Dân chơi không sợ con rơi: Tiến Luật tỏa sáng giải cứu phần kịch bản đơn điệu

Diễn xuất của Tiến Luật cùng dàn diễn viên phụ là điểm cộng giúp Dân Chơi Không Sợ Con Rơi mang đến nhiều cảm xúc dù kịch bản còn khá lủng củng.

Tiến Luật – Thu Trang luôn là cặp bài trùng tạo nên thành công cho nhiều dự án, đặc biệt là những tác phẩm hài có phần quá lố đặc trưng. Do đó mà trong lần đầu "xa vợ", Tiến Luật gặp ít nhiều nghi ngờ về chất lượng diễn xuất. Thế nhưng, anh đã có màn lột xác ấn tượng với vai người bố đơn thân trong Dân Chơi Không Sợ Con Rơi và mang đến nhiều cảm xúc thì vì chỉ rập khuôn phong cách hài nhảm quen thuộc.

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi: Tiến Luật tỏa sáng giải cứu phần kịch bản đơn điệu - Ảnh 1.

Trong phim, Tiến Luật vào vai Quân – một diễn viên đóng thế sợ độ cao và có sở thích tán gái. Một ngày nọ, Gia Linh (Vân Trang) – người yêu cũ của Quân xuất hiện – trao cho anh đứa con gái chung của hai người rồi bỏ trốn sang Campuchia. Quân vội vã đuổi theo nhưng mất dấu Gia Linh. Ở gần biên giới, anh được vợ chồng Tám Mảnh (Huỳnh Phương) giúp nuôi con. Thấm thoát 8 năm trôi qua, Quân và bé Thỏ (Bảo Thi) đã trở nên khắng khít. Nhưng loạt biến cố lại ập đến.

Sự tiến bộ của Tiến Luật

Tuy từng nhiều lần đóng phim điện ảnh nhưng Tiến Luật chưa có vai diễn nào đáng nhớ. Anh chủ yếu xuất hiện qua các vai phụ hài hước, nói nhiều trong hai phần Chị Mười Ba hay Vú Em Tập Sự (2017). Một số nhân vật mang tính phá cách của anh trong Song Song (2019) hay Nghề Siêu Dễ (2022) cũng không để lại nhiều dấu ấn. Thế nhưng Dân Chơi Không Sợ Con Rơi cho thấy sự tiến bộ rõ rệt của ông xã Thu Trang.

Ban đầu, Quân được xây dựng là một dân chơi thứ thiệt khi ăn nằm, tán tỉnh nhiều cô gái liên tục. Do đó khi có đứa con từ trên trời rơi xuống, hành động đầu tiên của anh chính là tìm cách trả lại cho mẹ ruột. Quân thậm chí còn nghĩ đến chuyện bỏ lại con cho nhà chùa nuôi dưỡng trước khi quyết định chăm sóc đứa bé sau khi nhớ lại bản thân mình cũng bị mẹ bỏ rơi khi bé.

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi: Tiến Luật tỏa sáng giải cứu phần kịch bản đơn điệu - Ảnh 2.
Dân Chơi Không Sợ Con Rơi: Tiến Luật tỏa sáng giải cứu phần kịch bản đơn điệu - Ảnh 3.

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi cho thấy sự tiến bộ rõ rệt của ông xã Thu Trang.

Dạ Nguyệt

Những chuyển biến tâm lý của một tay dân chơi nay thành bố đơn thân được xây dựng khá mượt mà. Về sau, Quân ngày càng ra dáng một người bố mẫu mực qua những hành động chăm sóc và chiều chuộng bé Thỏ. Đạo diễn Huỳnh Đông tạo ra nhiều tình tiết giúp Quân và bé Thỏ có sự gắn bó như cùng nhau xem phim, đùa giỡn, chăm sóc lúc bệnh tật. Lúc này, Tiến Luật và Bảo Thi tỏ ra ăn ý trong các phân đoạn hài hước khi Thỏ giúp bố đối mặt với nỗi sợ độ cao hay trêu chọc chú Phát (Khương Ngọc).

Nhờ đó mà khi bi kịch ập đến vào cuối phim, Quân lẫn bé Thỏ đều có những cảnh phim đắt giá để lấy nước mắt khán giả. Diễn xuất của Tiến Luật có sự tiết chế và đi sâu vào nội tâm hơn hẳn các vai diễn trước đây. Trong khi đó, Bảo Thi cũng thể hiện trọn vẹn nét nhí nhảnh của đứa trẻ 8 tuổi cùng nỗi bi thương khi không thể cùng sống với cả cha lẫn mẹ như bạn bè.

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi: Tiến Luật tỏa sáng giải cứu phần kịch bản đơn điệu - Ảnh 5.

Dàn diễn viên phụ trong phim cũng khá tròn vai. Thay vì hình tượng hài hước quen thuộc, Huỳnh Phương hóa thân thành ông bố 4 con chững chạc. Tám Mảnh là người giúp đỡ Quân trong những ngày đầu làm bố và yêu thương Bảo Thi như đứa con trong nhà. Màn xuất hiện ngắn ngủi của Ngô Kiến Huy với vai nhà làm phim "nhiệt huyết", Kiều Minh Tuấn hay cô giáo "bẽn lẽ" Lê Khánh đều mang lại hiệu quả.

Kịch bản chưa phát huy hết tiềm năng vốn có

Trên thực tế, diễn xuất của Tiến Luật cùng dàn diễn viên chính là cứu cánh cho phần kịch bản còn nhiều sạn của Dân Chơi Không Sợ Con Rơi. Hầu hết yếu tố hài hước trong phim đều đến từ việc Quân là một diễn viên đóng thế nhưng sợ độ cao. Thậm chí, nhiều tình huống còn tỏ ra khá khiên cưỡng và có phần lố lăng. Song, chi tiết này lại không mấy giúp ích cho tổng thể cốt truyện.

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi: Tiến Luật tỏa sáng giải cứu phần kịch bản đơn điệu - Ảnh 6.
Dân Chơi Không Sợ Con Rơi: Tiến Luật tỏa sáng giải cứu phần kịch bản đơn điệu - Ảnh 7.

Lẽ ra, Huỳnh Đông nên khai thác tiếng cười từ việc Quân phải một mình chăm sóc đứa trẻ sơ sinh. Hình ảnh ông bố đơn thân vụng về đối mặt với việc thay tã hay cho con bú không chỉ mang đến tiếng cười mà còn giúp nhân vật có thêm chiều sâu. Việc nhảy mốc thời gian khi Thỏ còn bé đến 8 năm sau quá nhanh khiến những gắn bó của Quân và con khi còn bé chưa thật sự tốt.

Ngoài ra, cái kết của Dân Chơi Không Sợ Con Rơi cũng trở nên bi kịch quá mức cần thiết. Phim đang triển khai rất tốt câu chuyện Quân phải nói dối con gái việc mẹ cô bé là siêu nhân phải đi trừ gian diệt bạo nên không bao giờ xuất hiện. Sau đó, Gia Linh sau 8 năm mất tích nay bỗng trở về cùng người bạn trai để đòi con đẩy mọi thứ lên cao trào. Thế nhưng, thay vì giải quyết mâu thuẫn trên, tác phẩm bỗng chuyển sang hướng khác một cách khó hiểu. Cuối cùng, kết phim có thể gây chưng hửng và không phát huy được cảm xúc vốn có.

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi: Tiến Luật tỏa sáng giải cứu phần kịch bản đơn điệu - Ảnh 8.

Cái kết của Dân Chơi Không Sợ Con Rơi trở nên bi kịch quá mức cần thiết.

Dạ Nguyệt

Chấm điểm: 3/5

Nhìn tựa phim cùng dàn diễn viên, nhiều người có thể lầm tưởng Dân Chơi Không Sợ Con Rơi là một bộ phim hài "nhảm". Nhưng bộ phim đã làm tốt hơn mong đợi khi không sa đà vào hài hước mà mang đến nhiều cảm xúc, ý nghĩa về gia đình. Nếu kịch bản hợp lý hơn, bộ phim đã có thể làm nên điều khác biệt.

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi: Tiến Luật tỏa sáng giải cứu phần kịch bản đơn điệu - Ảnh 10.

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

https://ahadep.com/dan-choi-khong-so-con-roi-tien-luat-toa-sang-giai-cuu-phan-kich-ban-don-dieu-20220801145025103.chn