Điểm trừ của phim kinh dị Việt 18+ gây sốt toàn cầu

Việc "Tiệm ăn của quỷ" gây sốt tại nhiều quốc gia là tín hiệu tốt cho phim truyền hình Việt Nam. Đáng tiếc, tác phẩm vẫn gây tranh cãi, nhận nhiều lời chê về kịch bản lẫn diễn xuất.

Tiệm ăn của quỷ (Tựa quốc tế: Devil’s Diner) gây chú ý vì là series Việt Nam đầu tiên được Netflix phát hành độc quyền toàn cầu, cùng lúc tại hơn 190 nước.

Ngay khi ra mắt, tác phẩm nhanh chóng gây sốt, đứng đầu bảng xếp hạng các phim truyền hình ăn khách nhất tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Tuy nhiên, series vẫn gây tranh cãi vì chất lượng với nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Một số khán giả cho rằng dự án có ý tưởng hấp dẫn, hứa hẹn mang đến một trải nghiệm mới mẻ. Song, phim vẫn gây hụt hẫng vì kịch bản còn hạn chế, cách phát triển nội dung chưa đồng đều.

Khởi đầu ấn tượng nhưng dần hụt hơi

Như tên gọi, Tiệm ăn của quỷ kể về một quán ăn bí ẩn, nơi mà những con người tuyệt vọng tìm đến vào lúc khốn cùng nhất. Khi bước chân vào đây, họ sẽ được một người chủ quán kỳ lạ (Lê Quốc Nam) tiếp đón và phục vụ những món ăn vừa hấp dẫn vừa rùng rợn.

Đổi lại, thực khách phải đồng ý một thỏa thuận đáng sợ. Họ sẽ đạt được điều ước sâu thẳm trong lòng nhưng cái giá phải trả cũng rất đắt, có thể đánh đổi bằng những thứ quý giá nhất.

Đây là dự án tâm huyết do Hàm Trần đạo diễn, được ấp ủ thời gian dài với nhiều cảnh quay máu me, rùng rợn dán nhãn T18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi).

Tập đầu tiên của Tiệm ăn của quỷ gây ấn tượng với phần hình ảnh chỉn chu, góc quay và bối cảnh được đầu tư kỹ lưỡng, tạo cảm giác không thua kém các tác phẩm quốc tế. Cách dẫn chuyện cũng đủ hấp dẫn để kéo người xem bước vào không khí ma mị mà đạo diễn sắp đặt.

Đáng tiếc, từ tập hai trở đi mạch phim bắt đầu lộ rõ những điểm trừ. Khi khán giả đã hiểu câu chuyện và biết được điều đạo diễn muốn truyền tải, mọi thứ dần trở nên dễ đoán và mất đi sự cuốn hút.

Vì được xây dựng theo dạng anthology (phim tuyển tập), càng về sau nội dung phim càng rời rạc. Dù tạo được bầu không khí rùng rợn, các câu chuyện trong phim không quá đáng sợ, nhất là với những người quen xem phim kinh dị.

Diễn xuất không đồng đều là yếu tố khiến dự án mất điểm. Ngoại trừ các gương mặt quen thuộc như Lê Quốc Nam hay Kiều Trinh, dàn diễn viên trẻ còn xử lý nhân vật thiếu tự nhiên. Họ có đài từ chưa tốt, đôi khi bộc lộ cảm xúc gượng gạo, thiếu chiều sâu.

Khâu hậu kỳ cũng chưa xuất sắc. Màu phim bị lạm dụng quá mức với tông màu tối và những ánh sáng vàng, đỏ mờ ảo để tạo cảm giác u ám và rùng rợn. Thủ pháp này đôi lúc phản tác dụng, trở nên thiếu tự nhiên và gây cảm giác khó chịu thay vì tăng thêm sự căng thẳng.

Một vài hình ảnh trong phim.

Kịch bản còn khiên cưỡng

Thực tế, ý tưởng kết hợp chủ đề ẩm thực với các vấn đề xã hội không mới trong thể loại kinh dị. Trước đó các phim như The Menu (2022) hay The Platform (2019) đều thành công khi khai thác ẩm thực theo góc nhìn u ám và đầy ẩn ý, phản ánh những mối quan hệ quyền lực, xã hội và đạo đức thông qua việc ăn uống.

Gần nhất, series Thái Lan Hunger (2023) cũng tìm cách bóc trần mặt trái của thế giới ẩm thực xa hoa, phản ánh sự chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội.

Tuy nhiên, Tiệm ăn của quỷ có những điểm sáng riêng khi cố gắng lồng ghép những nét văn hóa Việt vào cách khai thác ẩm thực và triết lý nhân sinh. Qua các món ăn quen thuộc, phim cài cắm những bài học về nghiệp báo và đạo đức.

Kịch bản do Hàm Trần chấp bút cùng biên kịch Trần Hoài Nam. Mỗi tập có nội dung hoàn toàn độc lập, xoay quanh các tội lỗi lớn trong giáo lý Phật giáo gồm: Tham, Sân, Si, Mạn và Nghi.

Nhưng cũng vì cố gắng đưa vào nhiều thông điệp, kịch bản phim còn để lộ hạn chế với diễn biến đôi lúc gượng ép, thiếu logic.

Trong các tập bốn hay tập năm, nhiều tình tiết không hợp lý mà chỉ tạo cảm giác mệt mỏi. Thông điệp về bất công và sự sân hận cũng được xử lý chưa tới, khiến sự chuyển biến về tâm lý của nhân vật trở nên thiếu thuyết phục.

Đến tập cuối, các biên kịch muốn giải thích và kết nối toàn bộ câu chuyện nhưng kết quả lại gây bối rối. Một số chi tiết như nguồn gốc tiệm ăn của quỷ và các thế lực đứng sau chưa được giải thích, làm rõ để thuyết phục người xem.

Nhiều tình tiết trong phim còn khiên cưỡng.

Nhiều tình tiết trong phim còn khiên cưỡng.

Bỏ qua các hạn chế, Tiệm ăn của quỷ vẫn là nỗ lực đáng ghi nhận của ê-kíp, nhất là trong bối cảnh phim Việt hiện tại vẫn đang thiếu nhiều ý tưởng táo bạo.

Sự xuất hiện của tác phẩm là dấu hiệu tích cực cho thấy phim truyền hình Việt đang dần tìm cách đổi mới và tiếp cận những xu hướng quốc tế.

Một số khán giả vẫn khá thích hướng đi của đạo diễn Hàm Trần nên kỳ vọng series sẽ được thực hiện các mùa tiếp theo và khắc phục được hạn chế của mùa đầu.

Dù chưa thể tiệm cận đẳng cấp của các series đình đám như Stranger Things hay Black Mirror, rất có thể trong tương lai Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những tác phẩm có sức hút lớn trên thị trường thế giới, thậm chí tạo cơn sốt như Squid Game.