Được remake từ kịch bản What's Wrong Poong Sang đình đám xứ Hàn, Cây Táo Nở Hoa mới lên sóng 3 tập đầu nhưng nhận về không ít phản hồi tích cực của khán giả. Không khai thác những câu chuyện giật gân hay quá nặng đô, Cây Táo Nở Hoa bước đầu chinh phục được người xem nhờ sự chân thật, gần gũi, khiến mỗi người có thể phần nào nhìn thấy bản thân hoặc gia đình mình trên những thước phim. Đặc biệt, Cây Táo Nở Hoa cũng khiến khán giả liên tưởng tới một bộ phim điện ảnh khá hot thời gian gần đây - Bố Già khi câu chuyện, tuyến nhân vật đều có điểm tương đồng.
1. Motif nhân vật giống nhau tới ngỡ ngàng
Cả Cây Táo Nở Hoa và Bố Già đều xoay quanh một gia đình đông anh em nơi có một người anh "gánh vác cả thế giới", chỉ khác là ở Bố Già, Ba Sang (Trấn Thành) là anh thứ hai trong nhà thay vì anh cả.
Ba Sang và Ngọc (Thái Hòa) của Cây Táo Nở Hoa giống nhau tới ngỡ ngàng trong tính cách. Cả hai đều là những người bao đồng và quá đỗi lương thiện với cả người ngoài. Đặc biệt, họ quá quan tâm tới gia đình lớn, tới anh em của mình mà quên mất gia đình nhỏ, quên mất vợ con cũng cần được "thiên vị". Ở Bố Già, Ba Sang đến tận những ngày tháng cuối đời mới có được tiếng nói chung với con trai, ông và Quắn (Tuấn Trần) tiêu tốn quá nhiều thời gian trong đời để con trai có thể chấp nhận tính bao đồng của bố. Anh em của Ba Sang không tới nỗi "như một nhà trẻ" giống các em của Ngọc nhưng với bản tính ôm đồm, Ba Sang đã đi tới nửa kia của cuộc đời mà vẫn không chịu sống cho bản thân mình, luôn chia nhỏ đời mình cho quá nhiều người, quá nhiều mối bận tâm. Ba Sang chưa một lần cảm thấy bất bình hay tủi thân trước bản tính gàn dở, sự ích kỷ của anh em họ hàng.
Ngọc của Cây Táo Nở Hoa cũng được xây dựng theo motif người anh cả hi sinh hết lòng vì gia đình. Vì là phim truyền hình, câu chuyện dàn trải hơn và màu sắc phim cũng tươi sáng, mang tính trào phúng nhiều hơn nên đôi khi khán giả chưa thực sự cảm nhận được nỗi vất vả, sự cam chịu (một cách tự nguyện) của Ngọc nhưng thực chất Ngọc còn thống khổ hơn cả Ba Sang. Chính bởi sự hi sinh hết lòng cho gia đình lớn, Ngọc cũng giống Ba Sang, quên đi rằng mình phải yêu thương gia đình nhỏ nhiều hơn, kết quả trong một gia đình toàn những người ích kỷ, gàn dở (kể cả Ngọc) thì vợ của anh - chị Hạnh (Hồng Ánh) mới là người khổ nhất.
Nói chung motif nhân vật của hai phim khá giống nhau, hướng triển khai có vẻ cũng sẽ tương tự, chỉ khác là những nhân vật của Cây Táo Nở Hoa (cả thảy 3 thế hệ) có nhiều câu chuyện riêng hơn và sẽ cùng trưởng thành, cùng thay đổi. Với Bố Già, chuyện của gia đình nhỏ được tập trung khai thác triệt để hơn, nhân vật ở gia đình lớn (họ hàng) sẽ chỉ xuất hiện với vai trò hỗ trợ, giúp mâu thuẫn được đẩy lên tới đỉnh điểm.
2. Bi kịch được đẩy lên tới đỉnh điểm bằng căn bệnh của nhân vật chính?
Ở Bố Già, hành trình thay đổi và hiểu nhau của hai bố con gắn liền với căn bệnh của Ba Sang khi ông đứng trước án tử và bắt buộc phải tìm ra người hiến thận cho mình. Đây là lúc khái niệm "họ hàng" - "người nhà" được khắc họa rõ nét nhất khi mà ngoài con trai cùng đứa em út chưa có sự ràng buộc về "gia đình nhỏ" và đang rất cần tiền là tình nguyện hiến thận cho Ba Sang. Không đơn giản là một trái thận, đây còn là cách biên kịch đẩy bi kịch lên tới cao trào, khiến nút thắt tâm lý của các nhân vật được giải tỏa.
Ở Cây Táo Nở Hoa, dĩ nhiên chưa thể nào biết bi kịch trong phim có được đẩy lên cao trào bằng một căn bệnh hiểm nghèo nào đó hay không nhưng nếu phim bám sát kịch bản gốc thì đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Trong bản gốc người anh cả Poong San bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan và phải nhờ một người thân trong nhà hiến gan để tiếp tục sống. Đây chính là đỉnh điểm bi kịch trong phim, khi mà từng thành viên trong nhà sẽ phải đứng trước sự lựa chọn rằng có thể hi sinh bản thân vì anh trai được hay không.
3. Đến cả cách đặt tên nhân vật cũng giống lạ thường
Về nội dung, việc giống nhau không quá khó hiểu khi câu chuyện ở hai bộ phim đều không mới nhưng đến cả cách đặt tên nhân vật của có điểm trùng hợp thì quả là một điều thú vị. Ở Bố Già, các nhân vật có tên Giàu - Sang - Phú - Quý, có lẽ đây là cách để thể hiện ước vọng đổi đời của nhân vật và là sự châm biếm đến cuộc đời họ khi mà những con người cả đời không thoát khỏi con hẻm ngập nước lại có những cái tên nghe mà "phát thèm".
Với Cây Táo Nở Hoa, họ cũng sở hữu những cái tên sang - xịn - mịn không kém: Ngọc - Ngà - Châu - Báu - Dư, đến cả cô vợ cũng có tên Hạnh - gắn với "Hạnh Phúc" - tên quán sửa xe của Ngọc. Những cái tên này gắn với câu thoại "Nếu cuộc đời toàn điều xấu xa, tại sao cây táo lại nở hoa" giống như một sự úp mở về tương lai lạc quan hơn cho các nhân vật. Thế nhưng lạc quan bằng cách nào thì chưa biết bởi cuộc đời của họ đang quá đỗi bế tắc.
Bố Già với những cái tên Giàu - Sang - Phú - Quý đã phá đảo phòng vé, thu về kỷ lục doanh thu cao ngất ngưởng. Cây Táo Nở Hoa với Ngọc - Ngà - Châu - Báu - Dư, phải chăng đây cũng là một điềm báo cho thấy bộ phim này sẽ làm nên chuyện lớn cho truyền hình Việt trong thời gian sắp tới?
Cây Táo Nở Hoa phát sóng 20:00 thứ Hai đến thứ Tư hằng tuần trên kênh truyền hình Vie Channel - HTV2
Nguồn ảnh: NSX