Sự ra mắt rầm rộ của bộ phim Mắt Biếc trong thời gian vừa qua khiến cộng đồng mạng ngẩn ngơ, những người yêu các tác phẩm của chú Nguyện Nhật Ánh xốn xang khi một truyện dài Mắt Biếc - vốn là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất, được chuyển thể thành phim. Người hâm mộ Victor Vũ cũng háo hức chờ đợi một sản phẩm điện ảnh đầy duy mỹ, theo đúng phong cách của Victor Vũ được đưa lên màn bạc. Đằng sau vô vàn những mỹ từ dành cho Mắt Biếc, nhiều người cũng tự đặt ra câu hỏi rằng việc chuyển thể các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh lên phim như vậy liệu có là một sự đề cao quá mức?
Nhà văn của tuổi thơ - chú Nguyễn Nhật Ánh
“Hay” là một khái niệm tương đối, nhiều khán giả sẽ thấy hay và một số khán giả sẽ thấy bộ phim “chưa đã” như kỳ vọng. Mắt Biếc cũng không phải ngoại lệ, dù là một bộ phim khá chỉn chu với phần đông đại chúng. Một câu chuyện được kể vừa vặn, không đưa hết các nhân vật và tình tiết trong truyện lên phim và chỉ chắt lọc những điều tinh túy nhất của truyện dài Mắt Biếc. Người xem thấu hiểu hơn diễn biến tâm lý và tính cách của nhân vật, hiểu được lý do cho hành động của Hà Lan, cảm thông cho Ngạn và mối tình si theo suốt quãng đời hoa niên. Với những người không đi sâu vào phân tích phim, họ đánh giá Mắt Biếc là một bộ phim tròn trịa. Xen lẫn những lời khen vẫn còn đó vài điểm chưa hợp lý với các “fan cứng” của Nguyễn Nhật Ánh. Có gì đó “chưa tới” vẫn còn lợn cợn trong đầu người hâm mộ; đó cũng là cái khó khi chuyển thể từ văn chương lên màn ảnh khi trí tưởng tượng của bạn đã bị bó lại trong khung hình, diễn xuất, âm nhạc và nhiều yếu tố của bộ phim, không còn vừa nhắm mắt vừa mơ màng tưởng tượng như khi vừa đọc xong câu chuyện.
Văn của Nguyễn Nhật Ánh cũng vậy, “hay” là khái niệm tương đối, đặc biệt là trong thời buổi hiện tại, nhiều người trẻ khó có thể thấm được những câu chuyện tình yêu của thế kỷ 20 kiểu vậy. Dù rằng việc chuyển thể truyện của Nguyễn Nhật Ánh lên phim có rủi ro ở việc các độc giả trung thành sẽ không ngừng đối chiếu bộ phim với tác phẩm nguyên gốc, các đạo diễn vẫn quyết định đưa lên khi đó là lựa chọn “phù hợp”.
Điều “phù hợp” đầu tiên có lẽ phải kể tới sự nổi tiếng của tác giả Nguyễn Nhật Ánh và những tác phẩm của ông từ trước tới nay. Chuyển thể phim từ các tác phẩm văn học nổi tiếng sẽ tạo một nền tảng khá vững chắc cho bộ phim (tất nhiên không tính các bộ phim phá hỏng nguyên tác truyện). Phải chấp nhận một thực tế rằng hầu như tác phẩm chuyển thể nào cũng vấp phải sự so sánh, phản đối trái chiều ít nhiều từ độc giả, tới cả những cái tên lớn như Harry Potter hay Triệu Phú Ổ Chuột cũng không tránh khỏi điều đó.
Dẫu có phần nghi ngờ, họ vẫn sẽ ra rạp xem phim để thỏa mãn sự tò mò và muốn tự mình đánh giá tác phẩm. Đây đã là một điểm lợi thế so với kịch bản gốc. Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh trước giờ đều hướng tới đại chúng nên lượng độc giả vô cùng lớn. Trước khi những bộ truyện dài được đưa lên phim là series Kính Vạn Hoa hay bộ ba Buổi Chiều Window, Bồ Câu Không Đưa Thư, Nữ Sinh cũng đã khiến khán giả cực kỳ yêu thích. Đưa truyện của Nguyễn Nhật Ánh lên phim, đạo diễn đều biết sẽ vấp phải sự phản đối ít nhiều - như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh gặp phải với Cô Gái Đến Từ Hôm Qua. Tuy nhiên, đó vẫn là một sự thành công.
Điều phù hợp thứ hai có lẽ nằm ở nội dung của các tác phẩm của chú Ánh cũng như lứa tuổi hướng tới. Là một người yêu thích Nguyễn Nhật Ánh, người ta sẽ hiểu cái hay của truyện chú Ánh không nằm ở những nút thắt cao trào, tình tiết phức tạp, thủ pháp văn chương điêu luyện hay triển khai cấu tứ đẳng cấp. Nó nằm ở sự mộc mạc và giản dị - văn của Nguyễn Nhật Ánh đời thường, khắc họa những câu chuyện gần gũi và chân thật. Buồn một chút, dằn vặt một chút, dễ thương nhiều chút và thơ mộng rất nhiều phần; đó chính là đặc điểm của truyện Nguyễn Nhật Ánh. Đề tài về tình yêu thuở ngây thơ, hoa mộng, kéo dài thành cả cuộc đời dễ kéo người ta ra rạp.
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh cũng dễ hiểu, những thông điệp tình yêu cuộc sống được đan cài khéo léo, đủ để người xem thấu hiểu, dù là đối tượng khán giả “bình dân” hay “cao cấp”. Tác phẩm của chú Ánh không vẽ lên những triết lý giáo điều cao siêu nhưng kể câu chuyện, nói vấn đề muôn thuở của tình yêu từ Cổ chí Kim: Yêu đơn phương là đau khổ, có những mối tình đúng người nhưng sai thời điểm hay tình yêu phải đi từ sự thật tâm và trái tim mỗi người. Đã là một tác phẩm thương mại, mấy đạo diễn dại dột chọn những kịch bản quá phức tạp, cao siêu khi tay nghề và kinh nghiệm còn chưa đủ “độ chín”? Nội dung như truyện của Nguyễn Nhật Ánh quả là một nguồn dồi dào để khai thác.
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh, với tôi, có giá trị tinh thần và gợi lên một miền ký ức cho nhiều người. Những năm 2000, bên cạnh truyện tranh Nhật Bản, vài cuốn Harry Potter đầu tiên, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh thành món ăn tinh thần gần như duy nhất với nhiều người. Đối tượng ra rạp xem phim là thế hệ 9x, 8x và cả 7x - họ không chỉ mua vé để xem một bộ phim, họ muốn vé để xem kỷ niệm tuổi thơ. Tuổi thơ của họ được đạo diễn Victor Vũ tái hiện lại quá tốt, khắc phục được những vấn đề từng gặp với Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh. Khung cảnh làng quê đẹp một cách thơ mộng nhưng không quá giả, người ta vẫn cảm thấy được sự hồn hậu, đôi lúc rộn ràng đôi lúc thê lương như màu tâm trạng nhân vật tại làng Đo đo. Bộ phim không có nhiều cảnh quá thừa thãi, không slow-motion chỉ với một cơn mưa, nghệ thuật không chỉ vị nghệ thuật. Người xem trailer không ồ à vì những cảnh quay quá long lanh như Hoa Vàng Cỏ Xanh nhưng xuyên suốt bộ phim đã là một câu chuyện đẹp, đâu cần quá nhiều sự thừa thãi để người ta quên đi ý nghĩa câu chuyện?
Đến tận bây giờ, vẫn còn quá nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có thể chuyển thể thành phim, hứa hẹn cũng sẽ hút khán giả ra rạp. Bong Bóng Lên Trời, Quán Gò Đi Lên, Còn chút gì để nhớ hay Ngày xưa có một chuyện tình… đều là những truyện dài, tiểu thuyết chất lượng, phù hợp với điện ảnh. Khi các tác phẩm kịch bản gốc nhiều rủi ro và thất bại, việc chuyển thể từ các tác phẩm truyện ăn khách là một lựa chọn có phần dễ thở hơn. Tất nhiên, chuyển thể truyện thành phim như một canh bạc. Một câu chuyện xuất sắc vẫn cần một ekip làm phim chuyên nghiệp, từ việc viết lại kịch bản cho tới đạo diễn, âm thanh, bối cảnh, dựng phim. Cả ekip làm phim phải đi vững vàng trên dây, một bên là sự sáng tạo, một bên là những điều quen thuộc đã có với khán giả. Chỉ một chút sơ sẩy thôi là sẽ ngã nhào.
Đạo diễn Victor Vũ đã đi thành công trên dây, nhìn một cách rộng rãi là như vậy. Những điều trong truyện còn chưa rõ, Victor Vũ cũng phần nào lôi ra được khỏi câu chuyện. Tôi vẫn tin Hà Lan là người hướng nội - đằng sau những nụ cười là một tâm hồn mơ màng, quá đỗi ngây thơ, còn bẽn lẽn và ngại ngùng. Tôi cũng đã chờ để xem ai sẽ vào vai Ngạn vì cuộc đời của Ngạn buồn và éo le hơn Hà Lan, mắt Ngạn phải buồn hơn Hà Lan mới phải? Đúng rồi, mắt Ngạn trong phim thực sự buồn và ầng ậc nước, khiến người xem cũng chực khóc theo anh dăm ba bận.
Tiếp tục bám vào các câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh trong tương lai sẽ đòi hỏi rất nhiều ở các đạo diễn. Nếu Cô Gái Đến Từ Hôm Qua hay Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh - 2 bộ phim trong vài năm trở lại đây, vẫn gặp phải những ý kiến chê trách thì Mắt biếc đã làm tốt hơn rất nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc các đạo diễn, biên kịch kế cận sẽ phải làm sao để vượt qua bóng của Mắt Biếc. Vài ba bộ phim đi qua, người ta thấy phảng phất những nét tương tự, xem riết cũng dễ đoán và nhàm: Khung cảnh làng quê lúc nào cũng đẹp một cách chân phương và giản dị, diễn viên nào cũng có đôi mắt long lanh, buồn buồn, bộ phim nào cũng có nhạc phim quá tốt, thậm chí màu phim, cách diễn xuất, góc quay cũng có đôi nét tương đồng. Có lẽ, sẽ cần nhiều đột phá và đổi mới hơn với các bộ phim chuyển thể từ văn học Nguyễn Nhật Ánh để mỗi bộ phim xuất hiện lại khiến khán giả sửng sốt, thay vì chỉ bám mãi vào những lời khen như “Cảnh quay đẹp quá, diễn viên đẹp quá hay câu chuyện buồn quá”.
Với tôi, truyện của Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ chán nhưng nó như một món ăn thường ngày, không quá đậm đà, vừa vặn và đủ vị. Một bộ phim, hãy cứ có một kịch bản vừa vặn như vậy đi đã là một tín hiệu đáng mừng, phần còn lại hãy để ekip làm nốt. Bản thân Mắt Biếc là một câu chuyện hay và đạo diễn Victor Vũ cùng các đồng sự đã thực sự chế biến nó thành một “món ăn” ngon.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn liệu truyện của Nguyễn Nhật Ánh có thật sự hay để chuyển thể thành phim?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Mắt Biếc hiện đang công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.