Khó có loài tưởng tượng nào chiến thắng được con rồng khi nhắc tới quái vật trên màn ảnh. Chúng xuất hiện với nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau, có con cuồng nộ, có con thì thân thiện. Chúng có thể là kẻ phản diện tầm cỡ trong một phim giả tưởng hoành tráng, đôi khi lại là công cụ để đem đi chinh phạt của một bà chị tóc bạch kim nào đó.
Nếu như rồng trong văn hóa châu Á đại diện cho sự vĩnh cửu và cao quý, thì rồng của châu Âu là loài thường đi kèm với khái niệm tàn ác. Vì thế rồng châu Á không mấy khi được miêu tả phun ra lửa, còn đoán xem với rồng châu Âu thì sao?
Liệu có công thức nào cho một tác phẩm hay về loài rồng? Thảo luận về điều này, nhà phê bình Rossatron trong video của mình mới đây đã chia sẻ, các phim cần đáp ứng một số điều kiện sau:
Thứ nhất, ngoại hình của con rồng nhà bạn phải "tông xuyệt tông" với tuyến truyện trong phim. Nếu như bạn đang làm Pete’s Dragon hay The NeverEnding Story thì con rồng phải trông thân thiện như một người bạn khổng lồ, vì thế khuôn mặt phải có biểu cảm để người xem còn hiểu được sự kết nối giữa hai nhân vật.
"The NeverEnding Story" (1984) và phiên bản làm lại của "Pete's Dragon" năm 2016. Cả hai đều mô tả rồng như những con chó lông xù có cánh, đem lại sự thân thiện dễ thương hết mức có thể cho nhân vật.
" How To Train Your Dragon " thuộc top những phim hay nhất về đề tài loài rồng.
Thế nhưng nếu như con rồng của bạn là quân phá hoại, đốt làng đốt xóm thì làm cho nó trông xấu xa hết mức có thể đi! Trong video cũng có khen ngợi con rồng "nhìn thấy là ghét" trong phim Reign of Fire (2002), dù các chi tiết còn lại không liên quan tới rồng thì dở kinh hoàng.
Cách mà con rồng "chào sân" tới khán giả cũng phụ thuộc vào phản ứng của diễn viên đối với nó. Đối với phim người đóng, thật khó để chấp nhận sự thật là không có con rồng thực sự nào trên trường quay (cũng may vì thế mà không có con rồng nào bị thương trong quá trình quay phim), vì thế các diễn viên sẽ phải tưởng tượng ra mình sẽ làm gì nếu có con rồng trước mặt.
Phần lớn các trường hợp diễn viên sẽ phải tỏ vẻ hoảng hốt, cắm đầu chạy để lây lan nỗi sợ cho khán giả, hoặc phải vuốt ve cưng nựng trong khi thực sự chẳng có gì hoặc tệ hơn, đạo cụ quay kỹ xảo bao gồm một quả bóng tennis gắn trên cây gậy.
Cuối cùng đó là tầm vóc và cân nặng của những con rồng. Là sản phẩm của trí tưởng tượng, con rồng là hiện thân của sức mạnh và quyền lực. Chúng có thể sải cánh che phủ cả bầu trời, lật tung các thành phố, làng mạc. Con rồng trong Game of Thrones đã làm tương đối tốt nhiệm vụ này khi quần nát cả một đội quân lớn chỉ trong nháy mắt. Đôi khi các nhà làm phim còn tạo ra những con rồng với trí thông minh và khả năng nhận thức vượt trội.
Nhưng nhắc tới khoản này thì phải kể tới Dragonslayer với những nỗ lực đi trước thời đại nhằm tạo ra một con rồng thật nhất có thể. Sử dụng kỹ thuật "go motion", các nhà làm phim đã tạo ra được chân dung tương đối thuyết phục của Vermithrax Pejorative về cả ngoại hình và tính cách.
Cũng phải thôi vì chỉ riêng làm con rồng đã ngốn mất một phần tư kinh phí làm phim của Dragonslayer rồi. Bạn muốn làm một con rồng "xịn" trên màn ảnh? Tốt nhất đừng ngại vung tiền nếu cần thiết.
(Nguồn: AV Club)