Câu hỏi khiến nhiều khán giả tò mò là cá mập Megalodon có thực sự từng tồn tại? Và con cá mập trong phim có hoành tráng như ngoài đời thật hay không? Hãy cùng nghe các chuyên gia hải dương phân tích về vấn đề này nhé.
Megalodon thật sự tồn tại ngoài đời thật?
Cá mập Megalodon được coi là loài cá mập lớn nhất từng sống trên Trái đất và là một trong những loài săn mồi có xương sống lớn nhất trong lịch sử tự nhiên. Những con Megalodon tung hoành ở các đại dương từ khoảng 28 triệu năm cho đến khoảng 1,6 triệu năm trước, trước khi chúng biến mất hoàn toàn trong sự kiện tuyệt chủng ở kỷ Pleistocene.
Megalodon là một loài có phân bố rộng ở nhiều môi trường biển, phổ biến nhất ở các vùng nước ấm có khí hậu ôn đới. Megalodon nằm trên đỉnh của chuỗi thức ăn, chúng ăn những con mồi lớn như Cetacean (tổ tiên của cá voi và cá heo ngày nay).
So sánh Megalodon thật sự với Megalodon trong "The Meg"
Để tìm hiểu điều này thì Science News đã tham khảo ý kiến của nhà sinh vật học cổ đại Meghan Balk- người sẽ so sánh cá mập của bộ phim với cá mập ngoài thực tế.
Theo Meghan Balk thì con Megalodon trong phim sở hữu chiều dài 78 feet ( 23,7744m) tính từ đầu vây bên này đến đầu vây bên kia, và khoảng 120 feet (36,576 m) từ mũi đến đuôi. Hàm răng rộng đủ để nuốt cả một chiếc lồng chứa người bên trong, khỏe đến mức kéo một du thuyền lật úp.
Vậy Megalodon thật có lớn như trong phim miêu tả không?
Sự thật là không. Dựa vào những chiếc răng được tìm thấy ngày nay, thì con Megalodon lớn nhất cũng chỉ đạt tới độ dài 18 mét, thay vì khoảng 24 mét như trong bộ phim khắc họa. Theo các nhà khoa học, kích cỡ trung bình của một con Megalodon chỉ đạt tới khoảng 10 mét, dù như vậy đã là lớn hơn nhiều so với cá mập hiện đại.
Thêm nữa trong phim "The Meg" các nhà khoa học đã đi xuống độ sâu hơn cả rãnh Mariana (11 km), được coi là nơi sâu nhất dưới đáy đại dương. Tại đây, họ tìm thấy ở đây rất nhiều loài sinh vật cả lớn lẫn bé, tụ tập quanh những lỗ thoát nhiệt dưới nước. Trên thực tế thì ở một độ sâu như vậy, rất khó để một con vật như Megalodon có thể tồn tại.
Ngày nay, chỉ có rất ít cá mập sống được ở tầng đáy biển thẳm (4 km), và việc chúng đi xuống được tận những khe nứt sâu dưới 6 km là điều rất khó xảy ra chứ đừng nói gì đến rãnh Mariana tận 11m.
Chưa hết, những loài cá mập sống ở đáy nước sâu thường di chuyển rất chậm (do áp lực nước cao), chứ không thể bơi nhanh tấn công bất ngờ như trong phim miêu tả.
Xét đến tốc độ của Megalodon, trong phim ta khó có thể dự đoán được The Meg di chuyển nhanh đến thế nào. Nhưng ta có thể dựa trên tỷ lệ kích cỡ quy đổi tốc độ áp dụng cho những loài cá hiện tại thì Megalodon có tốc độ dự tính chỉ khoảng 11 mph.
Tuy nhiên thì hình dạng của con Megalodon trong phim có thể coi là khá sát với miêu tả khoa học của nó ngày nay. Dù hiện nay những dấu tích của Megalodon chỉ còn được tìm thấy qua răng hóa thạch, nhưng các nhà khoa học thống nhất rằng quả thực chúng có khoảng 6 mang. Vây lưng của chúng cũng có hình dạng tương tự như vây của cá mập trắng lớn.
Như vậy con cá mập trong phim được cho là hơi "quá" so với thực tế, có lẽ các nhà làm phim muốn xây dựng hình ảnh một con quái vật hung dữ hoành tráng nhất từ trước đến nay, và chính điều này đã khiến cho bộ phim trở lên kịch tính thu hút, khiến khán giả có những giây phút bất ngờ giật gân đến nghẹt thở. Bộ phim đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và đánh giá tích cực từ phía các chuyên gia cũng như khán giả.
The Meg (Cá Mập Siêu Bạo Chúa) hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Screenrant