Ngay cả trước khi được trình làng chính thức, Cô Dâu Hào Môn đã sở hữu những điểm mạnh để có thể trở thành bom tấn phòng vé vào tháng 10 năm nay. Thứ nhất, đấy là yếu tố kịch bản “trend", đánh trúng vào vấn đề “phông bạt" của xã hội hiện tại, thứ hai là việc sở hữu dàn cast chất lượng Uyển Ân, Thu Trang, Lê Giang, Kiều Minh Tuấn,.. .những nhân vật trước đây đã sở hữu siêu phẩm trăm tỷ gây bão phòng vé. Chưa kể, với sự “mát tay" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, nhiều người tin rằng Cô Dâu Hào Môn hoàn toàn có khả năng thắng thế trên sân nhà, nhất là khi hiện tại không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Chỉ duy nhất có Quỷ Ăn Tạng - Phần 2 thuộc thể loại kinh dị đã bước sang tuần thứ 2 công chiếu và đề tài này ma quỷ cũng không phải là món ăn tinh thần được công chúng quá ưa chuộng tại Việt Nam.
Cô Dâu Hào Môn thuộc thể loại phim hài hước, tâm lý - tình cảm, xoay quanh Tú Lạc (Uyển Ân) - một cô gái bề ngoài luôn tỏ ra xinh đẹp, giàu có nhưng thực chất chỉ là “phông bạt". Một ngày nọ, với hình tượng nữ du học sinh hiền lành, tốt bụng, nhưng lật đận trong chuyện tình cảm, Tú Lạc đã thành công chinh phục được trái tim chàng thiếu gia Bảo Hoàng. Hai người đã tính đến chuyện kết hôn nhưng cô còn một “ải" rất khó để vượt qua đó là mẹ chồng - bà Phượng (Thu Trang). Bà ta là người luôn đề cao sự môn đăng hộ đối và không chấp nhận những cô gái thấp kém, thất học. Trớ trêu thay, Tú Lạc lại hội tụ tất cả những điều mà mẹ chồng Bảo Hoàng không thích. Với khát khao đổi đời, Tú Lạc đã lôi kéo cả gia đình mình vào một phi vụ lừa đảo nhằm bước chân vào hào môn.
Mảng miếng hài hước, diễn xuất duyên dáng
Từng bị nghi ngờ là bản sao chép của Ký Sinh Trùng - một bom tấn đình đám của Hàn Quốc nhưng hoá ra, Cô Dâu Hào Môn chỉ trùng lặp ý tưởng về việc người nghèo dùng mánh khóe để lừa người giàu chứ cách khai thác lại hoàn toàn khác. Trong Ký Sinh Trùng, mâu thuẫn về việc người nghèo ghét người giàu được khắc họa theo hướng căng thẳng, các nhân vật đều dần “hắc hoá” vì tham vọng đổi đời đến mất đi lý trí, thì ở Cô Dâu Hào Môn, bộ phim sử dụng tuyến tính cảm của Tú Lạc - Bảo Hoàng là “đòn bẩy" để tạo sự kiện cho các nhân vật khác tham gia vào phi vụ lừa đảo. Thêm vào đó, các mảng miếng hài hước, yếu tố giải trí được đẩy mạnh khiến bộ phim cũng dễ dàng tiếp cận hơn với thị hiếu chung của khán giả Việt.
Cô Dâu Hào Môn xây dựng ba tuyến “giai cấp" chính là nhà nghèo - nhà giàu “xổi" - nhà giàu “real". Đây cũng là nguồn cơn bắt đầu của những mâu thuẫn. Điểm hay của bộ phim đấy là sử dụng một chủ đề được nhiều người quan tâm, và cũng có thể gây ra tranh cãi về sự phân biệt giàu - nghèo, nhưng không khí trong phim không quá nặng nề để người xem phải chau mày, nhăn mặt mà ngược lại còn phải bật cười bởi những tình huống dí dỏm và những màn tung hứng duyên dáng của Lê Giang, Hồng Vân hay Kiều Minh Tuấn.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho thấy sự tinh tế và cả thực tế về bức tranh giàu nghèo của xã hội hiện đại khi các nhân vật đều mang đậm dấu ấn của nguồn gốc xuất thân. Các tình huống hài của Lê Giang hay Kiều Minh Tuấn ở chung cư nghèo có phong cách ồn ào, “chợ", và thậm chí là “bậy", trong khi đó, ở nhà bà Kỳ (giàu mới nổi) thì miếng hài lại toát nên chất hợm hĩnh, có phần khinh người. Nếu người xem tinh ý, sẽ phát hiện trang phục của bà Kỳ và con gái Luna Đào với các màu sắc của bức tường, đồ vật trong nhà tạo nên tổng thể rực rỡ, rối mắt tựa như cách họ “phất” lên, “trưởng giả học làm sang" nhưng thực chất lại diêm dúa, khó coi. Lại nói về nhà giàu thứ thiệt là bà Phượng, nhân vật này chủ yếu sử dụng các trang phục có màu sắc trầm, trung tính, không quá cầu kỳ nhưng lại toát nên khi chất quý phái, đẳng cấp. Bên cạnh đó, bối cảnh nhà giàu cũng được ekip đầu tư hoành tráng, dù không quá bắt mắt nhưng vẫn thành công khắc hoạ nên sự xa hoa, giàu có của giới tài phiệt.
Kiều Minh Tuấn và Lê Giang lần đầu tiên hợp tác đã vào vai vợ chồng trên màn ảnh, dù ngoài đời Lê Giang lớn hơn đàn em nhiều tuổi, nhưng khi cả hai đứng cạnh nhau lại không tạo nên cảm giác chênh lệch mà lại rất hợp đôi. Kiều Minh Tuấn hoá trang già nhưng diễn xuất lại đủ “vừa vặn” để vào vai một người cha thương con gái, ít nói nhưng nội tâm lại phức tạp. Trong khi đó, Lê Giang dù lối diễn vẫn ồn ào, nhưng sự linh hoạt, đa chiều trong cách thoại và hình thể vẫn đủ tạo nên sự khác biệt so với hình tượng nhân vật tương tự trong Nhà Bà Nữ cách đây hơn 1 năm.
Về phía Thu Trang, dù rất nỗ lực để khắc hoạ nên sự điềm tĩnh, sang trọng, nhưng cách diễn của nữ diễn viên vẫn chưa thực sự thuyết phục bởi ngoại hình có phần “lệch tuổi" hơn so với nhân vật, đài từ cũng chưa thực sự đủ “bén" để tạo cảm giác nhẹ nhưng đanh thép và đầy quyền lực của một quý phu nhân sở hữu khối tài sản “khủng”.
Đúng với phát ngôn trước đó của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng rằng đây sẽ là bộ phim mà tất cả các nhân vật đều có sẽ “đất diễn”, khi hầu hết các tuyến nhân vật đều tham gia để phát triển cốt truyện chính. Bộ phim không có nhân vật thừa nhưng lại tạo nên cảm giác có sự chênh lệch diễn xuất giữa dàn diễn viên. Trong khi Lê Giang, Hồng Vân hay Kiều Minh Tuấn vẫn chứng minh bản thân là diễn viên thực lực khi xuất hiện duyên dáng trong từng phân cảnh thì Uyển Ân, Samuel An lại “lép vế” hơn hẳn bởi chemistry chưa thực sự bùng nổ, và hồi sau của bộ phim nội tâm và câu chuyện tình cảm của hai người cũng mờ nhạt hơn hẳn dù đóng vai trò là nam nữ chính.
Thông điệp nửa vời, tình huống khiên cưỡng
Điểm mới lạ của dự án này đấy là các nhân vật trong phim, họ không hoàn toàn tốt và cũng không hoàn toàn xấu. Khi câu chuyện được ngã ngũ và sự thật được phơi bày, các nhân vật đều “em có lý do riêng của em mà" để biện minh cho những sai trái của mình. Người xem đã thực sự trông chờ vào một cú plot twist của Kiều Minh Tuấn khi “tỏ ra nguy hiểm" với bà Phượng hay việc tại sao bà Phượng luôn khinh thường người thấp kém hơn mình nhưng khi những thước phim flashback “quá khứ của kẻ phản diện" được tiết lộ nó chưa đủ “chạm" để khiến khán giả đồng cảm.
Thêm vào đó, việc phim có tiết tấu nhanh cũng là một điểm mạnh và một điểm yếu của phim, khi câu chuyện tình yêu của Bảo Hoàng - Tú Lạc diễn ra chóng vánh nhưng lại được mô tả ở hồi sau là yêu vô cùng sâu đậm. Việc thiếu đi những phân cảnh để diễn giải Tú Lạc đã yêu và hy sinh vì anh như thế nào để Bảo Hoàng có thể chống đối mẹ, bất chấp cô là một kẻ lừa đảo cũng khiến mối quan hệ của cả hai chỉ sâu sắc kiểu “văn vở”. Ở chiều hướng ngược lại, Tú Lạc cũng nói rằng mình yêu Bảo Hoàng, nhưng ở phân cảnh khi bàn về kế hoạch lừa đảo, Tú Lạc lại không mảy may chần chừ mà còn nhiệt tình vận động gia đình tham gia. Vì vậy, chuyển biến tâm lý của hai người bị đánh giá là còn khiên cưỡng.
Bộ phim còn tồn tại một số hạt sạn vô lý như tình huống nam chính say nắng Tú Lạc chỉ bằng việc thấy cô giúp đỡ người khác. Yếu tố này bị đánh giá là hên xui, khi nhân vật không chủ động tiếp cận với “con mồi" mà lại mong chờ vào lòng trắc ẩn của đối phương. Thêm vào đó, việc gia đình bà Mạt liên tục thoát khỏi nguy hiểm nhờ vào việc “nắm thóp” người khác cũng mang nặng tính sắp đặt.
Chấm điểm: 3/5
Dù tồn tại nhiều hạt sạn đáng tiếc nhưng không thể phủ nhận Cô Dâu Hào Môn là bộ phim mang đậm yếu tố giải trí cùng nỗ lực của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trong việc mang đến những lát cắt khác biệt của cuộc sống nhưng lại là vấn đề cốt lõi, nhức nhối của xã hội hiện đại, đấy là sự phân biệt giàu nghèo. Thêm vào đó, các góc quay, hình ảnh trong phim đều cho thấy sự đầu tư chỉn chu, tỉ mỉ của cả ekip khi màu sắc, ánh sáng đều tạo nên cảm giác dễ chịu cho thị giác. Ngay cả cảnh quay 18+ của Uyển Ân và Samuel An cũng không tạo nên cảm giác thô thiển mà ngược lại còn rất lãng mạn, ngập tràn cảm xúc. Vì vậy, dù còn hơi hụt về mặt cảm xúc nhưng tổng thể Cô Dâu Hào Môn vẫn là một tác phẩm điện ảnh ở mức chấp nhận được và đáng để khán giả kéo nhau ra rạp để thưởng thức.