Doraemon là bộ truyện tranh Nhật Bản của tác giả Fujiko Fujio được sáng tác từ năm 1969. Với mục đích ban đầu dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Tác phẩm sau đó đã được chuyển thể thành các tập phim hoạt hình ngắn, dài cùng các thể loại khác như kịch, trò chơi điện tử. Bộ truyện kể về một chú mèo máy tên là Doraemon đến từ thế kỉ 22 để giúp đỡ một cậu bé lớp 5 hậu đậu tên là Nobi Nobita.
Kể từ khi ra đời đến nay, Doraemon không chỉ được coi là nhân vật và bộ truyện tranh được yêu thích hàng đầu ở Nhật Bản, còn trở thành một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản và được trẻ em trên toàn thế giới yêu thích.
Ngoài câu chuyện đẹp về tình bạn và lẽ phải, chắc hẳn yếu tố hấp dẫn không thể không kể đến là chiếc túi thần kỳ và các món bảo bối của Doraemon. Một số món bảo bối được xây dựng dựa trên những vật dụng có thật trong gia đình Nhật Bản, sau đó được thêm bớt các yếu tố để trở nên ly kỳ hơn. Số còn lại chủ yếu là viễn tưởng nhưng hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của trẻ em.
Thế nhưng trên thực tế không ít bảo bối giúp ích cho Doraemon và bạn bè trong các chuyến phiêu lưu là công nghệ phổ biến trong các bộ phim viễn tưởng. Và dưới đây 5 món bảo bối nổi tiếng đã từng xuất hiện trong các phim nổi tiếng Hollywood.
1. Cỗ máy thời gian
Cỗ máy thời gian là món bảo bối mà Doraemon và Nobita thường xuyên sử dụng. Được giấu bên trong ngăn kéo bàn học của Nobita, cỗ máy có thể giúp bạn trở về thời Tiền sử, tới Nhật Bản cổ đại, tua ngược vài thập kỷ về quá khứ hay tiến xa cả thế kỷ tới tương lai.
Doraemon, giống như nhiều tác phẩm giả tưởng khác, cho thấy việc tác động vào quá khứ sẽ khiến hiện tại thay đổi. Việc cử mèo máy Doraemon về thế kỷ XXI giúp đỡ Nobita cũng là cách hậu duệ của cậu bảo vệ hiện tại no ấm ở thế kỉ XXII. Điều này tương tự việc John Connor gửi Kyle Reese và con robot T-800 đã được chỉnh sửa về quá khứ để mình được ra đời và sống sót đến trưởng thành trong loạt phim Terminator.
2. Cánh cửa thần kỳ
Cánh cửa có thể đưa người dùng đến bất cứ đâu họ muốn chỉ trong chớp mắt là một trong những món bảo bối thường xuyên được sử dụng trong Doraemon.
Cánh cửa thần kỳ của Doraemon, cũng như cánh cổng không gian trong phim viễn tưởng, đều là các lỗ sâu (cầu Einstein-Rosen). Chúng được hiểu nôm na là con đường tắt nối thông từ một vùng không-thời gian này đến vùng không-thời gian khác. Nhờ lối đi này, nhân vật có thể ra vào bất cứ nơi nào, dù là những địa điểm được canh phòng nghiêm ngặt nhất, dễ dàng như chốn không người.
3. Khăn trùm thời gian
Gọn nhẹ, cơ động, dễ sử dụng, khăn trùm thời gian là món bảo bối có thể khiến thời gian tua ngược trở lại, làm cho món đồ trở lại như mới. Tuy nhiên, người dùng cần sử dụng chính xác mặt khăn có tác dụng tua ngược thời gian, bởi mặt còn lại có tác dụng tua nhanh thời gian. Nếu dùng nhầm, món đồ sẽ còn trở nên cũ kỹ, hỏng hóc nặng hơn nữa. Trong Doraemon, Nobita từng dùng khăn trùm thời gian để làm mới các món đồ cũ nhằm đem bán lấy tiền. Trong Doraemon: Nobita và những bạn khủng long, cậu cũng sử dụng khăn trùm thời gian để hồi sinh một quả trứng khủng long hóa thạch.
Và trong các bộ phim hiện đại thì nó là một dạng như kiểu sửa đổi các đồ vật nhằm tạo ra những tác động tích cực.
4. Túi bảo bối thần kỳ
Chiếc túi thần kỳ gắn trước bụng Doraemon và Dorami được kết nối với không gian bốn chiều, nơi cả hai cất giữ bảo bối. Món bảo bối bất kể lớn bé, đều được "bóp méo" để chui vừa miệng túi mỗi khi mèo máy lấy ra hay cất vào. Trong các tình huống nghìn cân treo sợi tóc, Doraemon không bao giờ lấy đúng món bảo bối mình cần từ trong túi ngay lần đầu tiên mà luôn nhầm hết thứ này đến thứ khác.
Trên màn ảnh, có rất nhiều vật chứa "ngoài bé trong to" khác từng được tạo ra, như cỗ máy du hành không-thời gian TARDIS trong series Doctor Who, túi xách của cô Mary Poppins trong bộ phim cùng tên hay chiếc túi rút của Hermione trong Harry Potter…
5. Bánh mì trí nhớ
Món bảo bối của Doraemon khiến câu thành ngữ "Dễ như ăn bánh" hoàn toàn có thể hiểu theo nghĩa đen. Áp một lát bánh mì trí nhớ lên vở ghi hay sách giáo khoa rồi ăn hết, toàn bộ thông tin trên đó sẽ được ghi nhớ vào đầu bạn. Tuy nhiên, sau khi bánh mì trí nhớ được bài tiết khỏi cơ thể, người dùng cũng quên hết kiến thức từng nạp vào đầu.
Ngoài bánh mì trí nhớ, trong Doraemon còn xuất hiện một món bảo bối khác, ăn được và cũng hữu dụng không kém là bánh mì phiên dịch. Tuy hình dạng không được bắt mắt như bánh mì trí nhớ, nhưng chỉ cần ăn vào, bánh mì phiên dịch sẽ giúp người dùng hiểu được mọi ngôn ngữ trên Trái Đất, giao tiếp với động vật và cả người ngoài hành tinh. Đây là phiên bản gọn nhẹ, no bụng và phát huy hiệu quả tương đương với phiên dịch viên, hay các thiết bị chuyển ngữ.