Chuyên gia vật lý "bắt lỗi" phản khoa học trong màn chào sân cực ngầu của Flash trong Justice League Snyder Cut

Tuy nhiên, thật may đây chỉ là 1 lỗi siêu nhỏ và không gây ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm bom tấn Justice League của đạo diễn Zack Snyder.

Một trong những yếu tố giúp Justice League Snyder Cut thu hút được sự chú ý của khán giả, khiến bản công chiếu năm 2017 bị lu mờ hoàn toàn chính là phần kịch bản được xây dựng chi tiết và chặt chẽ hơn. Câu chuyện về từng thành viên trong Liên Minh Công Lý cũng được khai thác sâu để mang đến một tác phẩm hoàn chỉnh nhất, thay vì bị cắt xén hay giới thiệu một cách hời hợt, qua loa như phiên bản của đạo diễn Joss Whedon.

Trong đó không thể không nhắc tới màn chào sân ấn tượng của anh chàng siêu tốc Flash, Barry Allen, do Ezra Miller thủ vai. Nếu như bạn còn nhớ, Barry lần đầu tiên xuất hiện trong Justice League khi đang đi xin việc tại cửa hàng thú cưng Central Bark. Tại đây, anh đã có dịp trổ tài anh hùng cứu mỹ nhân bằng tốc độ của mình, giúp cho “crush” Iris West (Kiersey Clemons) thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong 1 vụ va chạm giao thông nghiêm trọng. Đó cũng là 1 trong những phân cảnh quay chậm ấn tượng và nổi bật nhất trong Justice League, làm nổi bật lên siêu năng lực bá đạo của Barry khiến cho cả dòng thời gian như trôi chậm đến mức ngưng lại.

Flash xuất hiện đầy ấn tượng trong Justice League Snyder Cut với 1 cảnh quay slo-mo siêu ngầu.

Xét về mặt điện ảnh, rõ ràng cảnh phim này đang mang lại hiệu quả tốt, vừa cool ngầu, lại pha chút hài hước trong biểu cảm của Barry và những người đang bị “tua chậm” ở xung quanh. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo phương diện khoa học thì cảnh phim đó có chút vấn đề, đặc biệt là với chi tiết những miếng xúc xích bay lên không trung khi Barry chạy đi cứu Iris. Dĩ nhiên, những sáng tạo táo bạo đến mức hư cấu là 1 phần không thể thiếu trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, nhưng vấn đề trong cảnh phim của Flash hoàn toàn có thể xử lý được một cách logic nhất.

Cụ thể, tiến sĩ Jed Macosko, giảng viên khoa Vật lý tại Đại học Wake Forest, Mỹ nhận định Barry sẽ không thể nào vừa chạy vừa chạm vào 1 chiếc xúc xích đang lơ lửng giữa không trung mà nó vẫn còn vẹn nguyên như vậy được. Ông cho biết đây chỉ là 1 kiến thức cơ bản liên quan đến Định luật 1 Newton: Nếu một vật không chịu tác dụng của lực nào hoặc chịu tác dụng của các lực có hợp lực bằng không thì nó sẽ giữ nguyên trạng thái đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều.

Trong trường hợp này, miếng xúc xích chính là vật đang chuyển động. Tiến sĩ Macosko cho biết: “Chiếc xúc xích này vẫn sẽ giữ nguyên trạng thái chuyển động của mình nếu không phải chịu tác động của ngoại lực. Tuy nhiên, khi Barry cầm vào khúc giữa, hai đầu xúc xích theo quán tính vẫn sẽ chuyển động theo hướng cũ, trong khi đoạn giữa đó lại được kéo sang 1 hướng mới. Kết quả thu được khả năng cao sẽ là 1 chiếc xúc xích bị tách rời, thay vì vẫn còn nguyên vẹn và được Barry bỏ vào túi như vậy”.

Chuyên gia vật lý bắt lỗi phản khoa học trong màn chào sân cực ngầu của Flash trong Justice League Snyder Cut - Ảnh 2.

Phân đoạn Barry "thó" 1 chiếc xúc xích giữa không trung khi đang di chuyển với tốc độ cao có chút mâu thuẫn với kiến thực vật lý thực tế.

Tuy nhiên, ông cũng đánh giá cảnh phim này là 1 điểm cộng sáng giá cho Justice League Snyder Cut: “Vụ va chạm ô tô thảm khốc đã trở thành 1 dạ tiệc khiêu vũ cho những món đồ vật xung quanh, nơi mà khoảng cách giữa chúng và mặt đất thay đổi theo phương trình đơn giản: y = v.t + 0,5.g.t2. Khung cảnh những chiếc ô, hạt vừng, ổ bánh mì hay xúc xích chao liệng trên không trung một cách hoàn hảo thực sự rất ấn tượng và đáng xem”.

Trong đó, y là độ dịch chuyển theo phương thẳng đứng của vật, v là vận tốc, t là thời gian và g là gia tốc trọng trường (thường dùng hằng số 9,8 m/s2). Đại ý mà tiến sĩ Macosko muốn nói là cảnh phim này đã tạo ra "những đường vòng cung parabol duyên dáng vẽ nên theo chuyển động bay lượn của những mảnh kính vỡ hay những miếng xúc xích”.

Xuyên suốt thời lượng 4 tiếng của Snyder Cut, Barry đã nhiều lần sử dụng năng lực của mình một cách hiệu quả mà không hề phá hủy đồ vật khi chạm vào chúng. Điều này cho thấy có thể DC đã áp dụng những thuyết giả khoa học (pseudoscience), cho phép Barry có khả năng thao túng các đồ vật trong trạng thái di chuyển tốc độ của mình, cho dù có hơi mâu thuẫn với những định luật vật lý trong thực tế 1 chút. Kiến thức và trí tưởng tượng của mỗi người sẽ quyết định mức độ hợp lý trong những cảnh phim như vậy. Còn với tiến sĩ Macosko, ông có thể nhìn ra ngay sự vô lý, nhưng nó cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm của ông với Justice League.

Theo Looper