Nhắc đến Tây Du Ký 1986 của đạo diễn Dương Khiết, nhiều khán giả sẽ nghĩ ngay đến bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Trung Quốc. Trong suốt 33 năm qua, Tây Du Ký luôn là bộ phim nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Ở thời điểm đó, Tây Du Ký đã đạt kỷ lục lượt xem là 89.4%. Đến nay, chưa có bộ phim truyền hình nào vượt qua được kỷ lục này. Sau 33 năm, bộ phim đã được chiếu lại khoảng 3.200 lần và luôn thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ.
Khi đó, ê-kíp chưa sử dụng nhiều hiệu ứng đặc biệt, nhưng các cảnh quay Tôn Ngộ Không cưỡi cân đẩu vân hay cảnh đánh nhau với yêu quái đều khiến khán giả phải há hốc ngạc nhiên. Sau 33 năm, truyền thông Trung Quốc đã lý giải những "chiêu" mà ê-kíp Tây Du Ký năm ấy đã sử dụng.
Tôn Ngộ Không thoải mái bay lượn, cưỡi mây bằng cách nào?
Trong Tây Du Ký, nhân vật được nhắc đến nhiều nhất chính là Tôn Ngộ Không. Đảm nhận vai diễn này là diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng.
Vào vai một chú khỉ tinh nghịch, ương bướng, "coi trời bằng vung", Tôn Ngộ Không liên tục phá phách nghịch ngợm, tăng động. Đặc biệt, Tôn Ngộ Không sở hữu 72 phép biến hóa thần thông, thường xuyên bay lượn, cưỡi mây về gió. Khi đó, kỹ thuật dàn dựng chưa hiện đại, cũng chưa có nhiều hiệu ứng để thực hiện cảnh quay nên trong các phân cảnh Tôn Ngộ Không cưỡi mây, nam diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng đều đứng trên tấm bạt lò xo, sau đó hết sức mà bật nhảy lên. Để thực hiện các cảnh này mất rất nhiều sức lực, chưa kể đến việc phải chú ý diễn xuất khiến Lục Tiểu Linh Đồng rất vất vả.
Phép phân thân, biến hình
Trong phim, không chỉ Tôn Ngộ Không có phép biến hóa, các nhân vật chính hay phụ đều có rất nhiều phép thần thông. Đặc biệt, nhân vật yêu quái thường sử dụng phép phân thân, biến hình khiến thầy trò Đường Tăng nhiều lần chật vật thoát hiểm.
Nói về cảnh phân thân này, ê-kíp cho biết vào thời điểm đó, để tìm thấy hai người thật sự giống nhau hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng. Không những thế, trong Tây Du Ký rất nhiều nhân vật sử dụng phép biến hình, không thể tìm ra được 2 Tôn Ngộ Không, 2 Trư Bát Giới hay 2 Đường Tăng. Vì vậy, ê-kíp đã sử dụng các kỹ thuật cắt và lớp phủ để thực hiện các cảnh đó. Không ít người nhận xét rằng, hiện tại khi họ xem lại Tây Du Ký 1986 đã phát hiện ra rất nhiều sơ hở, thế nhưng so với công nghệ thời đó thì không thể tránh được điều này.
Cảnh phun lửa của Hồng Hài Nhi
Hồng Hài Nhi không phải là nhân vật quá xa lạ với những fan trung thành của Tây Du Ký. Hồng Hài Nhi có tạo hình là một cậu bé cột tóc hai chỏm, mặc bộ đồ màu đỏ, có phép thuật rất mạnh từng khiến Tôn Ngộ Không khốn đốn, suýt bị thiêu sống tại Hỏa Diệm Sơn.
Trong cảnh đánh nhau với Tôn Ngộ Không, Hồng Hài Nhi đã dùng miệng phun lửa, thiêu đốt cả khu rừng. Điều khiến nhiều khán giả tò mò là liệu cậu bé Hồng Hài Nhi có thật sự phun ra lửa hay không?
Câu trả lời của ê-kíp chính là không. Để có được cảnh quay đó, ê-kíp đã sử dụng súng công cụ, để ngang miệng và được che chắn bởi gương mặt của diễn viên khi quay góc ngang. Khi quay, diễn viên chỉ cần mở miệng như bình thường thì nhân viên hậu trường sẽ bắn lửa từ khẩu súng. Khi xem, rất nhiều khán giả đều bày tỏ sự ngạc nhiên bởi cảnh quay rất thật, cảm giác cứ như cậu bé phát ra lửa từ khuôn miệng thật. Nhiều người cũng dành lời khen ngợi cho đạo diễn Dương Khiết khi có thể nghĩ ra được cách hay và sáng tạo như thế.
Thủy cung thật ra chỉ là một bể cá
Trong Tây Du Ký, khán giả được đi tham quan khắp nơi từ Thiên cung nơi Ngọc Hoàng Đại Đế cùng các vị thần tiên ở, đến Thủy cung phong phú. Thế nhưng ít ai biết các cảnh quay Thủy cung trong Tây Du Ký đều được thực hiện thông qua một bể cá.
Có thông tin cho biết, khi quay các cảnh ở Thủy cung, một bể cá được đặt trước máy quay, sau đó các diễn viên sẽ diễn trước bể cá. Cuối cùng, khi phát sóng, bộ phim mang lại cảnh tượng Thủy cung với nước, cá, bóng nước... sinh động mà không hề biết, hậu trường phía sau là nhờ vào sự sáng tạo của đạo diễn. Đồng thời, khán giả cũng dành lời khen ngợi cho diễn xuất của các diễn viên trong Tây Du Ký, đặc biệt là 4 người đảm nhận vai thầy trò Đường Tăng.
Chốn bồng lai tiên cảnh
Trong Tây Du Ký có rất nhiều cảnh thần tiên ở chốn bồng lai, thế nhưng đoàn làm phim phải thừa nhận, để dựng được cảnh ấy thật sự rất cực khổ. Khi đó, vì không có phim trường phù hợp nên cả ê-kíp phải thuê phòng tập thể dục của một trường đại học, với tiêu chí vừa rộng rãi, chi phí lại tiết kiệm. Sau đó, mọi người lại hì hục dựng cảnh để ra đúng chốn bồng lai tiên cảnh với mây mờ giăng phủ.
Khi đó, thiết bị hiện đại lại chưa có, công nghệ kỹ xảo cũng chưa cao, vậy nên mỗi cảnh quay chốn bồng lai, đoàn làm phim đều phải huy động rất nhiều bình băng khô (CO2 rắn). Sau mỗi cảnh quay, mọi người đều vội vàng mở cửa cho khí thoát ra bớt (khí C02 khiến người có sức khỏe yếu dễ bị ngất xỉu), sau đó mới tiếp tục cảnh tiếp theo. Đạo diễn Dương Khiết giờ vẫn không quên kỷ niệm "hú hồn" vì băng khô.
Đạo diễn Dương Khiết cho biết, một lần, đoàn làm phim thực hiện cảnh một vị thần lướt trên những tầng mây. Để thực hiện cảnh này, diễn viên đứng trên băng trượt và được một nhân viên ngồi khom lưng (cho người chìm vào lớp khói, không xuất hiện trên màn hình) kéo đi. Cảnh quay thực hiện lại nhiều lần nên nhân viên kéo xe đã ngất xỉu vì hít khí CO2 quá lâu. Nhân viên đó được đưa đi cấp cứu kịp thời, còn đạo diễn lẫn đoàn phim cũng được một phen hú hồn hú vía.
Cũng trong những cảnh quay mây khói này, không ít diễn viên xây xẩm mặt mày vì trượt ngã trên sàn ướt nhẹp. Chính Tôn Ngộ Không cũng bị một cú lộn nhào ê ẩm. Cụ thể ở tập Phá vườn đào, Tôn Ngộ Không say rượu tới trộm linh đơn, Lục Tiểu Linh đồng mải mê diễn cảnh say nên đã không may ngã nhào. Thay vì hô cắt, đạo diễn Dương Khiết vẫn tiếp tục cho ghi hình, và sau này bà nói, cảnh ngã càng trở nên chân thực.
"Hầu Vương xuất thế" khiến cả đoàn bị sóng đánh tan tác
Trong tập 1 Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không được sinh ra từ một tảng đá nằm ven biển. Chính những cơn sóng dữ dội đập vào tảng đá khiến nó nứt ra, Tề Thiên Đại Thánh từ đó xuất thế.
Cảnh quay đó được thực hiện vào tháng 10/1984 tại bờ biển Bắc Đới Hà, nơi có những cơn sóng lớn, phù hợp với bối cảnh.
Phó quay phim Đường Kế Toàn kể lại rằng, đây là cảnh quay khiến cả đoàn mất rất nhiều tâm sức. Trước đó, đoàn phim đã kỳ công chuẩn bị một "tảng đá" đạo cụ, nhưng trong quá trình di chuyển, "tảng đá" bị nứt và sửa chữa rất mất thời gian. Vì vậy đoàn làm phim phải sử dụng các miếng xốp nhựa, cát, xi măng để hàn lại vết nứt, đồng thời gắn kíp nổ chuẩn bị cho cảnh "Thạch hầu" ra đời. Cả người lẫn đá đã ướt sũng vì sóng biển tạt dữ dội, vật vã mãi cuối cùng mới có thể ghi được những hình ảnh giá trị.