Nhắc tới Tam Quốc, người đời không thể không nghĩ ngay đến những cuộc chinh chiến, tranh hùng xưng bá triền miên của các võ tướng từ khắp nơi trên đất nước Trung Hoa xưa. Khi đó, mãnh tướng tài năng vượt trội không khác gì nấm mọc sau mưa, dựng nên những trận chiến kinh điển trong thế giới cổ đại, khiến cho người đời sau không khỏi thán phục.
Trong 3 thế lực lớn mạnh nhất lúc bấy giờ, tập đoàn Tào Ngụy có thực lực lớn mạnh nhất, dưới trướng cũng là các mãnh tướng đến từ khắp các nơi, nhiều không đếm xuể, chiếm giữ hơn nửa giang sơn, cũng là niềm tự vào lớn nhất của Tào Tháo.
Tất nhiên, các vị anh hùng trong thiên hạ cũng có người cao, kẻ thấp. Và trong đội quân Tào Tháo cũng vậy, vậy ai mới là vị tướng tài giỏi, oai hùng nhất của nhà Tào Ngụy?
Nhắc tới tướng lĩnh của nhà Tào Ngụy, có thể kể đến không ít danh tướng như: Hứa Chử, Điển Vi, Bàng Đức, Trương Liêu... với bản lĩnh một người đấu trăm người. Thế nhưng, nếu căn cứ vào ghi chép sử liệu và xem lại chiến dịch kinh điển của các danh tướng, người đời sau sẽ phát hiện ra có một vị tướng còn lợi hại hơn hết thảy những vị kể trên, đó chính là Hạ Hầu Đôn. Có thể nói, đứng trước mặt ông, các vị tướng khác chỉ có thể là hậu bối.
Hứa Chử và Điển Vi đều là thuộc hạ trung thành nhất của Tào Tháo, nhưng Hạ Hầu Đôn thậm chí còn thân cận hơn. Ông được xếp vào hàng nguyên lão trong đội quân Tào Tháo, là phụ tá đắc lực kề vai sát cánh từ những ngày đầu Tào Tháo phấn đấu gây dựng sự nghiệp, được Tào Tháo tin yêu. Có thể nói, Tào Tháo có được thế lực như vậy, phần lớn nhờ vào Hạ Hầu Đôn.
Hình ảnh nhân vật Hạ Hầu Đôn trên phim.
Địa vị và năng lực của Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn là công thần khai quốc nhà Tào Ngụy, là một cánh tay đắc lực của Tào Tháo từ những ngày đầu khởi nghĩa.
Ông là anh họ của Hạ Hầu Uyên và cũng là một trong những tướng trung thành với Tào Tháo, góp công trong những trận đánh với Lưu Bị, Tôn Quyền, Lã Bố.
Không những trung thành, Hạ Hầu Đôn còn vô cùng dũng mãnh, giỏi giang và được đánh giá là đại tướng hàng đầu trong đội quân Tào Ngụy, xét về địa vị lại càng đứng hàng đầu trong tất cả các võ tướng.
Không chỉ có địa vị cao, nhiều võ tướng vang danh thiên hạ bấy giờ cũng từng là thuộc hạ, phục vụ dưới quyền của Hạ Hầu Đôn. Khi xưa, Tào Tháo có thể thu nạp được Điển Vi, cũng chính nhờ vào công lao của Hạ Hầu Đôn.
Hôm đó, Hạ Hầu Đôn đang săn bắt đã nhìn thấy một cảnh tượng đáng kinh ngạc, một tráng sĩ đuổi theo con hổ to lớn, khiến nó phải chạy thục mạng. Nếu đây là một loài động vật khác thì không có gì phải bàn thêm, nhưng con vật mà tráng sĩ đuổi theo lại là một con mãnh thú có thể đoạt mạng người một cách dễ dàng, cho dù là Hạ Hầu Đôn cũng không dám chắc có thể làm được việc này.
Hạ Hầu Đôn kính trọng khâm phục vị tráng sĩ này nên đã hết lòng khuyên nhủ tráng sĩ gia nhập đoàn quân. Sau này vị tráng sĩ có tên Điển Vi đã trở thành người lập nhiều công lao hiển hách cho Tào Ngụy.
Sau đó, Điển Vi nằm trong hàng ngũ quân Tào đã đánh nhau với Hứa Chử, hai người giao chiến tạo nên một trận kinh thiên động địa, bất phân thắng bại. Tào Tháo thấy vậy, lập tức thu nạp về dưới trướng, sợ sẽ đánh mất nhân tài. Hứa Chử và Điển Vi ban đầu đều là thuộc hạ của Hạ Hầu Đôn.
Đương nhiên, chức quan cao thấp không phải là tiêu chuẩn phán đoán thực lực yếu mạnh, cũng không thể chứng minh Hạ Hầu Đôn giỏi hơn hai người kia. Nhưng từ những trận chiến giữa họ với Quan Vũ, chúng ta có thể nhìn nhận được khả năng của từng người ra sao.
Hạ Hầu Đôn từng 3 lần giao chiến bất phân thắng bại với Quan Vũ. Ảnh nhân vật trên phim.
Về phần Hứa Chử, mặc dù từng đánh trận với Quan Vũ, nhưng lúc đó có Từ Hoảng cùng vây đánh, ấy vậy vẫn bị Vũ Thánh đánh cho tơi bời.
Bàn về Hạ Hầu Đôn, ông từng giao đấu với Quan Vũ ba lần, đều không phân thắng bại. Nhưng cho dù Hạ Hầu Đôn không đánh thắng được Quan Vũ, cũng hoàn toàn không để thua. Bấy giờ, Hạ Hầu Đôn bị bắn hỏng một bên mắt do bị tập kích, nhưng vẫn không hề nao núng trước Quan Vũ. Chỉ vậy thôi cũng có thể nhận ra Hạ Hầu Đôn mạnh hơn Hứa Chử.
Bàng Đức cũng là một vị tướng từng chiến đấu và không hề để thua Quan Vũ, nhưng tình hình khi đó khác hẳn với Hạ Hầu Đôn. Bởi trong trận chiến với Bàng Đức, Quan Vũ tuổi đã cao, cho dù ông từng mạnh mẽ ra sao cũng không thể thay đổi được sự thật về tuổi tác và thể chất đã suy yếu.
Nhìn xuyên suốt ba trận giao đấu giữa Hạ Hầu Đôn và Quan Vũ, Quan Vũ đều ở trong độ tuổi tráng kiện, là giai đoạn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp, tả xung hữu đột khắp các chiến trường.
Như vậy thật dễ hiểu, Bàng Đức ngang tài ngang sức với Quan Vũ khi ông tuổi đã cao và thể lực đi xuống, trong khi đó Hạ Hầu Đôn có thể sánh vai với Quan Vũ khi đang trong thời kỳ đỉnh cao. Vì lẽ đó, có thể kết luận Hạ Hầu Đôn mạnh hơn Bàng Đức.
Về phần Trương Liêu, khả năng của ông không nằm ở phương diện xuất quân đánh trận, mà thể hiện ở năng lực chỉ huy. Tất nhiên so với Hạ Hầu Đôn, ông không phải là đối thủ.
Tranh vẽ nhân vật Hạ Hầu Đôn
Năng lực bất phàm nhưng lại ít khi thắng trận khi xuất chinh
Hạ Hầu Đôn là một người tính tình chính trực nhưng nóng nảy, tử tế, trung thành với bạn bè và gia đình nhưng không khoan nhượng đối với kẻ thù. Ông được coi là hữu tướng quân của Tào Thào, được phép đi chung xe ngựa là một vinh dự mà ngay cả cận vệ của Tào Tháo là Điển Vi và Hứa Chử cũng không có.
Tuy vậy, trên chiến trường sự nóng nảy của ông thường khiến ông phải nếm mùi thất bại. Tuy có sức mạnh hơn người nhưng Hạ Hầu Đôn rất ít khi thắng trận, nguyên nhân chủ yếu là do ông nôn nóng mà rơi vào bẫy của đối thủ.
Lần thất bại không thể không nhắc đến trong cuộc đời Hạ Hầu Đôn, ấy là lần ông bị đánh cho mất một mắt.
Năm 198, Tào Tháo phái Hạ Hầu Đôn đem binh tấn công Cao Thuận, trong trận này, ông đã bị đánh bại, còn bị đánh cho mù một mắt, trở thành "độc nhãn long".
Tiếp sau đó, sau biến cố tạo phản của Lưu Bị năm 199, Tào Tháo một lần nữa để Hạ Hầu Đôn ra trận, kết quả bị Lưu Bị đánh cho tháo chạy tan tác, suýt chút nữa bị bắt làm tù binh.
Từ đó về sau, Tào Tháo không còn để Hạ Hầu Đôn một mình dẫn binh nữa.
*Theo quan điểm của Sohu