Giữa loạt phim chiếu Tết Nguyên đán, Mai của Trấn Thành đại thắng phòng vé với doanh thu đạt gần 200 tỷ (tính đến chiều ngày 15/2, tức mồng 6 Tết). Phim cũng trở thành tác phẩm điện ảnh Việt đạt doanh thu 100 tỷ nhanh nhất lịch sử phòng vé.
Phim xoay quanh chuyện tình giữa Mai (Phương Anh Đào) và Dương (Tuấn Trần), hai người có xuất thân khác biệt. Mai là một phụ nữ gặp nhiều bất hạnh trong cuộc đời, làm nghề massage, bị nhiều điều tiếng. Trong khi đó Dương là con nhà giàu, thích ra ngoài ở riêng, cùng khu với Mai. Từ một chàng trai trăng hoa, Dương rơi vào lưới tình khi si mê Mai, quyết định muốn gắn bó với cô. Hành trình tình yêu của Mai và Dương đứng trước nhiều trở ngại từ gia đình, kinh tế, đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Phim được Trấn Thành đầu tư 50 tỷ, “thai nghén” 2 năm và 1 năm sản xuất trước khi ra rạp.
Câu chuyện tình yêu giữa Mai (Phương Anh Đào) và Dương (Tuấn Trần) khiến khán giả rơi lệ
Cái kết gây nhiều tranh luận
Trên mạng xã hội, những tranh luận bùng nổ về cái kết của Mai. Nhiều người cho rằng đó là một cái kết rất thực tế, phản ánh đúng tâm lý hiện đại. Số khác lại cho rằng cái kết không thỏa mãn.
Bạn Hảo Nguyễn viết: “Mọi người nói kết phim buồn, nhưng với mình kết phim lại khá ổn vì ai cũng có con đường riêng, sẽ là 2 con đường mới và thật hạnh phúc. Mai - Bản tình ca thực tế cho người trưởng thành”. Bạn Quỳnh Ruby nhận định: “Kết phim không như nhiều người mong đợi… nhưng riêng mình lại thấy phù hợp… “không ai thiếu ai mà chết cả”, hơn nữa tình yêu là thứ không vĩnh cửu, Dương nói cho Dương 2 năm, nhưng khi hết 2 năm có thấy Dương tìm Mai đâu?”. Một số ý kiến không đồng tình với cái kết của phim vì “không công bằng cho Mai”. Bạn Sapphire Nguyễn viết: “Cái kết thì cũng chưa được nhân văn: Cuối cùng vẫn là gió tầng nào gặp mây tầng nấy, một cô Mai cuộc đời đầy khổ nhục luôn cố gắng vươn lên nhưng định kiến xã hội cuối cùng cũng đè cô ấy xuống, không cho cô có được hạnh phúc bên người mình yêu”.
Số phận nhân vật Mai khiến người xem rời rạp trong những cảm xúc sâu lắng, xúc động
Trước những tranh cãi về cái kết của Mai, chuyên gia Nguyễn Phong Việt đưa ra nhận định của riêng mình: “Với tôi, cái kết của phim Mai có cảm giác vẫn chưa đủ trọn vẹn cho nhân vật Mai với những bi kịch và thử thách mà Mai đã trải qua trong suốt hành trình của bộ phim. Tôi mong muốn Mai của đoạn kết phải thật sự trưởng thành và mạnh mẽ. Lẽ ra Mai ở khoảnh khắc cuối không nên khóc. Và lẽ ra phải nên cười. Nếu có thể chỉ là rơi một giọt nước mắt.
Tại sao phải là cười? Vì tôi nghĩ Mai đã trải qua rất nhiều biến cố, thử thách trong suốt quá trình bộ phim diễn ra. Đặc biệt Mai từng thoại câu thoại với nhân vật của Dương là: “Anh phải hứa với em là anh đừng chờ đợi em”. Nghĩa là Mai đủ khả năng để hiểu rằng cả hai “đúng người nhưng không đúng thời điểm”. Đó là lý do làm cho đoạn kết bộ phim lẽ ra với tôi, Mai nên cười vì Mai biết được rằng Dương nhất định phải là một cái kết với một người khác chứ không thể là cô ấy.
Khi tôi thấy Mai khóc nức nở theo kiểu tiếc nuối, dằn vặt, không buông bỏ được, tôi thấy đó là cái kết không trọn vẹn. Điều đó làm cho nhân vật Mai không đầy đủ về mặt trưởng thành, nhận thức trong suốt hành trình bộ phim.
Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ mỗi đạo diễn sẽ có cách xử lý khác nhau với tình huống này. Nhưng ở góc độ của mình, tôi cho rằng cảnh kết phim làm cho nhân vật Mai bị “fail” (thất bại) về mặt cảm xúc so với tất cả những gì người xem được nhìn thấy trước đó”.
Trấn Thành lên tiếng về cái kết của phim "Mai"
Khi xuất hiện trong một sự kiện quảng bá phim Mai, Trấn Thành đã có những chia sẻ thẳng thắn về cái kết phim: "Chưa bao giờ tôi làm một kết phim chỉ để phục vụ cho một điều gì đó. Thường những kết phim của Trấn Thành, quý vị thấy, cái thứ nhất tôi muốn đúng thực tế cuộc sống, cái thứ 2 tôi muốn kết phim mang tới thông điệp gì đó. Kết phim không phục vụ cho yếu tố bán vé, thông điệp luôn là điều đặt lên hàng đầu. Nếu ở "Nhà bà Nữ", những người trẻ họ chưa biết cuộc sống như thế nào, họ phóng tầm nhìn ra xã hội cao hơn tầm nhìn của bố mẹ rồi nghĩ rằng mình có thể quản lý được cuộc sống, thì ở trong "Mai", câu chuyện của Dương chỉ là bên lề mà thôi. Câu chuyện chính là những gì xảy ra với Mai và Dương chỉ là một nhánh nhỏ trong cuộc đời của nữ chính".
Góc nhìn số phận người phụ nữ trong phim Trấn Thành
Trấn Thành trở thành đạo diễn tay ngang đang thành công nhất hiện nay trên màn bạc Việt. Anh có 3 phim Việt ra rạp dịp Tết đều đại thắng, với Bố Già doanh thu 427 tỷ, Nhà bà Nữ đạt 475 tỷ và Mai gần 200 tỷ chỉ sau gần 6 ngày ra rạp.
Không khó để nhận thấy những lý do giúp phim của Trấn Thành đạt doanh thu lớn. Ngoài câu chuyện chạm đến cảm xúc, đánh trúng tâm lý, thị hiếu của khán giả, Trấn Thành còn rất chỉn chu trong từng lời thoại, bối cảnh.
Chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho rằng nhân vật của Tuấn Trần trong "Mai" chỉ là một cái nền cho Trấn Thành xử lý câu chuyện của "Mai" trở nên kịch tính hơn
Khi được hỏi về góc nhìn số phận người phụ nữ trong các phim chiếu Tết của Trấn Thành, chuyên gia Nguyễn Phong Việt nhận xét: “Với các phim của Trấn Thành, gần nhất là bộ phim "Nhà bà Nữ" cho tới "Mai", tôi nghĩ Trấn Thành đang đi theo hướng làm phim về nữ quyền. Thực tế chúng ta nhìn vào câu chuyện của Nhà bà Nữ hay chuyện của Mai, nhân vật nữ trong phim đều cầm trịch câu chuyện. Trong Mai, tôi nghĩ 2 nhân vật quan trọng nhất là Mai và bà Đào – mẹ của Dương chứ không phải Dương - nhân vật do Tuấn Trần đảm nhận. Tôi vẫn cho rằng nhân vật của Tuấn Trần trong Mai chỉ là một cái nền cho Trấn Thành xử lý câu chuyện của Mai trở nên kịch tính hơn. Còn lại câu chuyện quan trọng nhất là sự đối đầu giữa Mai và bà Đào ở góc độ mẹ của một người đàn ông đang muốn yêu thương, che chở cho Mai.
Tôi nghĩ ở góc độ nào đó Trấn Thành đang rất chiều chuộng khán giả Việt Nam vì rõ ràng đó là một bộ phim về nữ quyền. Đâu đó với câu chuyện của Mai, chúng ta thấy gần như tất cả nguyên cớ, lý do quan trọng nhất tạo nên bi kịch về số phận của Mai lẫn bà Đào đều đến từ những người đàn ông. Với Mai là người cha, từ chuyện nợ nần tới chuyện từng bẫy con mình. Với bà Đào, tôi nghĩ đó là nhân vật “đổ thừa” cho con trai của mình khi nói về việc vì lo lắng cho con trai mà không có được hạnh phúc cá nhân. Tôi nghĩ đó là một lựa chọn của Trấn Thành trong việc muốn chiều chuộng cảm xúc của nhân vật nữ trong phim, vô hình chung làm cho những nhân vật nam trở thành nguồn cơn của những bi kịch. Tôi cũng đồng ý trong thời đại hôm nay, câu chuyện về bình đẳng giới rất quan trọng. Ít nhiều Trấn Thành đang cho thấy sự mạnh mẽ của nữ quyền trong những bộ phim của anh. Điều đó tôi ủng hộ rất lớn”.