Tào Tháo là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam quốc trong lịch sử. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy. Khi còn sống Tào Tháo đã gây thù chuốc oán với nhiều người nên có rất nhiều kẻ thù. Bởi vậy bên cạnh Nguỵ Vương luôn có những cận vệ sở hữu sức mạnh phi thường khiến cho đối thủ phải e sợ.
Hứa Chử
Hứa Chử (? – 230), tự là Trọng Khang, là một trong những công thần khai quốc của nước Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông là một vị tướng hầu cận được Tào Tháo rất tin tưởng và còn nổi tiếng với sức khỏe phi thường, trung thành và hết lòng vì chủ. Hai điều này khiến Tào Tháo rất tin dùng ông.
Theo ghi chép của bộ chính sử Tam Quốc chí, Hứa Chử là người mình cao tám thước, lưng to, dáng vẻ uy nghiêm, dũng khí hơn người. Trên thực tế, Hứa Chử không trải qua nhiều cuộc chiến nhưng mỗi trận đều dốc sức tạo ra chiến tích hoàn hảo nhất, bảo vệ chủ công mà không chịu bất kỳ vết thương đáng kể nào. Do vậy, ông nổi danh không phải nhờ may mắn mà là năng lực thật sự.
Cuối thời Đông Hán, thiên hạ loạn lạc, nạn cướp bóc nổi lên khắp nơi. Hứa Chử đã tập hợp họ hàng và nhiều người khác để dựng dinh lũy chống lại hơn 1 vạn quân cướp đến đánh vùng quê ông. Hứa Chử cùng các thủ hạ ra sức chiến đấu nhưng lực lượng ít ỏi, bắn hết tên đạn. Ông hạ lệnh cho toàn thể nhân dân, cả già trẻ trai gái cùng xung trận, khuân đá lớn chất đầy 4 góc dinh lũy. Sau đó, Hứa Chử tự vác đá lớn ném địch. Quân cướp nhiều người bị trúng đá chết tan xác nên sợ hãi không dám lại gần.
Trong mỗi trận chiến, Hứa Chử đều dốc sức tạo ra chiến tích hoàn hảo nhất,
Lương thực hết, Hứa Chử phải xin giảng hòa, đề nghị đổi trâu lấy lương thực. Khi quân địch giao lương thực rồi đến lấy trâu, Hứa Chử xông ra cầm đuôi trâu lôi ngược lại hơn 100 bước. Quân địch thấy ông hùng dũng đều sợ hãi không dám đến lấy trâu nữa, lũ lượt rút lui. Từ đó, danh tiếng của ông được nhiều người biết đến. Sau khi Tào Tháo làm chủ được Duyện Châu, Hứa Chử mới dẫn quân đến quy phục. Ông được Tào Tháo cho làm hộ vệ riêng của mình. Điều này khiến nhiều người bất ngờ bởi Tào Tháo vốn nổi tiếng đa nghi. Tuy nhiên, hoá ra Tào Tháo không hề nhìn nhầm người.
Trong trận Vị Thủy, Hứa Chử mang trọng giáp mũ sắt, che chở cho Tào Tháo khỏi mưa tên, giúp Tào Tháo sang sông an toàn. Lúc Tào Tháo qua đời, ông khóc đến thổ huyết. Sau đó, Hứa Chử theo phục vụ con trai Tào Tháo là Tào Phi. Ông được phong là Vạn Tuế đình hầu. Đến thời Ngụy Minh Đế Tào Tuấn, Hứa Chử được phong là Mâu Hương hầu. Không lâu sau thì ông bị bệnh mất, được phong là Tráng hầu.
Video: Hứa Chử đấu với Mã Siêu trong "Tam quốc diễn nghĩa" 2010.
Trong "Tam quốc diễn nghĩa", Hứa Chử từng so tài với các dũng tướng khác như Điển Vi, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu... và không ít trong số đó là những cuộc đấu bất phân thắng bại. Một trong những tình tiết thể hiện sức mạnh của Hứa Chử được nhiều người ghi nhớ nhất là màn so tài cao thấp với Mã Siêu ở phiên bản truyền hình năm 2010.
Theo đó, Hứa Chử khiêu chiến với Mã Siêu rồi lao vào tỷ thí đầy căng thẳng. Mã Siêu cầm giáo, còn tên cận về của Tào Tháo cầm đao đánh nhau hơn trăm hiệp, đến khi ngựa chùn chân lại vào thay ngựa đánh gần 200 hiệp vẫn bất phân thắng bại. Hứa Chử nổi điên chạy về cởi áo giáp và mũ, vác đao cưỡi ngựa, quay lại quyết chiến. Tào Tháo khi đó đã cho 2 tướng ra tiếp ứng, bên Mã Siêu cũng ra tiếp chiến. Cuộc đấu giữa Mã Siêu và Hứa Chử do vậy kết thúc dù hai bên chưa phân thắng bại. Mã Siêu sau trận nói với Hàn Toại: "Tôi chưa thấy ai đánh nhau dữ dội như Hứa Chử, quả là hổ dại".
Điển Vi
Điển Vi là mãnh tướng được xếp trên cả Quan Vũ, Mã Siêu và Trương Phi.
Điển Vi (? – 197) là người Kỷ Ngô quận Trấn Lưu. Ông là một mãnh tướng của Tào Tháo thời cuối Đông Hán. Điển Vi có tướng mạo kiêu hùng, sức khỏe hơn người. Ban đầu, ông là người của Trương Mạo sau mới đi theo Tào Tháo. Dù là nhân vật có khá ít đất diễn nhưng Điển Vi lại được xếp trên cả Quan Vũ, Mã Siêu và Trương Phi, vốn toàn là danh tướng chiến công lẫy lừng.
Trong tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa" 1994, Điển Vi chỉ xuất hiện 6 lần, trong đó ấn tượng nhất chính là lần hi sinh để bảo vệ Tào Tháo ở trận Uyển Thành. Thế nhưng, việc ít đất diễn hoàn toàn không ảnh hưởng uy danh của Điển Vi và xếp hạng về ông là hoàn toàn xứng đáng.
Điển Vi là người có công xả thân cứu Tào Tháo thoát nạn khi bị quân Trương Tú đánh úp.
Vũ khí của Điển Vi là một đôi đoản kích, nặng 80 cân (1 cân theo cách tính của người Trung bằng 0,5kg). Đoản kích không nặng như Yển Nguyệt đao của Quan Vũ nhưng là loại vũ khí ít người dám dùng trên chiến trường. Năm 194, Tào Tháo bị Lã Bố mang quân vây áp 3 mặt ở Bộc Dương. Điển Vi bắt lá thăm ra trận nên mang theo mấy chục người. Ông bảo quân lính mặc mấy lần áo giáp, không mang khiên che đỡ, chỉ dùng đoản kích và trường mâu ra trận. Đúng lúc phía tây nguy cấp gọi cứu viện, Điển Vi liền dẫn quân xông đến. Quân Lã Bố bắn ra nhiều tên, ông vẫn xông lên phía trước, chỉ dặn thủ hạ khi nào quân địch còn cách 10 bước, rồi 5 bước thì nhắc.
Khi được nhắc đúng tầm khoảng cách, Điển Vi cầm hơn 10 cây đoản kích ném ra, liên tiếp trúng quân Lã Bố. Quân Lã Bố sợ hãi phải rút lui. Nhân lúc đó, Tào Tháo mang quân ra mở đường chạy thoát. Nhờ lập công trận này, Điển Vi được Tào Tháo phong làm Đô úy, làm hộ vệ bên cạnh mình, mang theo 500 quân lính tinh nhuệ. Năm Kiến An thứ hai (Công Nguyên 197), Trương Tú phản bội Tào Tháo, Điển Vi một mình chống lại phản quân bảo vệ Chủ công, giết chết rất nhiều kẻ địch nhưng cuối cùng vì kẻ địch vây hãm quá đông mà tử trận.
Video: Cảnh Tào Tháo khóc thương trước mộ Điển Vi trong "Tam quốc diễn nghĩa" 1994
Sau khi Tào Tháo đánh lui Trương Tú, lập tức cho lập đàn tế Điển Vi, Tháo đích thân khóc tế, ngoảnh lại nói với các tướng rằng: "Ta mất đi con cả, mất đi cháu yêu đều chẳng đau đớn tới nhường này; chỉ khóc vì Điển Vi thôi!" Mọi người nghe xong đều vô cùng cảm động
Năm sau, Tào Tháo lại đưa quân đến Uyển Thành tấn công Trương Tú, tức cảnh sinh tình, Tào Tháo đột nhiên khóc lớn, mọi người không biết lý do tại sao. Tào Tháo khóc xong bèn giải thích rằng: "Năm trước ta đã mất đại tướng Điển Vi ở đây, không khỏi muốn khóc!". Lần thứ hai Tào Tháo khóc tế Điển Vi, làm chấn động toàn quân, từ binh lính đến tướng lĩnh, không ai không cảm động vì tình cảm chân thành của Tào Tháo. Tình tiết này được khắc hoạ rõ nét trong "Tam quốc diễn nghĩa" phiên bản 1994.