Ngày nay, không có gì lạ khi có khoảng cách thời gian dài giữa các mùa anime. Ví dụ điển hình như khoảng cách bốn năm giữa mùa đầu tiên và thứ hai của Attack on Titan và One Punch Man nhưng chỉ mất 5 năm để có được ba bộ phim về Iron Man từ Marvel Studios. Hãy cùng xem qua một số lý do tại sao một số anime lại mất nhiều thời gian như vậy để có một mùa khác sau khi phần đầu kết thúc nhé!
Tình trạng quá tải của các studio
Trong một cuộc thảo luận về Sword Art Online tại sự kiện Anime Expo 2014, tác giả của cả Sword Art Online và Accel World, Reki Kawahara đã được hỏi về kế hoạch anime trong tương lai cho Accel World, bộ phim đã được Sunrise chuyển thể thành một anime khá nổi tiếng vào năm 2012. Phản ứng của Kawahara vừa hài hước vừa rất thực tế. Ông nói rằng studio sản xuất của Accel World cũng chịu trách nhiệm về loạt phim thần tượng nổi tiếng Love Live! mà thời điểm đó sutido này đang rất bận rộn và không có thời gian cho Accel World. Thật không may, việc thay đổi studio cũng rất khó khăn do lịch trình cũng hết sức bận rộn của các studio khác.
Vì hầu hết các xưởng phim hoạt hình đều bận rộn với các dự án nên thường mất ít nhất hai năm để lên kế hoạch trước cho một dự án anime. Nếu phần 2 được công bố ngay sau khi phần 1 kết thúc, điều này có nghĩa là nó đã được lên kế hoạch từ 2 năm trước đó. Nếu điều này không diễn ra thì việc sản xuất sẽ phải đợi ít nhất hai năm để các nhân viên tương tự quay trở lại và sản xuất phần 2 của một bộ anime. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi ê kíp sản xuất phải chờ đợi lâu hơn, vì nhiều họa sĩ hoạt hình nổi tiếng làm việc với tần suất rất cao. Nếu các thành viên trong ê kíp không thể trở lại cho phần 2, như trường hợp của One Punch Man phần 2, chất lượng của anime có thể khiến khán giả thất vọng.
Doanh thu tới từ anime quyết định nó có phần 2 hay không
Việc lên lịch cũng làm nảy sinh vấn đề cơ cấu thu nhập tại các studio anime. Các công ty sản xuất anime thường tìm kiếm các nhà tài trợ để đảm bảo chi phí cho việc sản xuất trước khi một dự án anime được công bố. Những nhà tài trợ này có thể bao gồm các đài truyền hình, nhà xuất bản và các nhà sản xuất đồ chơi. Các nhà tài trợ mong đợi lợi nhuận cho khoản đầu tư của họ, thường thông qua việc bán hàng hóa, DVD hay các thỏa thuận cấp phép sử dụng hình ảnh của anime cho mục đích thương mại.
Ngay cả khi một bộ anime nhận được rất nhiều sự chú ý và tán thưởng của khán giả, nếu doanh số bán hàng hóa liên quan không đạt mức ngang bằng thì bộ anime đó vẫn sẽ không được coi là thành công theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Những tác phẩm "thất bại" này có thể sẽ không có kế hoạch mùa thứ hai.
Thu nhập tới từ nghề sản xuất anime là quá thấp
Cần phải nhớ rằng hoạt hình là một ngành công nghiệp sử dụng rất nhiều lao động và Nhật Bản vẫn sản xuất hầu hết các anime thông qua hoạt hình vẽ tay - và việc vẽ từng khung hình bằng tay đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Không những thế mức lương chi trả cho đội ngũ sản xuất anime tại Nhật Bản là khá thấp, chính điều này luôn dẫn tới tình trạng thiếu nguồn nhân lực.
Trên đây là những lý do dẫn đến việc chúng ta phải chờ đợi nhiều năm cho mùa thứ hai của rất nhiều bộ anime nổi tiếng. Các bạn thấy sao về những lý do này, hãy để lại ý kiến của mình nhé!