Đánh giá Godzilla vs. Kong - Kỹ xảo hoành tráng, cháy nổ quy mô, nội dung thủng lỗ chỗ

Với những ai luôn mong chờ một trận chiến đỉnh cao giữa 2 quái vật nổi tiếng nhất lịch sử điện ảnh, họ sẽ phải cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên, nếu bạn không phải là một khán giả dễ dãi và luôn mong chờ những tác phẩm có chiều sâu, Godzilla vs Kong có lẽ không phải là bộ phim dành cho bạn.

Kỹ xảo đẹp mắt, hành động gay cấn và mãn nhãn

Lấy bối cảnh vài năm sau Godzilla: King of the Monster và 40 năm sau Kong: Skull Island, Godzilla vs Kong khai triển những tình tiết đã được hé lộ ở các đoạn after-credit trong những phần phim trước, đó là tuy Godzilla đã đánh bại King Ghidorah và trở thành chúa tể quái vật, thì Kong có vẻ không phục tùng. Nhiều sự kiện tiếp theo diễn ra khiến con người tìm đến Kong, khám phá vào sâu trong lòng đất để tìm nguồn năng lượng mới, và điều này khiến cho Godzilla từ chỗ là đồng minh trở thành kẻ địch của nhân loại.

So với thời điểm ở đảo Đầu Lâu, thì Kong lúc này đã to lớn hơn rất nhiều, không kém cạnh Godzilla về kích cỡ. ĐIều này khiến cho màn tỉ thí giữa hai quái vật trở nên ngang tài ngang sức hơn. Đối đầu với vũ khí hơi thở nguyên tử của Godzilla, Kong đã sử dụng sức mạnh cơ bắp, sự khéo léo và thông minh để chống lại.

Màn chiến đấu của hai quái vật cũng không đơn giản chỉ là “lấy thịt đè người”, mà có sự xuất hiện của những đòn đánh có ý đồ, thể hiện cả Kong và Godzilla đều đã có kinh nghiệm chiến đấu lâu năm, chả khác nào hai võ sỹ trong những bộ phim võ thuật.

Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ để Kong giành chiến thắng trước vị vua của quái vật. Godzilla chẳng những có vũ khí mạnh mẽ hơn, mà sức mạnh cơ bắp cũng không hề kém cạnh Kong. Trận chiến giữa hai quái vật mặc dù ác liệt, song lại kết thúc tương đối nhanh và kết quả phần nào khiến người xem chưng hửng, vì Kong chịu thua khá dễ dàng.

Dù sao, phần hình ảnh của phim không có gì để chê khi đã thể hiện rất tốt và mãn nhãn màn giao chiến của hai quái vật, thực sự mang tới bữa tiệc thị giác cho khán giả. Những pha đánh đấm, hiệu ứng ánh sáng và cháy nổ được thể hiện vô cùng chân thực và sống động, dù cho đó là cảnh ban đêm hay ban ngày. Đặc biệt khung cảnh khi Hong Kong bị tàn phá, những tòa nhà chọc trời bị phá hủy trong ánh đèn neon rực rỡ khiến khán giả vô cùng hào hứng. Không chỉ vậy, phong cảnh trong phim cũng được chăm chút, nếu như Hong Kong thu hút người xem với hệ thống ánh sáng kỳ ảo, thì "Trái Đất" rỗng lại khiến khán giả trầm trồ như những vùng đất thần tiên trong truyện cổ tích.

Nội dung “thủng lỗ chỗ”, con người bị “ngu” đi

Khó có thể yêu cầu một bộ phim chỉ toàn quái vật mà không hề có vai trò nào của con người. Bởi lẽ ngoài việc không ai có thể ngồi 2 tiếng mà chỉ xem toàn cảnh đánh đấm cấu xé, thì lâu nay những quái vật, hay các siêu nhân trên phim thực chất cũng là những phương tiện, thể hiện suy nghĩ và quan hệ của con người với những yếu tố như thiên nhiên, môi trường, thảm họa.

Và đây là điểm trừ rất lớn đối với Godzilla vs Kong. Chẳng những có vai trò mờ nhạt, các nhân vật người trong bộ phim còn khiến khán giả ức chế vì những hành động vô cùng khó hiểu, đôi khi “ngu” hơn cả Kong, thể hiện một sự lười biếng trong kịch bản. Những phản diện là người trong phim đều ra đi một cách lãng nhách, từ bị nổ máy bay (xông thẳng vào vị trí của King Kong vừa nã đạn vào quái vật để máy bay bị tóm rồi bóp nát), cho tới bị…điện giật, hoặc bị nổ tung do vũ khí mình tạo ra bị mất kiểm soát.

Con người quá mờ nhạt trong Godzilla vs Kong

ĐIều đáng nói là dàn phản diện này có tiềm năng rất rõ ràng. Đó là "ông trùm" Apex với ước mơ cùng cô con gái gốc Latin nóng bỏng - những kẻ mơ loại bỏ Godzilla để "đoạt quyền tạo hóa", thể hiện qua việc tạo ra MechaGodzilla, phiên bản máy của Godzilla. Đó là Ren Serizawa - con trai của vị tiến sĩ đã hi sinh để hồi sinh Godzilla, nhưng bản thân Ren lại chẳng hề tin tưởng và yêu quý các Titan.

Cái cách những nhân vật này bị loại bỏ rất ngẫu hứng, bất chợt và khó tin, người tốt được “ăn may” hơi nhiều.  Dường như nhà sản xuất muốn xử lý họ theo kiểu “chơi dao có ngày đứt tay”, nhưng lại quá ẩu và vụng về, khiến cho tình tiết trở nên khiên cưỡng, gượng ép, phi logic. Nhân vật người đã vậy, phản diện quái vật còn phải gánh chịu cảnh tồi tệ hơn. Ở cuối phim, khi Mecha Godzilla tỏ ra áp đảo cả Kong lẫn Godzilla, thì quái vật nhân tạo này tự nhiên trở nên yếu đi bằng việc…bị đổ rượu làm chập mạch điện tử(!). Chi tiết này dường như được tạo ra để cho nhóm nhân vật của Maddison có vai trò gì đó để làm, chỉ có điều là quá thiếu thuyết phục. Nó còn tệ hại hơn việc cứ để đó để cho các quái vật tự xử với nhau bằng sức mạnh, con người đừng có tham gia là được.

Nhân vật loài người duy nhất gây ấn tượng cho khán giả

Nhân vật con người duy nhất gây được hứng thú là cô bé Jia – cư dân cuối cùng của đảo Đầu Lâu, có thể giao tiếp được với Kong qua dáng vẻ điệu bộ, thể hiện được sự trắc ẩn và tính người của quái vật. Những nhân vật như tiến sĩ Ilene Andrews (Rebecca Hall), khoa học gia bất đắc chí Nathan Lind do nam thần Alexander Skarsgård thể hiện, đều không để lại ấn tượng nào.

Vấn đề chính ở đây là các tuyến nhân vật con người không đóng góp gì cho các tầng ý nghĩa của bộ phim, dù dễ hiểu hay sâu sắc. Những cao trào, những nút thắt, những bất ngờ mà họ tạo ra, đều trở nên nhạt nhẽo và không thuyết phục, đến mức mà giá như nhà làm phim cứ trung thành với tên phim, gạt hết con người sang một bên và để cho hai quái vật đấm nhau, có lẽ còn tốt hơn.

Godzilla vs Kong là một tác phẩm giải trí đúng nghĩa, nơi mà khán giả có thể thưởng thức những khoảnh khắc kỹ xảo và hành động hoành tráng, quy mô và vô cùng sướng mắt, chẳng kém gì các bộ phim siêu anh hùng. Phong cách hành động cháy nổ “tung trời” của phim có lẽ phần nào bù đắp được sự hời hợt, cẩu thả trong việc xây dựng nội dung. Có lẽ, phim sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều nếu khán giả ra rạp với tinh thần “cất não” ở nhà, chỉ chú ý và tận hưởng bữa tiệc kỹ xảo đầy màu sắc mà thôi.