tên gọi là "Dennō Senshi Porigon" được chiếu ở Nhật Bản vào 16/12/1997, lúc 18:30. Tập phim phát sóng trên hơn 37 kênh truyền hình địa phương, là chương trình được theo dõi nhiều nhất trong khung giờ đó, với khoảng 4,6 triệu hộ gia đình đang ngồi trước màn ảnh.
Vào phút thứ 20 của tập phim, Pikachu làm ngừng tên lửa vắc-xin của biệt đội Rocket bằng chiêu thức sở trường "100 nghìn Volt", gây ra một vụ nổ lớn với nhiều ánh chớp xanh và đỏ.
Chiêu thức mà Pikachu đã tung ra trong tập phim tai hại.
Hai kỹ xảo hoạt họa được sử dụng có tên là "Paka paka" và "Flash" đã khiến cho cảnh phim bị phóng đại đến mức dữ dội. Màn hình xuất hiện những luồng chớp nhấp nháy cực sáng, có tần suất 12 Hz diễn ra trong khoảng bốn giây chiếm gần trọn màn hình.
Ngay lúc này, người xem TV tại Nhật đột nhiên cảm thấy mờ mắt, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn. Một số thậm chí co giật, mù đột ngột, nôn ra máu và mất hẳn ý thức. Báo cáo của Cục Phòng cháy chữa cháy Nhật Bản cho biết đã có tổng cộng 685 khán giả gồm 310 nam và 375 nữ, hầu hết là trẻ em, được đưa đến bệnh viện bằng xe cứu thương; cá biệt có một người đàn ông 58 tuổi.
Dù nhiều nạn nhân đã hồi phục trên đường đến bệnh viện, vẫn có hơn 150 người phải vào nhập viện. Hai trường hợp phải tiếp tục nằm điều trị trong bệnh viện suốt hai tuần. Chỉ một phần nhỏ trong số 685 nạn nhân được chẩn đoán là mắc bệnh quang động kinh từ trước.
Một tập phim ngỡ vô hại nhưng đã gây nên hậu quả nghiêm trọng.
Vụ việc làm chấn động cả Nhật Bản
Các nhà khoa học tin rằng chính những ánh chớp sáng đỏ đã gây ra cơn quang động kinh, trong đó những kích thích thị giác tương tự có thể làm biến đổi ý thức. Tương tự, Tiến sĩ Fukuyama Yukio, một chuyên gia về bệnh động kinh ở tuổi vị thành niên, cho biết các tia sáng và màu sắc từ màn hình TV có thể kích thích nên một hội chứng gọi là "động kinh truyền hình".
Hầu hết nạn nhân trước đó đều không gặp vấn đề gì khi quan sát các cảnh chớp nháy, và việc xem tập phim qua TV màn hình lớn trong một không gian phòng nhỏ hẹp đã vô tình làm trầm trọng thêm chứng bệnh. Dù chỉ có khoảng 1 trên 4.000 người dễ mắc chứng động kinh này, số nạn nhân của "Chiến binh Máy tính Porygon " là chưa từng thấy trong lịch sử
Tin tức về vụ tai nạn đã nhanh chóng truyền đi khắp Nhật Bản và gây chấn động. Hàng ngàn phụ huynh đổ ra đường biểu tình ngay trong đêm nhằm bày tỏ bất mãn trước sự tắc trách của nhà nước trong khâu quản lý chiếu phát, nhất là với một chương trình hướng đến thiếu nhi.
Hiệu ứng ánh chớp sáng đỏ được tạo nên từ 2 hiệu ứng "Paka paka" và "Flash".
Ngày hôm sau, đài truyền hình điều hành sản xuất và phát sóng tập phim này là TV Tokyo đã gửi thông điệp xin lỗi công khai đến toàn thể người dân Nhật Bản, đồng thời đình chỉ chương trình và cam kết sẽ mở cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra cơn động kinh.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia đã chỉ thị cho Văn phòng cảnh sát Atago thẩm vấn nhà sản xuất anime về nội dung chương trình và quá trình thực hiện tập phim. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi triệu tập một cuộc họp khẩn nhằm thảo luận với các chuyên gia và thu thập thông tin từ bệnh viện. Hơn 940 nhà bán lẻ video trên khắp Nhật Bản đã loại bỏ anime Pokémon khỏi cửa hàng của mình.
Sàn chứng khoán Tokyo ngay lập tức có phản ứng, và cổ phiếu của Nintendo giảm mạnh 400 yen (gần 5%) xuống còn 12 nghìn yen khi tin tức về vụ việc được lan truyền. Sau đó, chủ tịch Nintendo lúc bấy giờ là ông Yamauchi Hiroshi đã phải lên phát biểu trong một cuộc họp báo ngay khi tập phim vừa chiếu một ngày.
Cựu chủ tịch Yamauchi Hiroshi của hãng game Nintendo.
Ông Yamauchi Hiroshi tuyên bố công ty trò chơi điện tử không chịu trách nhiệm về sự cố, bởi trò chơi Pokémon nguyên bản trên Game Boy được phát hành chỉ với hai màu trắng đen. Nintendo thậm chí phủ nhận mối liên kết giữa trò chơi và bộ phim, do lo ngại ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ trong mùa Giáng sinh năm đó.
Dấu ấn để lại
Vụ tai nạn về sau vẫn được báo chí Nhật Bản đề cập với cái tên "Pokémon Shock (Cú sốc Pokemon". Sự việc trầm trọng cũng khiến các studio hoạt hình trên toàn thế giới phải chú ý.
Mặc dù một số nước như Mỹ và Anh đã từng đưa ra khuyến cáo về việc không nên sử dụng các hiệu ứng nhấp nháy quá mạnh trên sóng truyền hình, nhưng sau "Pokemon Shock", các đội ngũ làm sản phẩm truyền hình trên khắp thế giới mới thực sự nghiêm túc tuân theo các qui định trên.
Kể từ ngày đó, tất cả hoạt hình truyền hình tại Nhật Bản đều bị bắt buộc hiển thị một thông điệp chạy chữ hàm ý cảnh báo ở phần đầu mỗi tập phim như sau: "Khi xem hoạt hình, xin bạn bật sáng đèn phòng và không ngồi quá sát màn hình".
Sự kiện Pokemon Shock được nhại lại trong 1 tập phim thuộc loạt hoạt hình Gia đình Simpson.
Với việc Nintendo thu hồi vĩnh viễn bản quyền phát sóng "Chiến binh Máy tính Porigon ", bản thân tập phim chưa từng được phát lại tại bất kỳ quốc gia nào ngoài Nhật Bản.