Phát hành các phiên bản đặc biệt, bản sưu tầm hay tặng kèm quà có giới hạn không còn xa lạ trong giới truyện tranh. Fan có cơ hội sưu tầm những phiên bản truyện và quà tặng hấp dẫn, còn nhà phát hành thì có thể kích cầu, tăng doanh số. Nhưng cách phát hành tưởng như lợi cả đôi bên này lại mang đến nhiều tiêu cực mà ít ai ngờ tới.
Bản đặc biệt hay bản đầu cơ?
Trước khi các trào lưu mua manga sưu tầm bùng nổ, nhà xuất bản chưa ồ ạt phát hành limited, phần đông người mua vẫn là fan. Nhưng những năm gần đây, việc mua bán manga sưu tầm cách lành mạnh đã không còn. Thay vào đó, fan phải "đau đầu" vì hiện tượng đầu cơ.
Ở các sự kiện bán manga sưu tầm, chẳng hạn như Horimiya 08 do NXB IPM phát hành, nhiều người đến mua là để bán lại với giá trên trời. Fan tới đây phải chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy, phá hàng chỉ để giành giật mua được truyện tranh của những người này. Tất cả chỉ vì một cuốn manga đính kèm standee nhựa có giới hạn.
Bản sưu tầm của Horimiya 08 bị đẩy giá cao ngất ngưởng vì đi kèm... một chiếc standee nhựa có giới hạn.
Rất nhiều fan không thể mua được bản đặc biệt của manga mình yêu thích. Thay vào đó, họ phải mua lại từ những người đầu cơ, với giá có thể lên đến vài trăm hoặc vài triệu. Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ số tiền lớn đến thế cho một cuốn manga đính kèm vài bức postcard, standee, quà lưu niệm, có bìa đẹp mắt hơn. Điều đó khiến fan dần chán nản với các đợt phát hành bản sưu tầm.
Tổ chức sự kiện thiếu quy củ
Nhiều người tham gia sự kiện săn manga sưu tầm, dù là online hay offline, đều phàn nàn về công tác tổ chức thiếu chỉn chu của nhà phát hành. Ngoài việc để tình trạng đầu cơ ồ ạt diễn ra mà không có biện pháp gì, những sự kiện offline cũng có thể mang đến nguy cơ lây lan bệnh cao vì tụ tập đông người. Hầu hết các biện pháp phòng dịch đều khá lỏng lẻo và không được chú trọng.
Chia sẻ của một người tham dự sự kiện
Dịch vụ chăm sóc khách hàng của các nhà xuất bản như IPM cũng kém đi vì có quá nhiều người quan tâm tới manga sưu tầm. Fan liên tục phàn nàn về tình trạng không nắm rõ thời gian tung bản limited, tình trạng giao hàng, thậm chí lỗi web cũng xảy ra liên tục vì nhiều người truy cập. Bất quá, nhiều fan còn trở thành "tín đồ tâm linh" như xem Tarot, đặt avatar theo bộ truyện mình thích, xem có săn được manga hay không.
Đây chỉ là một số trong rất nhiều đợt lỗi đơn hàng, ảnh hưởng đến người mua của IPM bị độc giả phản ánh.
Một số fan cho rằng các nhà phát hành cố tình để tình trạng hỗn loạn xảy ra, số lượng bản sưu tầm ít ỏi nhưng lại liên tục tung ra bản đặc biệt của các series khác nhau. Như vậy sẽ khiến cả fan lẫn người đầu cơ "cấu xé" lẫn nhau, thu hút sự chú ý cho truyện, bất chấp phản đối của nhiều người.
Bản đặc biệt, limited có thực sự tốt hơn bản thường?
Thông thường, phiên bản sưu tầm và kèm quà tặng của các NXB Nhật được làm rất chỉn chu, chất lượng, fan không cần lo lắng hay tiếc tiền bỏ mua. Thế nhưng tại Việt Nam, mặc dù đã được làm tốt nhất có thể, nhưng với số lượng manga sưu tầm xuất hiện ồ ạt và để "hút máu", marketing là chính, quà tặng kèm có thể không tốt như fan mong đợi.
Theo đợt phát hành mới của Horimiya 08, truyện có 3 phiên bản là bản sưu tầm (1000 bản limited), có art từ tạp chí Monthly G Fantasy và standee arcylic độc quyền. Ngoài ra, còn có bookmark và card. Hầu hết các bản sưu tầm của manga khác đều đi cùng những món quà tương tự, khiến nhiều fan bắt đầu tự hỏi: giá trị của manga bây giờ nằm ở những thứ đi kèm sao?
Theo phản ánh của nhiều người mua, các món quà đi kèm manga đặc biệt, limited, bản sưu tầm không đủ tốt để họ tranh giành nhau, trả giá cả triệu đồng cho người đầu cơ. Một số người còn cho rằng thà dùng số tiền đó để mua ấn phẩm và quà đi kèm của Nhật Bản sẽ đáng hơn.
Rốt cuộc, mục đích ban đầu của manga limited, manga sưu tầm là để kích cầu, tri ân người đọc và tăng ý thức mua sách bản quyền đã bị quên lãng. Thay vào đó là biến tướng thành một trào lưu mà với độc giả là lợi thì ít, hại thì nhiều.