Năm 2020 có thể nói là một năm thiếu hụt những cú nổ phòng vé từ phim ngoại đến thị trường phim Việt. Tuy nhiên, đây cũng là một năm chứng kiến nhiều màn chào sân lạ mắt của các phim điện ảnh đầu tay, mỗi tác phẩm mạnh một vẻ, đa dạng từ xuất thân đạo diễn, thể loại phim, đến mức độ thể nghiệm nghệ thuật. Nếu Ròm khắc hoạ nhịp thở đường phố đầy mạnh bạo và được chờ đón như một hiện tượng xã hội, thì Sài Gòn Trong Cơn Mưa lại mang màu hồi tưởng vào chuyện tình âm nhạc, rồi ta lại có Trái Tim Quái Vật mời chào công chúng câu chuyện án mạng giật gân và bây giờ lại có Chồng Người Ta lật giở những bí mật giới tính thầm kín, bi kịch gia đình liên quan đến tiểu tam và giới LGBT.
Công bằng mà nhận xét, Chồng Người Ta không có gương mặt bán vé, phim cũng không xuất sắc và còn nhiều sạn đáng tiếc như phần đông các phim kinh phí thấp và tác phẩm đầu tay, nhưng đúng với tất cả những gì bộ phim chạy truyền thông trước khi ra mắt, phim đáp ứng đủ lời hứa hẹn các tình tiết drama về người thứ ba và cảnh nóng xốn mắt có liên quan đến giới LGBT. Phim không xuất sắc, thế nhưng có nhiều thứ tôi khá tò mò về “ông” đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến, người khi bắt đầu hành trình 21 năm làm nghệ thuật từ diễn viên, đạo diễn gameshow, công tác giảng dạy và cùng lúc kiêm luôn cả “chân" gà trống nuôi con suốt ngần đó năm. Ở tuổi 47 mới ra mắt phim đầu tay, nên giờ này “ổng" vẫn được gọi là đạo-diễn-trẻ, có cô con gái cực xinh và một người đồng hành đặc biệt là nam giới cũng được 10 năm. Có đầy đủ vậy rồi mà vẫn bon chen đường đua điện ảnh, tôi muốn gặp để hỏi rất nhiều câu “tại sao?”.
Tiệc Trăng Máu là “đại gia”, Chồng Người Ta là “xóm nhà lá”, nhà lá đối đầu với đại gia làm gì?
Vừa qua Tiệc Trăng Máu có đăng post kêu gọi khán giả ủng hộ các phim ra rạp mùa này nhưng quên mất Chồng Người Ta. Là cha đẻ anh có cảm thấy xót “con” mình không?
Với tôi Tiệc Trăng Máu là phim lớn, là “đại gia”. Còn tôi thì gọi là “xóm nhà lá”. Và “xóm nhà lá” thì chẳng đi đối đầu với “đại gia” làm gì. Câu chuyện là thế này. Lịch cũ của Chồng Người Ta là 21/8, của Tiệc Trăng Máu là 28/8. Bạn đưa ra lịch thì phải định trước cỡ 3-4 tháng để người ta kịp set up. Lúc Chồng Người Ta còn đúng 3 tuần nữa ra rạp, tôi nhận được tin Tiệc Trăng Máu có thêm các ngày chiếu sớm 21, 22, 23/8. Họ được quyền làm vậy, vì Covid, ai cũng muốn tồn tại, sẽ có tranh đua ở đó. Khi họ bảo phía tôi được quyền rút, lúc đấy nếu tôi rút, thiệt hại sẽ lên đến tiền tỷ, nên tôi mới “theo”, không dời lịch, kể cả họ có chiếu sớm hay Ròm và hàng loạt phim rút. Đến khi dịch bùng đợt 2, tôi mới thôi. Biết là lúc ấy tôi đua theo một con voi, con cọp, nhưng vẫn làm, vì màu tôi không đụng họ nên chẳng việc gì phải sợ, nếu tôi mà dời nữa sẽ đụng phim khác, không có Covid thì còn đụng bom tấn lớn. Thương trường là chiến trường, sự vụ tiếp theo ra sao thì bạn đã rõ. Phim họ thắng thế thì nhắc tên mình vô làm gì. Họ đâu ăn tiền quảng cáo của mình, chuyện hoàn toàn bình thường. Tôi mà không thích ai, tôi cũng không nhắc đến. Vậy thôi, họ không có lỗi.
Chồng Người Ta là phim kinh phí thấp, anh có lo lắng về đầu ra của sản phẩm nhà mình vì trước đó, hai phim kinh phí thấp là Thang Máy và Sài Gòn Trong Cơn Mưa chưa gây ấn tượng phòng vé?
Cứ cho phim tôi là “đồ chợ”, nhưng tôi chắc chắn với bạn câu chuyện người thứ ba ở Chồng Người Ta là điều có thể bắt gặp ngay trong xóm, thậm chí ngay kế nhà bạn. Còn hai câu chuyện kia hiếm có người trải qua. Tại sao người ta vẫn túa vào xem đánh ghen, dù đó chỉ toàn giật áo, xé quần, chửi nhau? Nó quá gần gũi mà. Tôi tin đó là điểm mạnh của phim mình.
Vậy mức độ tự tin của anh khi đứng trước Trái Tim Quái Vật - một dự án toàn sao, lại còn ra mắt sớm hơn cả tuần và công chiếu cùng ngày - thì thế nào?
Sau khi xem qua Trái Tim Quái Vật thì tôi không lo gì hết, trái ngược với trước khi xem. Vì hai mảng đề tài, phong cách đạo diễn cực kì khác nhau, câu chuyện cũng khác, câu chuyện của tôi là đời-thường-nhất. Mọi người luôn luôn tò mò người thứ ba là ai, và tại sao người đó lại như thế.
Dường như sự hiếu kỳ dành cho người thứ ba đang được các sản phẩm giải trí đẩy lên cao quá mức?
Tôi thấy bình thường mà. Vì hạnh phúc mong manh lắm. Với các cặp vợ chồng đi cùng nhau suốt, họ hạnh phúc bao lâu, ở khoảnh khắc nào thì chỉ có họ biết, người ngoài không thấy, vì khi hạnh phúc họ ít chia sẻ. Chỉ khi bất hạnh thì họ mới giãi bày thôi. Cho nên, không phải người ta thích xem ai đó bất hạnh mà vì người ta muốn chia sẻ nỗi bất hạnh của mình cho người khác, để tìm kiếm sự đồng cảm. Hạnh phúc là chuyện để riêng, còn niềm đau mới là thứ con người hay muốn chia sẻ. Mà tôi dám chắc cuộc sống thì tồn tại bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc. Bạn may mắn nhặt được của rơi thì có bao giờ la lên không, hay sợ người này người kia biết và lấy đi của mình? Đó là bản chất con người, tôi nắm bắt đúng điều đó.
OK, người thứ ba thì hot, nhưng chọn kiếm tiền bằng đề tài LGBT là anh tự chọn cho mình game khó rồi? Phim có nhân vật chính thuộc LGBT thì khó đạt doanh thu cao lắm.
Nhà phát hành cũng đã cảnh báo chủ đề LGBT từ trước đến giờ chỉ có phim của Vũ Ngọc Đãng là đạt doanh thu cao. Họ cũng thắc mắc sao Hữu Tiến chọn đề tài khó bán. Thú thật, không phải ai cũng thích coi cái này. Nhưng tôi tin góc nhìn người thứ ba này đủ lạ để rao bán. Tôi là “dân chợ”, bán khoai giá rẻ ai cũng mua được, ai cũng ăn được, vậy thôi.
Phim Việt từng có không ít nhân vật LGBT gây tranh cãi. Anh có lường được nhân vật của phim mình bị khán giả soi xét khắt khe không?
Không đâu. Trong phim mọi người sẽ thấy yếu tố ấy ở đúng một phân đoạn. Còn dưới góc nhìn của tôi, LGBT cũng chỉ là người bình thường. Họ vẫn làm việc, làm được tất cả mọi thứ. Chỉ là họ thích ngủ với người cùng phái thôi. Đàn ông vác được 50kg gạo thì một bạn gay cũng vậy. Sức khoẻ ngang nhau, tư duy ngang nhau, nhưng điều quan trọng là dù “thẳng” hay không, khi bạn gây tội thì bạn có cư xử như một thằng đàn ông đúng nghĩa hay không. “Đàn ông” ở đây là thông qua cách cư xử, không phải xét ở giới tính. Đó là điều tôi muốn kể.
Phim truyền thông đầy cảnh nóng từ poster đến các trích đoạn. Dự án này trải qua kiểm duyệt thế nào, có đoạn nào bị cắt không?
Chồng Người Ta không bị cắt một giây nào hết, tôi cực kì mừng. Nhà phát hành từng cảnh báo tôi rồi coi chừng bị cắt, tôi trả lời “cắt thì… chết chứ biết sao giờ (cười), bao nhiêu tinh tuý tôi đã gói gọn trong đó hết rồi”. Dù không có cảnh nóng, chỉ cần có yếu tố LGBT thì được xem là “đề tài nóng” và dán nhãn 18+, phim tôi dán nhãn C18.
Có thể nhận định đây là một phim kinh phí thấp nên anh muốn xào nấu bằng drama giật gân để kiếm được doanh thu tương xứng?
Đó cũng là một cách nghĩ đúng. Tiền khó kiếm lắm, tiền là máu là mạng sống. Nghĩ như vậy nên giờ tôi mới vẫn còn được làm nghề. Tôi phải giải quyết bài toán doanh thu chứ.
Kì vọng doanh thu của anh đối với đứa con đầu tay này ra sao?
Ở mức chất lượng của Chồng Người Ta, tôi mong có thể từ huề đến lời chút xíu, càng không mong nó được chú ý kiểu ồn ào, tôi không có tham vọng đó.
Tôi từng nghĩ nếu chưa thương thì cưới - ở chung - có con rồi sẽ thương, nhưng làm vậy chẳng khác nào lừa dối người ta
Anh từng chia sẻ Chồng Người Ta kể về chuyện đời anh phải không, bao nhiêu phần trong phim là từ sự thật đời anh đó?
Toàn bộ phần “con” trong tôi đều được bỏ vào phim. Đặc biệt là thông điệp: khi gây ra một vấn đề trong quá khứ hay hiện tại thì bạn phải giải quyết rốt ráo, nếu không, nó sẽ ám ảnh bạn cả đời. Bạn sẽ giải quyết để cảm thấy nhẹ nhõm phần nào hay cứ mang điều day dứt đó suốt đời này? Cái phần day dứt đó, tôi mang vào nhân vật của Thanh Trúc và muốn bạn tự ngẫm liệu mình có đang sống hạnh phúc thật sự với điều mà mình đã gây ra cho người kia.
“Người kia", nhân vật Hà của Thanh Trúc có giống vợ cũ của anh? Nãy giờ vẫn chưa nghe anh nhắc gì về cuộc hôn nhân của mình.
Đúng là vậy. Cuộc hôn nhân 10 năm ấy đến từ việc tôi muốn thoát khỏi hoàn cảnh gia đình vay mượn, đầy mục đích, đã làm tổn thương “người kia".
Thật lòng tôi không muốn nhắc đến lắm nhưng nó là vầy. Mẹ tôi là vợ bé, sinh ra tôi lúc bà còn là nữ sinh Gia Long 17 tuổi. Cha không bao giờ nhận mặt, mẹ sau đó có mái ấm riêng, từ nhỏ, tôi đã chịu phận “con rơi” và luôn cảm thấy mình sống một “cuộc đời vay mượn”. Thỉnh thoảng ở với mẹ, tôi phải “vay mượn” một người ba (cha kế), còn khi về bên ba tôi cũng phải “vay mượn” một người mẹ (mẹ kế). Phần lớn tôi ở với vú nuôi, chẳng liên quan nhiều cha mẹ ruột. Họ dẫu cùng huyết thống đấy nhưng khó tìm thấy sự đồng cảm, trong đầu tôi ngày đó hay nghĩ nếu mình là bà mẹ kế, mình cũng khó chấp nhận nổi thằng Tiến ấy.
Những ngày tối tăm đó, tôi chỉ chờ đến lúc có thể tự giải quyết cuộc đời mình và thoát khổ. Rồi tôi gặp má bé Tiên, quen ở đây là nhìn ngắm gia thế, biết má nó là con út nhà giàu, nên tôi mặc định phải theo đuổi bằng được cô này. Mình đến với người ta đầy mục đích, không phải để làm giàu đâu, mà vì muốn thoát khỏi cuộc sống ngục tù lúc bấy giờ. Dùng cái tâm đầy mục đích đến bên cô ấy thay vì bằng cảm xúc giữa người với người, tôi đã làm lỗi với người ta. Tôi cứ nghĩ chưa thương thì cứ cưới, ở chung, có con rồi sẽ thương. Người xưa hay quan niệm vậy. Nhưng mình không hiểu mỗi người đều có cảm nhận riêng của họ, mình làm vậy thì chẳng khác nào lừa dối người ta. Đến giờ tôi vẫn chăm lo cho tụi nhỏ mà không một lời oán than, vì lỗi hoàn toàn là do mình ngay từ đầu. “Người kia" ở Chồng Người Ta đúng là được xây dựng từ người phụ nữ đã tổn thương vì tôi.
Vậy là cuộc hôn nhân 10 năm của anh có dấu hiệu rạn nứt từ khi nào?
Khi Tiên vừa ra đời là hôn nhân tôi gặp chuyện, nhưng lúc đó tôi vẫn cố gắng neo lại. Lúc sắp có bé Tiên là tôi đã nhận ra sự rạn nứt nhưng không muốn ly dị vì lo cho bé Tiên, nhưng rồi cũng không cứu vãn được. Lúc Tiên vừa ra đời là mối quan hệ vợ chồng không cứu nổi nữa, còn về mặt giấy tờ, từ khi có bé Tiên thì mọi thứ đã “xong xuôi”. Tôi bắt đầu làm gà trống nuôi con, đến nay được 21 năm rồi.
Thế nếu “người kia" là bà xã anh, thì vai cô vợ đảm tên Trúc của Yaya Trương Nhi hình như chính là anh nhỉ. Lựa chọn trong phim của nhân vật này có bao giờ là ước muốn đời thật của anh không?
Đó là một ước muốn ngầm. Không phải kiểu “thay hồn thoát xác” nhưng bạn phải sống khác, sống trọn với điều mình yêu. Cũng như vì sao đến giờ phút này tôi vẫn vươn lên làm đạo diễn trẻ. Cái “thoát xác” nằm ở đây, cái nghề này nó đã theo tôi bao nhiêu lâu, giúp tôi nuôi con, nghề có lúc khổ cực thật nhưng cũng là thứ giúp tôi vượt qua tất cả khó khăn, vướng mắc.
Thấy con gái của anh cũng tham gia đóng một vai nhỏ trong Chồng Người Ta. Anh đang muốn mở đường cho con gái nối nghiệp mình?
Không đâu. Chuyện là vầy. Hồi con còn nhỏ, ở những gia đình khác, mỗi khi đến hè, họ hay dắt con cái đi chơi. Còn với mấy cha con tôi, đặc biệt là bé Tiên, đi chơi hè chính là đi đóng phim (cười). Thật ra Tiên đi đóng phim từ nhỏ rồi, đóng cả phim truyện cổ tích, kịch truyền hình, có cả làm mẫu từ bé nữa. Tuy nhiên, những hoạt động đó cho đến giờ chỉ để gặp bạn bè, biết thêm người này người nọ, Tiên không muốn đi theo đường giống tôi mà tập trung mở rộng kinh doanh. Một phần khác còn do Tiên không có sức khỏe để theo đường dài, bởi cường độ làm việc của đoàn phim rất cao.
Nguyễn Hữu Tiến và con gái
Ở tuổi 47 mới làm đạo diễn, ra mắt phim đầu tay, anh có thấy thế này hơi muộn không?
Muộn so với các bạn cùng lứa thật, nhưng có còn hơn không. Thời điểm này các con đã lớn, chúng có thể tự vun vén cuộc sống riêng, đây cũng là lúc tôi muốn thỏa mãn với đam mê nghề nghiệp của mình. Mọi người còn chọc tôi là “đạo diễn trẻ” nha. (cười) Tôi xem đây là bước chuyển mới để khám phá bản thân xem còn gì khai thác được nữa không, còn gì cho khán giả xem không.
Lỡ như tôi làm nghề thêm được 2-3 năm rồi không còn sống nữa thì sao? Quan trọng là ở mỗi khoảnh khắc cuộc đời, tôi được làm điều mình thích, dù nó cực kì ngắn ngủi. Trải qua một đoạn nhân sinh, một quá trình làm nghề, tôi nghĩ cái quan trọng là mình thật sự hạnh phúc trong bao lâu: một ngày, 3 tiếng, 3 ngày hay một tháng. Tôi quý trọng từng khoảnh khắc đó với nghề nên đã quyết định: LÀM!
Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện thú vị và hết sức ý nghĩa! Chúc cho Chồng Người Ta sẽ gặt hái được nhiều thành công ngoài rạp nhé!
Chồng Người Ta đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.