2020 là một năm đầy biến động trên toàn thế giới bởi sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nhìn lại một năm vừa qua, dù Việt Nam không phải chịu ảnh hưởng quá nặng nề của dịch bệnh nhưng vẫn không ít ngành nghề bị ngưng trệ phần nào, đặc biệt là điện ảnh. Mở màn khá hoành tráng với loạt phim Tết đủ màu sắc nhưng phải đến tận những tháng cuối năm, điện ảnh Việt mới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên bên cạnh một số tác phẩm có thể coi là bom tấn lại là những lùm xùm không đáng có đằng sau ống kính. Dẫu sao vẫn phải thừa nhận nỗ lực đối đầu "Cô Vy", vực dậy phòng vé của không ít những người tiên phong.
Mở màn đầy hi vọng nhưng chững lại vì dịch bệnh
2019 được đánh giá là một năm rất thành công với nền điện ảnh Việt, nhất là những dịp cuối năm với màn so găng của hai bom tấn là Chị Chị Em Em và Mắt Biếc,… Vì những thành công vang dội này mà khán giả càng mong chờ một cú nổ xứng tầm trong năm 2020. Đáng mừng là mùa phim đầu năm cũng có những khởi sắc đáng ghi nhận với 5 tác phẩm thuộc 5 thể loại khác nhau đồng loạt ra rạp vào dịp Tết Nguyên đán. Trong đó bao gồm 3 tác phẩm được chú ý là Gái Già Lắm Chiêu 3, 30 Chưa Phải Tết, Đôi Mắt Âm Dươngvà hai bộ phim không gây được tiếng vang là: Tiền Nhiều Để Làm Gì, Bí Mật Đảo Linh Xà.
Gái Già Lắm Chiêu 3
30 Chưa Phải Tết
Đôi Mắt Âm Dương
Có thể thấy, mùa phim Tết 2020 tuy không đến nỗi thành công vang dội nhưng đã mang đến cho khán giả rất nhiều thể nghiệm điện ảnh mới. Không chỉ đơn thuần là những thước phim hài đánh vào tâm lý của khán giả ngày Tết - dễ tính và cần sự giải trí, phim ảnh đầu năm 2020 còn mạnh dạn khai thác nhiều thể loại khác nhau, từ viễn tưởng, vòng lặp thời gian đến cuộc sống của giới siêu giàu và đặc biệt là kinh dị - thể loại mà ít người nghĩ nó lại được phát hành vào mùa Tết. Trong khi Đôi Mắt Âm Dương là một bộ phim an toàn, dễ xem, 30 Chưa Phải Tết gây nhiều tranh cãi thì Gái Già Lắm Chiêu 3 lại bùng nổ về mặt doanh thu khi thu về 168 tỷ đồng.
Đầu xuôi thì đuôi cũng mong là sẽ lọt, điện ảnh Việt 2020 được kì vọng sẽ làm nên chuyện lớn, chí ít là việc sẽ có nhiều hơn những tác phẩm đa dạng thể loại ra đời. Đáng tiếc, Tết qua chưa lâu, mới đầu tháng 2, dịch bệnh đã có những diễn biến phức tạp và các tác phẩm lần lượt phải hoãn chiếu. Một trong số những trường hợp "đen" nhất đích thị phải kể đến Bí Mật Của Gió khi đã họp báo ở hai miền, có những suất chiếu, những bài review đầu tiên nhưng lại phải hoãn chiếu đến tận cuối năm, khi sức nóng gần như đã không còn. Thời điểm đó, vẫn có những bộ phim cố gắng ra rạp đúng hẹn như Sắc Đẹp Dối Trá của Hương Giang, Cuốc Xe Nửa Đêm, Truyền Thuyết Quán Tiên nhưng không có một bộ phim nào được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, nội dung hay thành công về mặt doanh thu. Bẵng đi phải tới giữa năm, khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, một số phim mới bắt đầu ra rạp trở lại nhưng ngoài Bằng Chứng Vô Hình và SKY TOUR - phim tài liệu của Sơn Tùng M-TP ra thì gần như không có tác phẩm nào thực sự được khán giả và truyền thông chú ý. Vậy là xuyên suốt từ tháng 2 đến tận cuối tháng 9, điện ảnh Việt gần như chững lại hoàn toàn, rạp phim đóng - mở cửa thất thường, khán giả mất dần thói quen ra rạp, hiếm phim dám tự tin ra rạp, hầu hết đều hoãn chiếu không hẹn ngày trở lại.
Bằng Chứng Vô Hình là phim khai màn phòng vé sau dịch bệnh lần 1
Vực dậy với cuộc đua giành ngôi vương phòng vé và những tác phẩm gây nhiều tranh cãi về nội dung
Sau đợt dịch lần thứ 2 là thời điểm cuối tháng 9, phòng vé Việt mới thực sự dần hồi sinh trở lại. Phát súng đầu tiên đến từRòm- một bộ phim từng nhận được sự chú ý cực lớn khi bất ngờ thắng lớn ở LHP Busan và bị xử phạt 40 triệu đồng vì đi "thi chui". Cùng câu chuyện về hành trình gần 10 năm đưa phim ra rạp của một đạo diễn trẻ chưa từng làm phim điện ảnh, Ròm nhận được sự quan tâm cực lớn từ cả khán giả lẫn giới mộ điệu và thực sự tạo nên một cơn dư trấn cực mạnh tại phòng vé những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10. Cũng bởi tạo được sự quan tâm quá mạnh mẽ từ dư luận, Ròm trong những ngày đầu ra rạp đã liên tục tạo ra những kỷ lục về doanh thu như 10 tỷ đồng tiền vé bán ra trong ngày đầu tiên công chiếu và 55 tỷ đồng sau 10 ngày trụ rạp. Với những thành tích ấn tượng giữa thời điểm khán giả hoặc mất thói quen hoặc ái ngại với việc ra rạp, Ròm thực sự vực dậy niềm tin cho các nhà sản xuất, nhà phát hành và đặc biệt là cho những người làm phim độc lập.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, Ròm vẫn không phải một tác phẩm hoàn hảo, thậm chí gây ra vô số tranh cãi về chất lượng nội dung. Đồng ý với việc phim đã mạnh bạo khai thác một chủ đề hiếm xuất hiện trên màn ảnh Việt (lô đề) nhưng vẫn không thể phủ nhận chuyện Ròm còn khá nhiều lỗ hổng về mặt nội dung với những phân đoạn dường như là bị cắt ghép một cách vụng về.
Sau phát súng đầu tiên đầy thành công nhưng cũng nhiều tranh cãi, đến lượt Tiệc Trăng Máulập tức tiếp chiêu và đây mới thực sự là thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Việt 2020. Nếu Ròm chỉ oanh tạc phòng vé những ngày đầu thì Tiệc Trăng Máu lại là tác phẩm đủ sức chạy đường dài khi liên tục thu về bộn tiền sau một thời gian dài trụ rạp. Đến thời điểm hiện tại, (theo báo cáo gần nhất từ ekip) thì phim đã thu về 167 tỷ đồng, xuất sắc lọt top 3 phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt.
Với những thành tích quá ấn tượng, Tiệc Trăng Máu thực sự trở thành động lực lớn để các tác phẩm khác nối đuôi nhau ra rạp. Nhìn lại những bộ phim trong 3 tháng cuối năm, tuy số lượng không nhiều nhưng chủ đề lại rất đa dạng. Từ drama ngoại tình, đồng tính, chuyển giới (ở Chồng Người Ta) đến hài hước, tình cảm (ở Người Cần Quên Phải Nhớ) hay lãng mạn (ở Sài Gòn Trong Cơn Mưa) và cả hành động, kịch tính (ở Chị Mười Ba 2),... đều có đủ cả. Tuy nhiên, tất cả những tác phẩm này đều gây ra tranh cãi về mặt chất lượng, kể cả Chị Mười Ba 2- bộ phim đang oanh tạc phòng vé lúc này cũng gặp phải tình trạng khiến khán giả chia phe khen chê.
Phim không nhiều nhưng drama lại không hề ít!
Kỳ vọng về chuyện điện ảnh Việt sẽ đầu xuôi đuôi lọt khi Gái Già Lắm Chiêu đạt 168 tỷ đồng không thành hiện thực và điều thực sự "xuôi - lọt" của điện ảnh Việt năm nay lại là 1001 drama nảy lửa mà khai màn là câu chuyện kiểm duyệt của 30 Chưa Phải Tết. Nói là phốt thì không đúng, chỉ là bộ phim này đã suýt nữa không thể ra rạp đúng hẹn khi bị cơ quan kiểm duyệt sờ gáy ngay sát ngày công chiếu. Những lùm xùm đúng nghĩa chính thức nổ ra ở thời điểm cách tháng 4/2020 khi Tà Năng Phan Dũng(nay là Rừng Thế Mạng) - phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam công bố dự án và vướng phải nghi án sử dụng câu chuyện của người đã mất mà chưa được sự đồng ý từ gia đình nạn nhân, để đưa lên phim. Từ dòng tagline "Đừng tách đoàn", việc dùng tên nhân vật na ná tên một nạn nhân xấu số ở cung đường phượt Tà Năng - Phan Dũng đến chuyện đổi tên phim và khẳng định phim lấy cảm hứng từ "chuyện tâm linh", tất cả đều bị cộng đồng mạng đem ra mổ xẻ. Đến thời điểm hiện tại, sau vô số lời giải thích của nhà sản xuất về việc "không mượn chuyện cá nhân của ai cả", Rừng Thế Mạng vẫn thuộc câu lạc bộ những phim Việt bị khán giả hô hào tẩy chay trong năm nay.
Sở dĩ nhắc đến từ khóa "câu lạc bộ những phim Việt bị khán giả hô hào tẩy chay" là bởi ngoài Rừng Thế Mạng thì còn tới 2 bộ phim công bố dự án trong năm 2020 nữa cũng dính phải những lùm xùm tương tự, bị khán giả từ chối xem dù chưa ra rạp. Điểm chú ý là cả bộ phim này đều được chuyển thể, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học: thứ nhất là Trạng Tívà thứ hai làCậu Vàng.
Nói trước về trường hợp của Cậu Vàng, một cách thẳng thắn thì trailer phim có nội dung, chất lượng khá ổn khi là tổng hợp nhiều truyện ngắn của Nam Cao tuy nhiên dù có làm tốt tới đâu thì phim vẫn không được khán giả đón nhận vì vấn đề sử dụng chó Nhật cho vai chính cậu Vàng. Đó là chưa kể vấn đề một admin của page phim còn trót dùng nhầm tài khoản page để đôi co, nói thẳng ra là chửi khán giả bằng những lời lẽ rất nặng nề. Và dù có đăng đàn xin lỗi thì vẫn rất nhiều khán giả quyết tâm không cho Cậu Vàng một cơ hội.
Chó Nhật được sử dụng trong Cậu Vàng
Về trường hợp của Trạng Tí, đây tiếp tục là một bộ phim có vẻ như sẽ có chất lượng khá tốt tuy nhiên trước thời điểm công chiếu hơn một tháng, phim lại chính thức bị tẩy chay bởi câu chuyện mua bản quyền chuyển thể của ekip Ngô Thanh Vân. Sự tình cụ thể phải lội ngược dòng về ngày 3/9/2020, vụ kiện của họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị quanh việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bốn hình tượng nhân vật trong Thần Đồng Đất Việt có kết quả, theo đó Lê Linh được công nhận quyền tác giả. Điều này khiến một bộ phận khán giả cho rằng đơn vị sản xuất phim Trạng Tí đang vi phạm quyền tác giả của hoạ sĩ Lê Linh khi kí hợp đồng với Phan Thị và kêu gọi tẩy chay phim. Trước làn sóng dư luận, tối ngày 22/12/2020, Ngô Thanh Vân chính thức lên tiếng về vụ việc. Cô chia sẻ: "Tôi làm việc với bên Phan Thị hết hai năm để có thể mua được bản quyền, lúc đó là 2016. Đến 2018 mới đi đến thỏa thuận cho mua 5 tập truyện để làm phim. Lúc này, là nhà sản xuất, tôi mua tác quyền từ người sở hữu bộ truyện và nội dung câu chuyện trong thời gian đó". Cô cũng khẳng định khi biết về vụ kiện của họa sĩ Lê Linh và Phan Thị, cô đã chủ động liên hệ với hoạ sĩ Lê Linh tìm cách xử lý do hợp đồng với Phan Thị đã ký kết xong. "Là một người trong thời gian còn tranh chấp tại tòa, anh Lê Linh đã từ chối mọi đề nghị về quyền lợi từ phía chúng tôi đưa ra. Chúng tôi có đề nghị nhiều hình thức khác nhau nhưng khi anh Linh từ chối để tập trung vào vụ kiện, chúng tôi không còn cách nào hơn là tôn trọng anh và chờ đợi những đề nghị từ phía anh".
Trước cáo buộc ăn cắp bản quyền, Ngô Thanh Vân khẳng định: "Xin được nói rõ, nó là nội dung chúng tôi mua và trả tiền theo đúng luật Sở hữu trí tuệ. Bản thân sản phẩm không có lỗi khi nó được tạo ra đúng các thể chế và quy định pháp luật ngay tại thời điểm đó. Tôi rất mong Tí có một cái Tết trọn vẹn vì vốn dĩ nó đáng được như vậy sau 4 năm mài sắt".
Bên cạnh những lùm xùm tẩy chay, phục trang cũng là một vấn đề được nhắc đi nhắc lại của điện ảnh Việt năm 2020. Đầu tiên với bộ phim dã sửQuỳnh Hoa Nhất Dạcủa Thanh Hằng. Là phim lấy cảm hứng từ cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga với những chi tiết hư cấu, sáng tạo đúng phong cách phim dã sử,Quỳnh Hoa Nhất Dạ ngay từ khi công bố poster đầu tiên đã gây ra tranh cãi về vấn đề phục trang nhân vật. Theo ý kiến của nhiều khán giả, nữ chính Thanh Hằng diện bộ trang phục được có hơi hướm cung đình Mãn Thanh, từ màu sắc đến kiểu dáng, họa tiết, nhìn khá xa lạ so với cổ phục chốn cung đình Việt. Đồng ý là phim dã sử thì có quyền sáng tạo nhưng việc sử dụng một bộ trang phục có yếu tố Mãn Thanh là điều không thể chấp nhận được.
Cận cảnh áo và mũ của Thanh Hằng
Bộ đồ được cho là mang phong cách Mãn Thanh
Một điểm trùng hợp là cả trang phục của Quỳnh Hoa Nhất Dạ lẫn phim cổ trangKiều đều do NTK Thủy Nguyễn đảm nhận và dĩ nhiên phục trang phim Kiều cũng gây tranh cãi không nhỏ. Ngoài việc kiểu dáng khiến khán giả khó có thể xác định được phim sẽ khai thác giai đoạn lịch sử nào thì màu áo của nhân vật Kiều (Trình Mỹ Duyên) cũng bị cho là sai sử một cách nghiêm trọng. Cụ thể ở poster, Kiều diện một bộ đồ màu vàng - màu cấm kỵ của dân thường ngày xưa bởi vàng là màu sắc tượng trưng cho tầng lớp vua chúa. Sang đến tấm poster 3 nhân vật chính, phim lại phạm một lỗi vô cùng nghiêm trọng khi nhân vật Thúc Sinh mặc áo cài ngược vạt. Đây vốn dĩ là điều cấm kỵ trong văn hóa Á Đông, tuyệt đối chỉ được làm đối với trường hợp khâm liệm người chết.
Phần vạt áo ngược bị dân mạng soi ra trên poster mới của Kiều
Không chỉ trang phục, vấn đề khiến Kiều gây tranh cãi mạnh mẽ nhất là khi ekip sử dụng chữ Quốc ngữ trong phim với lý do "tạo sự thuần Việt". Dù không xác định bối cảnh phim là năm bao nhiêu nhưng việc sử dụng chữ Quốc ngữ thay vì Hán - Nôm trong bối cảnh cổ trang là điều vô cùng khó hiểu. Thêm vào đó, bản thân Truyện Kiều cũng được đại thi hào Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm và lấy bối cảnh Trung Quốc thời vua Gia Tĩnh Đế đời nhà Minh theo đúng như truyện Kim Vân Kiều Truyện, vậy mà ekip làm phim lại muốn thuần Việt 100%, điều này có phải rất mâu thuẫn không?
Chữ Quốc ngữ xuất hiện trong teaser Kiều
Tạm kết
Một năm đầy biến động bởi sự ảnh hưởng của Covid-19 sắp qua đi. Năm vừa qua dù số lượng phim ra rạp không nhiều và những drama bên lề thì ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của một số tác phẩm nhưng không thể phủ nhận nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp điện ảnh của các nhà sản xuất. Ở thời điểm hiện tại, các phòng vé đã hoạt động trở lại bình thường, điện ảnh Việt cũng đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Hi vọng thời gian tới sẽ không còn những sự cố đáng tiếc xảy ra và khán giả sẽ sớm được chiêu đãi những tác phẩm xứng tầm.
Nguồn ảnh: Tổng hợp