Nhắc đến điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc) là khán giả nghĩ ngay đến những tác phẩm thuộc thể loại xã hội đen như loạt Người Trong Giang Hồ, Bão Trắng, Vô Gian Đạo... Thế nhưng vài năm trở lại đây, dòng phim dần mất đi sức hút, hay có thể nói là thoái trào bởi lớp diễn viên gạo cội dần lớn tuổi. Sự xuất hiện của Cửu Long Thành Trại: Vây Thành như một cơn mưa giải khát cho những ai yêu thích thể loại này và chứng tỏ Cổ Thiên Lạc, Hồng Kim Bảo hay Quách Phú Thành vẫn đánh đấm rất "cháy".
Nhân vật chính của Cửu Long Thành Trại: Vây Thành là Trần Lạc Quân (Lâm Phong) - một thanh niên nhập cư lậu đến Hong Kong. Anh chàng đắc tội với lão Đại (Hồng Kim Bảo) và phải bỏ chạy tới Cửu Long Thành dưới quyền kiểm soát của Long Quyền Phong (Cổ Thiên Lạc). Long Quyền Phong quyết định cưu mang và thu nhận Trần Lạc Quân làm đàn em. Thế nhưng, sóng gió liền ập đến khi thân phận của anh dần được hé lộ.
Bối cảnh đặc sắc
Cửu Long Thành Trại là một trong những điểm huyền thoại và gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Hong Kong. Đây là nơi tập trung của tầng lớp nghèo khổ, dân nhập cư bất hợp pháp và tội phạm. Thành Trại có đến 300 ngôi nhà xếp chồng lên nhau trong một diện tích 26.000 mét vuông. Dân số lên đến hàng chục nghìn người khiến nơi đây còn đông đúc hơn cả New York (Mỹ).
Bên trong Thành Trại không hề có pháp luật, cảnh sát cũng chẳng quan tâm, điều tra nếu có người bỏ mạng. Người bình thường không dám đến gần còn ai bước chân vào thì xem như chỉ còn nửa cái mạng. Ê-kíp Cửu Long Thành Trại: Vây Thành đã tái hiện được khối kiến trúc đồ sộ như một ngọn núi nhưng u ám và đáng sợ ấy một cách sinh động và rõ nét nhất.
Bên trong Thành Trại, nhà cửa sát nhau đến mức ánh sáng không thể chui lọt. Nếu té từ trên cao xuống chắc chắn chẳng lọt qua nổi khe hẹp giữa hai tòa nhà. Trần Lạc Quân có thể ngủ trên mái nhà mà chẳng lo mưa nắng hay rơi xuống đất. Đường dây điện chằng chịt, những con phố nhỏ, hẹp, đầy người qua lại. Không khí ẩm thấp, dơ bẩn và ngột ngạt, lúc nào cũng âm u không khác gì địa ngục trần gian.
Ấy vậy mà người dân Thành Trại là tràn đầy nghĩa khí và lòng bao dung. Họ sẵn sàng chia đồ ăn, thức uống cho một kẻ xa lạ, vừa đến như Trần Lạc Quân. Khi kẻ thù truy đuổi, chẳng ai hé răng một lời về tung tích của anh chàng. Trong nơi tăm tối ấy, trẻ em vẫn vui cười, nhìn cánh diều bay trong gió mà lạc quan nghĩ về tương lai. Tất cả tạo nên một Thành Trại độc đáo, vừa đáng sợ nhưng cũng vừa đầy ắp tình người.
Hành động mãn nhãn
Nhờ bối cảnh độc đáo này mà Cửu Long Thành Trại: Vây Thành mang đến nhiều cảnh chiến đấu trong không gian hẹp vô cùng mãn nhãn. Đặc trưng của thể loại này là các pha ra đòn đều bị cản trở bởi môi trường xung quanh. Biên đạo võ thuật của phim thật sự đỉnh cao để từng đòn thế đều có sự kết hợp với các vật dụng, bức tường trong tầm mắt. Bối cảnh hành động cũng rất đa dạng như hành lang, mái nhà, quảng trường…
Các trận đánh thuộc mọi quy mô, trải dài từ đánh tay đôi cho đến hàng chục người hỗn chiến đều được chăm chút kỹ lưỡng. Mỗi nhân vật đều có phong cách riêng như Nhất Tín (Lưu Tuấn Khiêm) chuyên dùng dao, Địch Thu (Nhậm Hiền Tề) là võ thuật chánh tông hay Trần Lạc Quân chỉ là đánh đấm đường phố…
Mỗi pha tung chiêu đều có lực thực sự. Cách chuyển cảnh mượt mà mang đến cảm giác đây là các động tác liền mạch, tốc độ cao chứ không phải cắt ghép cẩu thả như nhiều phim khác. Dàn diễn viên như Cổ Thiên Lạc, Lâm Phong, Hồng Kim Bảo, Quách Phú Thành đều có cơ bản võ học nên càng khiến cho các cảnh hành động thêm mãn nhãn.
Tuy nhiên, do được chuyển thể từ truyện tranh nên Cửu Long Thành Trại: Vây Thành không thoát khỏi nhiều phân đoạn khá ảo ma. Như việc một nhân vật gãy chân, phải chống nạng nhưng vẫn có thể tả xung hữu đột hay một tấm bạt bị gió thổi có thể kéo người bay lên hàng chục tầng lầu.
Dàn sao hội tụ trong bộ phim đậm chất xã hội đen Hong Kong
Với Cửu Long Thành Trại: Vây Thành, người xem dễ dàng nhận ra cách xây dựng nhân vật đậm chất xã hội đen Hong Kong từ hàng chục năm trước. Long Quyền Phong là ông trùm quản lý Thành Trại nhưng bằng lòng bao dung chứ không phải sự sợ hãi. Với kẻ thù, anh có thể máu lạnh, ra tay tàn nhẫn nhưng với bà con là một bộ mặt khác hoàn toàn.
Mỗi ngày, Long Quyền Phong hành nghề cắt tóc, cạo râu. Thời gian rảnh rỗi thì lại đi xem người dân làm ăn ra sao, có gặp khó khăn gì hay ngồi nghe và phân xử mâu thuẫn của những ông bà lão. Lúc thì tay trùm lại ngồi trêu chọc đám trẻ con hay xem thời sự, bình phẩm cùng khách khứa. Đàn em của Long Quyền Phong là những người trọng nghĩa khí, đại ca đã ra lệnh thì dù có chết cũng nghe theo hay thà chết chứ không bỏ lại anh em mình.
Do đó mà những ai hay xem dòng phim này đều có thể dễ dàng đoán được những gì xảy ra tiếp theo hay thậm chí cả cái kết. Ai sẽ chết, ai có "kim bài miễn tử" cũng chẳng quá khó nhận biết. Bù lại, dàn diễn viên toàn gạo cội với những cái tên như Hồng Kim Bảo, Cổ Thiên Lạc, Lâm Phong, Nhậm Hiền Tề, Huỳnh Đức Bân không gặp khó khăn gì trong việc thể hiện xuất sắc nhân vật. Ngũ Doãn Long gây ấn tượng với vai tên đàn em khát máu và điên loạn. Quách Phú Thành xuất hiện rất ít nhưng để lại nhiều cảm xúc.
Chấm điểm: 4/5
Sau thời gian thoái trào ở cả mảng điện ảnh lẫn truyền hình, Cửu Long Thành Trại: Vây Thành như một minh chứng rằng Hong Kong vẫn là “ông vua” của dòng phim võ thuật - xã hội đen. Dàn diễn viên gạo cội như Hồng Kim Bảo, Cổ Thiên Lạc, Quách Phú Thành vẫn đủ sức “chiến đấu” thêm nhiều năm. Trong khi những cái tên trẻ như Lâm Phong, Lưu Tuấn Khiêm, Ngũ Doãn Long đã có thể tiếp nối thế hệ đàn anh. Cái họ cần chỉ là một kịch bản đủ tốt và biên đạo võ thuật xịn sò mà thôi. Sau Cửu Long Thành Trại: Vây Thành, hy vọng điện ảnh Hong Kong sẽ cho ra mắt thêm nhiều bộ phim thuộc thể loại này để trở lại thời hoàng kim năm nào.