Dù là quái vật có sức mạnh hủy diệt, nhân vật Godzilla luôn ẩn chứa những câu chuyện giàu tính nghệ thuật, nhân văn sâu sắc có giá trị ý nghĩa dành cho nhân loại và sự sống. Lần đầu "trình làng" vào năm 1954 trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Ishiro Honda, trong suốt 65 năm qua sinh vật khổng lồ này đã có 32 bộ phim điện ảnh, chủ yếu được sản xuất bởi Công ty Toho và còn xuất hiện trong truyện tranh, trò chơi điện tử và tiểu thuyết.
Trong tháng 5 này, hãng Warner Bros. cùng Legendary Pictures sẽ đem đến cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh đầy hùng tráng với bom tấn Chúa Tể Godzilla (tựa gốc: Godzilla: King of the Monsters) – phần tiếp nối của câu chuyện Godzilla cách đây 5 năm. Trong khi chờ quái vật Godzilla cùng dàn siêu quái "bùng nổ" tại các rạp chiếu, hãy cùng điểm lại hành trình hình thành và phát triển của huyền thoại trong loài quái thú trên màn ảnh rộng.
1. Phim Gojira (1954)
Godzilla xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng vào ngày 27.10.1954 tại Nagoya và phát hành trên khắp nước Nhật vào ngày 3.11.1954 với tựa đề là Gojira. Dù ra mắt trong thời kỳ đồ họa lẫn kỹ xảo còn thô sơ, nhưng tác phẩm vẫn luôn được coi là phiên bản chuẩn mực của huyền thoại quái vật Nhật Bản và thường được đem ra so sánh với các bộ phim được Hollywood làm lại sau này. Trong phim, Godzilla có hình dạng của một con khủng long với tư thế đứng thẳng, da có vảy, một thân hình với cánh tay cơ bắp, có nhiều hàng gai trên lưng và đuôi của nó, với một đôi mắt nhíu lại.
Vũ khí của Godzilla là "hơi thở nguyên tử" của một vụ nổ hạt nhân tạo ra từ bên trong cơ thể và giải phóng từ miệng của nó trong hình dạng của một tia nhiệt phóng xạ màu xanh hoặc đỏ. Để nhấn mạnh mối quan hệ của con quái vật với quả bom nguyên tử, cấu trúc da của nó được lấy cảm hứng từ những vết sẹo lồi của những người sống sót ở Hiroshima.
Vào thời điểm công chiếu, người dân Nhật vẫn còn in trong đầu ký ức về sự kiện bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, bởi vậy Godzilla được xem là phép ẩn dụ về sự báo thù của thiên nhiên với con người, cũng như lên án tác động kinh hoàng của thứ vũ khí hủy diệt là bom hạt nhân đến cuộc sống. Cảnh phim bi thương gây ra bởi màn đập phá thành phố Tokyo của quái vật khổng lồ gợi nhớ đến ký ức đau thương thời kỳ hậu chiến.
Thế nhưng khi cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, bộ phim lại được các nhà phê bình cùng giới mộ điệu đánh giá là một trong những tác phẩm biểu tượng của điện ảnh Nhật Bản cũng như thế giới. Đối với nhiều thế hệ trẻ Nhật Bản, Godzilla phiên bản 1954 được ca ngợi là nền móng cho thể loại phim khoa học viễn tưởng của nước nhà, chứng minh rằng nước Nhật hoàn toàn có thể tạo ra được một nhân vât có thể bảo vệ nhân loại trước những mối hiểm họa mà con người không thể lường trước.
Tại thời điểm này, các quái vật trong phim được dựng lên bằng cách để các diễn viên mặc bộ đồ mô phỏng hình dạng quái thú, trong khi các mô hình thu nhỏ được tạo dựng cho diễn viên hoạt động trên đó để quay phim. Họ phải trải qua sự thiếu oxy, chịu nóng, suýt chết đuối và bị chấn thương khi mặc bộ đồ nặng đến 100 kg rất dày. Dù trong thời hiện đại, hiệu ứng này bị cho là lỗi thời nhưng hiệu quả của phương pháp này là tiền đề giúp hãng Toho dựng nên 28 tác phẩm về Godzilla sau đó với những thước phim hoành tráng, sống động rất chân thực.
2. Phim Godzilla (1998)
Năm 1998, “ông trùm của thể loại phim thiên tai – thảm họa” Roland Emmerich đã ra mắt Godzilla phiên bản Hollywood với tạo hình hoàn toàn khác biệt so với các phiên bản của Nhật Bản. Với kỹ thuật CGI hiện đại, con quái vật đươc xây dựng hình ảnh như loài khủng long bạo chúa với chiếc cổ dài, móng vuốt to bản, cùng hình thể thon gọn.
Điều này khiến bộ phim của người Mỹ vấp phải nhiều chỉ trích đến từ các fan ruột của thương hiệu Godzilla. “Vua của các loài quái vật” trong bộ phim này đơn giản chỉ là một loài thằn lằn bị đột biến, bị dụ bởi cá chết và hành động theo bản năng, chạy trốn trước vũ khí đạn dược của loài người. Tồi tệ hơn cả, Godzilla có thể bị giết chết bởi bom đạn chứ không còn là chúa tể hùng mạnh bất khả chiến bại nữa.
Mặc dù vậy, Godzilla năm 1998 vẫn để lại nhiều ấn tượng với khán giả xem phim. Trên tất cả, Godzilla có thể khiến chúng ta cảm thông phần nào sự tàn phá của con quái vật rốt cục chỉ là đang cố bảo vệ những đứa con dưới lòng thành phố New York phù hoa. Quái vật có thể nguy hiểm, nhưng chính con người đã góp phần phá hoại nơi cư trú của chúng bằng những vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hơn cả, những phân cảnh con quái vật khổng lồ chiến đấu với quân đội, chạy qua cây cầu Brooklyn hay lật tung từng chiếc thuyền, xe taxi trên đường thực sự là những khoảnh khắc ấn tượng khó có thể quên.
3. Phim Godzilla (2014)
Mùa hè năm 2014, Warner Bros. cùng Legendary Pictures công bố hai hãng phim này đã đàm phán thành công và lấy được quyền sử dụng nhân vật Godzilla từ Toho. Chủ tịch của Legendary Pictures từng khiến các fan của Godzilla phấn khích khi khẳng định hãng sẽ bám chắc vào những yếu tố trong nguyên tác đã giúp nhân vật này trở thành một hình tượng kinh điển trong văn hóa đại chúng suốt bấy lâu nay.
Và quả thực, dưới bàn tay của đạo diễn tài năng Gareth Edwards, tạo hình Godzilla thể hiện được sự dữ tợn và oai hùng, cùng với tiếng gầm khiến không ít các khán giả vừa sợ hãi, vừa phấn khích. Tuy xuất hiện khá ít trên màn ảnh, nhưng Vua của các loài quái vật vẫn tạo ra được dấu ấn riêng với hình thể mập mạp như bản gốc, phần ngực ngang vạm vỡ, cùng thân thể chắc nịch. Phiên bản sinh vật cũng cao hơn so với quá khứ với chiều cao xấp xỉ 108 m.
Godzilla phiên bản mới bắt đầu từ quần đảo Philippines năm 1999, nơi khoa học gia Ichiro Serizawa (Ken Watanabe) người Nhật Bản cùng với các trợ lý đến thăm dò một hầm mỏ bị sụt. Tại đây, các nhà khoa học phát hiện ra một hang động khổng lồ chứa đựng hai hóa thạch kỳ lạ. Một thời gian ngắn sau khi một trong những vật hình trứng đã nở, nhà máy điện hạt nhân Janjira gần Tokyo, Nhật Bản bị một vụ nổ và rò rỉ phóng xạ. Giám sát nhà máy Joe Brody (Bryan Cranston) đã mất vợ (Juliette Binoche) trong vụ tai nạn và khiến cậu bé Ford (Aaron Taylor-Johnson) mồ côi mẹ.
15 năm sau, Ford đã lớn khôn và trở thành một người lính, anh cũng đã có một gia đình nhỏ của riêng mình. Thế nhưng cha anh, Joe, thì vẫn chưa thể quên đi vụ tai nạn quá khứ. Trong một lần 2 cha con trở lại lò phản ứng năm xưa để điều tra, họ đã phát hiện ra một bí mật kinh hoàng mà chính phủ đang che giấu, đó là bí mật về MUTO - một con quái vật khổng lồ ăn hạt nhân, cũng chính là nguyên nhân của thảm họa 15 năm trước, và thảm họa đó lại sắp được tái diễn ở thời hiện tại. Con quái vật MUTO đã được đánh thức và mặc sức tàn phá thế giới. Tuy nhiên cùng với sự xuất hiện của MUTO thì Vua quái vật Godzilla cũng xuất đầu lộ diện từ dưới đáy biển sâu...
Tái hiện lại cuộc đấu tranh giữa con người và quái vật, cũng như cuộc chiến giữa Godzilla và MUTO, Godzilla 2014 đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc thị giác mãn nhãn. Được biết để tạo nên hình ảnh của Vua quái vật, nhà sản xuất đã mất tới 6 tháng ròng rã để các họa sĩ tạo nên lớp vảy sừng và xử lý lên đến 500.000 hình ảnh bằng công nghệ 3D. Bởi thế so với các bản phim trước, Godzilla 2014 chân thực và sống động hơn cả. Mỗi một cử động của Vua quái vật, từng hơi thở, nhịp tim, và đặc biệt là tiếng gầm, đều khiến cho khán giả phải giật mình, rợn tóc gáy, có cảm giác như Godzilla đang ở ngay bên cạnh mình vậy.
4. Chúa Tể Godzilla (2019)
Năm năm sau khi Godzilla bước ra biển lớn và ẩn mình khỏi loài người, thế giới tiếp tục được chứng kiến một trong những trận chiến hùng tráng nhất lịch sử điện ảnh giữa Chúa tể Godzilla và không chỉ một, mà là hàng chục siêu quái vật khác trên Trái Đất. Chúa Tể Godzilla là phần tiếp theo của Godzilla (2014) do Gareth Edwards thực hiện, thế nhưng đạo diễn người Anh phải nhường lại ghế chỉ đạo phim cho người đồng nghiệp Michael Dougherty.
Trong “bom tấn” tháng 5 của hãng Warner Bros. và Legendary Pictures, chuyện phim tiếp nối sau kết thúc của phần đầu tiên, khi con người phát hiện ra những sinh vật cổ đại Titan khổng lồ vẫn còn tồn tại trên Trái Đất. Sau khi đánh bại kẻ thù ở phần đầu tiên, Godzilla mất tích vào lòng biển. Mãi cho đến khi loài người vô tình đánh thức Ghidorah, một con rồng ba đầu muốn tranh ngôi Chúa tể Quái vật với Godzilla. Sự thức tỉnh của Ghidorah kéo theo vô số những con quái vật khổng lồ khác trên thế giới. Chúng cày nát hành tinh này trước sự bất lực và tuyệt vọng của loài người. Không còn cách nào khác, họ đành phải trông chờ vào sự can thiệp của Godzilla. Đứng trước bờ vực diệt vong, loài người quyết định giải phóng cho chúa tể Godzilla với hy vọng sẽ bảo vệ Trái Đất dưới sự đe dọa của các siêu quái vật khác.
Sau Godzilla (2014) và Kong: Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island) (2017) thì Chúa Tể Godzilla (2019) sẽ là tác phẩm thứ ba, được kì vọng sẽ giúp hai hãng phim Legendary và Warner Bros. mở rộng vũ trụ quái vật MonsterVerse và là bàn đạp để tiến đến cuộc đại chiến giữa chúa tể biển sâu và loài linh trưởng khổng lồ trong Godzilla vs. Kong dự kiến ra mắt vào năm 2020. Dù phim chưa ra mắt, nhưng khán giả toàn thế giới đã vô cùng háo hức trước những hình ảnh và trailer phim được hãng phim “nhá hàng” trước đó.
Cảnh giao chiến giữa Godzilla cùng rồng ba đầu Ghidorah khiến người xem “nghẹt thở” vì mức độ hoành tráng, cũng như vô số chiêu thức được các loài siêu quái “thi triển” trong phim. Bên cạnh đó, sự tham gia của “dàn sao” như Millie Bobby Brown, Kyle Chandler, Vera Farmiga, Sally Hawkins, Elizabeth Ludlow, và “bóng hồng Trung Quốc” Chương Tử Di càng khiến giới mộ điệu háo hức hơn cả với tác phẩm được mệnh danh là “bom tấn” lớn nhất Mùa hè này.
Chúa Tể Godzilla hứa hẹn làm bùng nổ các phòng chiếu trên toàn thế giới trong mùa Hè này khi dự kiến khởi chiếu vào ngày 31.05.2019.