Quentin Tarantino với Once Upon a Time in Hollywood (2019): Bộ phim thứ 9 của đạo diễn “quái chiêu” Quentin Tarantino bị rút khỏi các rạp Trung Quốc vào phút chót. Một số nguồn tin cho rằng con gái Lý Tiểu Long đã gửi đơn phàn nàn tới hội đồng kiểm duyệt sở tại về phân đoạn phim giễu nhại cha mình. Khi chính quyền yêu cầu Tarantino loại bỏ trường đoạn, ông đã không đồng ý. Trên thực tế, Once Upon a Time in Hollywood đã đủ ăn khách từ trước khi tới Trung Quốc, nên hãng Sony và nhà làm phim cũng không mặn mà chiều theo yêu cầu ấy.
Paul Feig với Ghostbusters (2016): Các bộ phim kinh dị, ma quỷ thường gặp khó tại quốc gia tỷ dân, và phiên bản 2016 của Ghostbusters không phải ngoại lệ, dù tác phẩm mang đậm màu sắc hài hước. Hầu hết phim kinh dị Trung Quốc sẽ đưa ra cái kết rằng ma quỷ, hiện tượng tâm linh chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng Paul Feig thì không thể tìm ra cách chiều lòng chính quyền sở tại, và Ghostbusters của ông chấp nhận việc không kiếm được xu nào từ quốc gia Đông Á.
Guillermo del Toro với Crimson Peak (2015): Tác phẩm kinh dị, giả tưởng của nhà làm phim người Mexico cũng gặp khó tại Trung Quốc bởi nội dung ma quỷ, bạo lực. Song, hội đồng kiểm duyệt sở tại còn phàn nàn rằng Crimson Peak mang nội dung loạn luân giữa hai nhân vật của Tom Hiddleston và Jessica Chastain. Guillermo del Toro không đưa ra bất cứ thay đổi nào cho Crimson Peak và chấp nhận việc thành phẩm không được trình chiếu tại Trung Quốc.
Paul Greengrass với Captain Phillips (2013): Captain Phillips là bộ phim dựa trên những sự kiện có thật khi một con thuyền của Mỹ bị hải tặc Somalia bắt giữ làm con tin với Tom Hanks trong vai chính. Theo một nguồn tin, chính quyền Trung Quốc không thích tình tiết lực lượng hải quân Mỹ huy động lực lượng hùng hậu đi giải cứu thường dân. Paul Greengrass không thể loại bỏ một tình tiết quan trọng như vậy đối với Captain Phillips, nên bộ phim rốt cuộc bị cấm cửa tại Trung Quốc.
Nhĩ Đông Thăng với Shinjuku Incident (2009): Trong 10 năm qua, Đại náo Shinjuku là bộ phim hiếm hoi có Thành Long đóng chính mà không được trình chiếu tại Trung Quốc. Chuyện phim là chuyến hành trình tìm vợ tại Nhật Bản của gã thợ máy có biệt danh “Steelhead” với nhiều cảnh bạo lực. Chính điều đó khiến hội đồng kiểm duyệt tại Trung Quốc phàn nàn. Sau khi họp bàn cùng Thành Long, Nhĩ Đông Thăng quyết định không gia giảm độ bạo lực của Shinjuku Incident, và cả hai chấp nhận chuyện tác phẩm bị cấm chiếu tại đây.
Christopher Nolan với The Dark Knight (2008): Bộ phim thứ hai về Người Dơi của “thánh” Nolan từng thu hơn 1 tỷ USD, nhưng Trung Quốc không có chút đóng góp nào trong con số đó. Warner Bros. và nhà làm phim hiểu rằng nếu đem The Dark Knight tới quốc gia tỷ dân, họ nhiều khả năng phải loại bỏ phân đoạn một doanh nhân phạm pháp chạy trốn tới Hong Kong để ẩn náu. Do đó, nhà sản xuất quyết định không trình duyệt bom tấn tại Trung Quốc với lý do tác phẩm có những tình tiết “nhạy cảm về mặt văn hóa” theo một thông cáo gửi ra cho báo chí.
Martin Scorsese với The Departed (2006): Phiên bản làm lại của Vô gian đạo là tác phẩm đầu tiên do Martin Scorsese thực hiện giành giải Oscar cho Phim truyện xuất sắc. Bên cạnh một số cảnh bạo lực, phần thoại trong phim nhắc tới chuyện chính quyền Trung Quốc đang bí mật mua vũ khí quân đội từ nước ngoài. Cộng thêm việc Martin Scorsese muốn giữ nguyên “đứa con tinh thần” của ông, The Departed không thể ra rạp tại quốc gia tỷ dân.
Jan de Bont với Lara Croft: Tomb Raider - The Cradle of Life (2003): Trong cuộc phiêu lưu thứ hai của nhân vật Lara Croft do Angelina Jolie thể hiện, quốc gia châu Á là một trong nhiều trạm dừng chân của đả nữ. Song, bộ phim lại ngầm ám chỉ Trung Quốc đang trong tình trạng hỗn loạn, còn chính quyền sở tại thì yếu kém. Khi Jan de Bont từ chối thay đổi loạt tình tiết kể trên, The Cradle of Life coi như hết đường tới phía bên kia bờ Thái Bình Dương.
(Theo Phương Trúc - zing.vn)