Bom tấn X-Men: Dark Phoenix liệu có trở thành thảm họa?

Trailer mới của “Dark Phoenix” làm nức lòng nhiều fan của “X-Men”. Song, đoạn phim còn chỉ ra rằng bộ phim mới xem ra sẽ rất giống tập “The Last Stand”.

Hồi giữa tuần, X-Men: Dark Phoenix mới tung ra trailer chính thức, phô diễn rất nhiều cảnh quay hành động kỹ xảo hoành tráng. Đồng thời, đoạn phim quảng cáo dường như đã tiết lộ chi tiết quan trọng về cái chết của một thành viên quen thuộc của thương hiệu kể từ X-Men: First Class (2011).

Tuy nhiên, bên cạnh sự hấp dẫn, trailer của X-Men: Dark Phoenix lại vô tình chỉ ra một vấn đề khác của bom tấn. Dường như cốt truyện của tác phẩm sẽ rất giống với X-Men: The Last Stand (2006) - một nốt trầm của thương hiệu phim dị nhân trong quá khứ.

Liệu sẽ giống X-Men: The Last Stand đến đâu?

X-Men: Dark Phoenix lấy Jean Grey (Sophie Turner) làm trung tâm. Cô gái trẻ vốn là học trò cưng của Giáo sư X (James McAvoy), nay phát hiện ra mình sở hữu sức mạnh khủng khiếp trong nhân dạng Phoenix - Phượng hoàng Bóng tối. Và có những thế lực muốn lợi dụng cô cho mục đích của riêng mình.

Nếu là một tác phẩm độc lập, X-Men: Dark Phoenix xem ra rất hấp dẫn. Nhưng miêu tả nội dung cốt truyện khiến đây giống như phiên bản remake (làm lại) của X-Men: The Last Stand, với Famke Janssen khi ấy trong vai Jean Grey/Phoenix.

Jean Grey (lại) mất kiểm soát, (lại) đối đầu với những người đồng đội của mình, và Giáo sư X (lại) thừa nhận rằng việc ông cố gắng kiểm soát tâm trí cô gái là một điều sai lầm.

Giáo sư X có lẽ cũng (lại) tranh cãi với Magneto (Michael Fassbender) về vị trí của các dị nhân trong xã hội, về sức mạnh của Jean Grey.

Trở lại thời điểm năm 2006, Brett Ratner tiếp quản thương hiệu phim dị nhân từ tay Bryan Singer. Nhà làm phim giới thiệu thêm nhiều nhân vật mới cho X-Men: The Last Stand, hứa hẹn về những trận chiến hoành tráng.

Bộ phim quả là có hoành tráng về mặt hành động và thành công với yếu tố giải trí. Song, nhiều người cảm thấy không hài lòng về kịch bản lủng củng, thiếu chiều sâu của The Last Stand, và coi đây là bước lùi tệ hại so với X-Men: United (2002).

Những bài học đau đớn trong quá khứ

Chuyện các tác phẩm siêu anh hùng “xào nấu” kịch bản cũ thực ra không phải là điều hiếm. Năm 2010, Sony chia tay đạo diễn Sam Raimi và cho tái khởi động thương hiệu phim Spider-Man. Động thái gây ra nhiều ngạc nhiên bởi Spider-Man 3 (2006) dẫu bị chỉ trích vẫn thu tới gần 890 triệu USD toàn cầu mà không có định dạng 3D.

Thay vì Spider-Man 4, khán giả đón nhận The Amazing Spider-Man (2012) dưới bàn tay nhào nặn của Marc Webb, và sự xuất hiện của ngôi sao Andrew Garfield thay vì Tobey Maguire quen thuộc.

Quá trình quảng bá của bộ phim Siêu Nhện khiến nhiều người liên tưởng rằng Marc Webb muốn mang một chút phong vị ngôn tình của loạt Chạng vạng đang làm mưa làm gió phòng vé khi ấy vào thương hiệu siêu anh hùng.

Tuy nhiên, The Amazing Spider-Man rốt cuộc chẳng khác gì phiên bản remake của Spider-Man (2002). Khán giả lại phải làm quen với Peter Parker, cùng bạn gái anh lúc này là Gwen Stacy (Emma Stone).

Rồi khán giả lại phải xem Người Nhện học cách kiểm soát sức mạnh, vô tình gây ra cái chết của bác Ben (Martin Sheen), và hợp tác với kẻ sau này trở thành kẻ thù của mình là tiến sĩ Curt Connors (Rhys Ifans).

Với bộ phim đầu tiên của đạo diễn Sam Raimi, cốt truyện chính cũng giống hệt, chỉ thay Gwen Stacy là Mary Jane Watson; còn kẻ thù không đội trời chung là Norman Osborne (Willem Dafoe).

Spider-Man và The Amazing Spider-Man cùng khép lại với một cái chết có thể gây ảnh hưởng tới mối quan hệ của các nhân vật chính mãi sau này. Và hai bộ phim còn chia sẻ không ít tình huống tương đồng giống như thế.

Sony chỉ bỏ ra khoảng hơn 100 triệu USD để thực hiện The Amazing Spider-Man và thu về 758 triệu USD. Đó là con số ấn tượng bởi phim bị “kẹp giữa” bởi The Avengers (2012) và The Dark Knight Rises (2012).

Nhưng khán giả hay giới phê bình vẫn tỏ ra nghi ngại về loạt phim mới, và doanh thu The Amazing Spider-Man 2 (2014) rơi xuống chỉ còn hơn 700 triệu USD. Sự thua sút ấy chính là một phần lý do khiến Sony phải hợp tác với Marvel Studios như lúc này.

Trong một tình huống khác, Fantastic Four (2015) của đạo diễn Josh Trank bị coi là thảm họa của dòng phim siêu anh hùng. Bộ phim có nhiều điểm yếu kém, nhưng về cơ bản vẫn là câu chuyện về sự ra đời của Bộ tứ Siêu đẳng không khác bộ phim năm 2005 là bao.

Với loạt phim The Amazing Spider-Man, để vượt qua cái bóng mà Sam Raimi để lại là cực khó. Còn Fantastic Four phiên bản 2005 thực tế cũng chẳng phải là tác phẩm quá hấp dẫn để phải “làm lại” và khiến khán giả quan tâm.

Lúc này, X-Men: Dark Phoenix rất dễ rơi vào tình huống xấu của Bộ tứ Siêu đẳng. Nhiều tin đồn cho rằng bộ phim bị trì hoãn ít nhất hai lần ra rạp chính bởi bản dựng ban đầu quá yếu kém, và Fox buộc đạo diễn kiêm biên kịch Simon Kinberg phải quay lại nhiều cảnh.

X-Men: Dark Phoenix rất có thể là dấu chấm hết cho loạt phim X-Men của Fox sau 19 năm, bởi Disney chuẩn bị thâu tóm hãng phim, sẵn sàng đưa các dị nhân đến với Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU).

Trước tình thế dàn dị nhân trẻ gồm James McAvoy, Jennifer Lawrence và Michael Fassbender đứng đầu không thể gây ảnh hưởng lớn tại phòng vé nếu đứng độc lập, cơ hội để loạt phim được tái khởi động (reboot) nếu như cuộc sáp nhập Fox - Disney không xảy ra cũng là rất lớn.

Khán giả chỉ biết cùng hy vọng Simon Kinberg đã kịp sửa chữa những sai lầm, và để nhóm X-Men của Fox có lời chào tạm biệt thực sự đáng nhớ dành cho công chúng.

(Theo Ngọc Nhi - zing.vn)