Doanh thu trăm tỷ chỉ là bề nổi
Không chỉ có Cậu Vàng phải rút khỏi phòng chiếu mà mới đây, Võ Sinh đại chiến cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Không bị tẩy chay nhưng với nội dung thiếu sức hút, Võ sinh đại chiến chỉ mang về 1,3 tỷ đồng sau 6 ngày công chiếu, trong khi đó vốn làm phim lên tới 24 tỷ đồng. Thế nhưng nhà sản xuất Thái Bá Dũng lại cho rằng phim có doanh thu thấp là do nhà phát hành Galaxy chèn ép, cố tình xếp vào các giờ chiếu ít người xem, lại thêm “phía đơn vị phát hành, trong cùng thời điểm, cũng có phim họ tự bỏ tiền đầu tư sản xuất, nên Võ sinh đại chiến mới thảm hại như vậy. Quyết định “đau thương” này đã khiến đạo diễn Bá Cường sang chấn tâm lý vì công sức 5 năm giờ đã đổ sông đổ bể.
Võ sinh đại chiến thất bại dù được đánh giá tốt
Cùng chung số phận, Người cần quên phải nhớ của đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn cũng thất bại thảm hại khi thu được 1,9 tỷ đồng. Thời điểm công chiếu mà doanh thu như vậy thì bao giờ mới vớt vát được 24 tỷ đồng chi phí sản xuất đây? Tương tự, phim Cậu Vàng - 2,6 tỷ đồng sau 5 ngày ra rạp (vốn 1 triệu USD), phim Em là của em - 7,6 tỷ đồng (vốn 17 tỷ đồng). Sài Gòn trong cơn mưa - 2,9 tỷ đồng, Hoa Phong Nguyệt Vũ - 757 triệu đồng, Thang máy - 1,5 tỷ đồng, Bí mật của gió - 1,9 tỷ đồng, Chồng người ta - 4,7 tỷ đồng, Trái tim quái vật - 12,6 tỷ đồng, Bằng chứng vô hình - 7,6 tỉ đồng.
Nhìn qua cũng thấy phim Việt năm qua mất mùa, thất bát như thế nào. Mặc dù nhà sản xuất đã chăm bẵm và bỏ nhiều dụng tâm nhưng doanh thu lại không thấm vào đâu so với vốn bỏ ra, thậm chí là trắng tay.
Chỉ truyền thông tốt thôi là chưa đủ
Đại dịch Covid càn quét cũng ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu phim Việt. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định: “Làm được một phim xem được không phải dễ, và để phim xem được đó có doanh thu tốt là cũng khó. Sau dịch Covid-19, lượng khán giả đến rạp ít hơn nhiều so với trước đây, họ suy nghĩ và quyết định chọn phim xem cũng khác. Lúc trước khán giả có thể chọn phim này xem trước, phim kia xem sau; nhưng bây giờ họ chỉ chọn một phim mà họ nghĩ nên xem, kiểu ra rạp đi chơi ngẫu nhiên có phim gì thì xem gần như hiếm và không còn nữa”.
Ngay chính khán giả cũng thừa nhận rằng: “Sau dịch, ai cũng khó khăn nên hầu hết khán giả có tâm lý rằng thời gian rảnh không nhiều, tiền bạc lại chẳng mấy dư dả thì không nên phí phạm vào một bộ phim bị mọi người cho là không hay và không phải là bom tấn Việt, chẳng hạn như trường hợp phim Cậu Vàng mới đây”.
Quả thực, từ khi dịch bùng phát, những phim thành công chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Trong đó phải kể đến Tiệc trăng máu với 175 tỷ đồng; Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (vẫn đang trụ rạp) thu được 77,8 tỷ đồng; hay khả dĩ có lãi chút đỉnh là Ròm với 58,1 tỷ đồng. So với năm trước thì “câu lạc bộ phim trăm tỷ” đang trở nên suy yếu tột cùng.
Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử nằm trong số hiếm hoi phim thành công hiện nay
Thế mới thấy, khi kinh tế khó khăn thì cách người ta thưởng thức phim cũng khác, khán giả không còn đi xem cho vui nữa mà cần những bộ phim thực sự chất lượng và có thể chạm tới trái tim họ. Đặc biệt, họ nhìn vào nội dung bộ phim chứ không còn lao theo sức hút dư luận hay trào lưu nữa. Trong buổi tọa đàm do Xinê House tổ chức, đạo diễn Charlie Nguyễn thẳng thắn: “Khi một bộ phim thất bại, người ta đổ lỗi cho marketing, rạp, diễn viên, nhà phát hành… Tôi nghĩ bộ phim Người cần quên phải nhớ thất bại vì không đáp ứng được nhu cầu của khán giả và chưa kể được câu chuyện chạm đến trái tim khán giả, nhân vật không khiến người xem yêu thích, đồng cảm”.
Nói về việc ngã ngựa trước Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử, đạo diễn Charlie Nguyễn của Người cần quên phải nhớ thừa nhận: “Muốn thành công ở phòng vé, chúng ta phải làm một bộ phim mà khán giả muốn xem. Khi mình thất bại, phim khác thành công, được xếp nhiều suất thì nên vui cho họ bởi họ xứng đáng vì họ cũng đã trải qua bao nhiêu lần thất bại thì mới được như vậy. Phim nào tốt, được khán giả đón nhận sẽ giúp kích cầu cho thị trường điện ảnh. Còn với bộ phim không thành công, cứ cố gắng kêu gọi khán giả đến ủng hộ sẽ mang lại cảm xúc tiêu cực. Đây là cuộc chơi, mình đã vào cuộc chơi thì phải gánh chịu tất cả. Đã làm phim, nhà sản xuất phải chuẩn bị tâm lý, tinh thần thép”.
Trong đại dịch, phim Việt đã nhận ra rằng, muốn được khán giả ủng hộ, phải làm phim dựa trên thị hiếu chứ không phải dựa trên ý thích của nhà sản xuất. Muốn đứng vững trên đôi chân của mình, phim Việt nên đầu tư vào chất lượng thay vì lôi kéo truyền thông vào cuộc.