Sau chuỗi phim lấy nhân vật nữ làm trung tâm, Anh Có Phải Đàn Ông Không? lên sóng VTV vừa qua như một làn gió mới khi tập trung khai thác câu chuyện về ba người đàn ông là Tuấn Khang (Nhan Phúc Vinh), Duy Anh (Tuấn Tú) và Nhật Minh (Hà Việt Dũng); những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, tình yêu và công việc của họ. Đúng như câu hỏi trên tiêu đề phim, Anh Có Phải Đàn Ông Không? khiến người xem nhiều lần trăn trở, giật mình khi nhận ra đâu đó bóng dáng của người cha, người chồng, người anh trên màn ảnh.
1. Duy Anh (Tuấn Tú) - người đàn ông của gia đình nhưng nhu nhược, thiếu chí tiến thủ
Thoạt nhìn, có vẻ Duy Anh là người đàn ông "được" nhất trong 3 người nếu để chọn tiến tới hôn nhân. Vì Duy Anh biết quán xuyến việc nhà, nấu ăn ngon, quan tâm con cái, yêu thương và chiều chuộng vợ. Thế nhưng vì không kiếm được tiền, chấp nhận lùi về sau làm hậu phương nên vô tình gánh nặng kinh tế, đồng tiền đè nặng lên vai người vợ - Thuỳ Dung cùng với đó là vô vàn những góc khuất khác.
Tuy không biểu hiện rõ ràng nhưng bản thân Duy Anh vẫn luôn mặc cảm, tự ti vì mang tiếng "ăn bám vợ". Đã thế, ông chồng này còn là mẫu người thiếu quyết đoán, nhu nhược, khi sợ con hư nhưng không biết cách dạy, răn đe con, việc trong nhà cần đưa ra quyết định Duy Anh cũng luôn run sợ, mập mờ. Kiểu người như Duy Anh không hiếm gặp trong cuộc sống đời thường. Họ là những người nếu gắn bó thời gian đầu thì rất tốt nhưng về sau lại vô tình khiến người vợ/ người phụ nữ bên cạnh phải gồng mình lên, khiến hôn nhân trở nên mệt mỏi và chán chường. Vì suy cho cùng, "gió tầng nào thì gặp mây tầng đó", hai người đã là vợ chồng thì cần nương tựa, đồng cam - cộng khổ cùng nhau (vật chất lẫn tinh thần). Đáng nói hơn, phụ nữ vẫn là phái yếu, họ cần một người đàn ông nếu không làm trụ cột kinh tế thì ít ra cũng làm trụ cột tinh thần, nhưng về cả hai mặt này Duy Anh đều chưa làm tốt. Vì ngoài chuyện tiền nong, thì mọi quyết định to tát trong gia đình, thậm chí là đến con cái cũng chỉ nghe theo lời mẹ. Thế nhưng, vì Duy Anh cứ mập mờ, cũng không phạm phải lỗi lầm lớn nên cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng này không tiêu cực nhưng cũng không thoải mái.
2. Nhật Minh (Hà Việt Dũng) - gia trưởng, cố chấp, ích kỷ...
Thoạt nhìn bề ngoài, Nhật Minh cũng có ưu điểm mà nếu "không ở trong chăn sao biết chăn có rận" mà nhìn vào thì thấy rất ổn - chỉn chu, cầu toàn, có công việc ổn định và thật lòng yêu thương vợ. Thế nhưng chỉ từng ấy thôi thì không là gì so với vô vàn tính xấu của anh chàng này. Ở Việt Minh có đủ combo gây ức chế - ở nhà thì gia trưởng, ích kỷ, vô tâm,... trên công ty thì lầm lỳ, không có chí tiến thủ. Đến Lệ (Việt Hoa) - vợ anh ta cũng nén chịu không nổi mà bật khóc mỗi khi nhắc đến cuộc hôn nhân mệt mỏi này:"Cay đắng lắm, cuộc sống vợ chồng nhiều lúc mệt mỏi lắm".
Lệ bật khóc khi nhắc đến cuộc sống hôn nhân với Nhật Minh
Nhật Minh thương vợ nhưng cục cằn, thô lỗ. Ngoài chuyện không biết lãng mạn, chiều chuộng vợ thì anh chàng này còn chuyên gia nói lời sát thương, trách mắng thậm chí là móc mỉa, cạnh khóe vợ. Đỉnh điểm là khi thấy vợ được lên chức trưởng nhóm, thay vì động viên chúc mừng, Nhật Minh lại để lòng hẹp hòi, ích kỷ lấn át. Anh tỏ thái độ ghen tỵ, hằn học ra mặt. Thực tế, nhiều ông chồng hiện nay cũng rất sợ vợ lên làm "nóc nhà" nên ngoài việc ngăn vợ học cao, tỏ thái độ khi thấy vợ lên chức, nhiều người thậm chí còn lấy lý do "đàn bà" để yêu cầu vợ ở nhà làm nội trợ, phục vụ gia đình thay vì phát triển sự nghiệp. "Tôi đã chứng kiến chồng không cho vợ đi học cao học bà vợ rất giỏi, rất tài. Kiểu sống như nhân vật Minh trong phim của thời đại này thì không được đề bạt, cân nhắc gì là đúng rồi", bình luận của khán giả.
Tính gia trưởng, cực đoan và độc đoán của Nhật Minh được ăn sâu vào tiềm thức. Anh mặc định việc nhà không phải việc của đàn ông. Từ ngày lấy vợ, Nhật Minh chưa từng dọn một cái bát, đỗi đũa ra ăn cơm, cắm hộ vợ nồi cơm lúc vợ chưa đi làm về kịp chứ chưa nói đến việc gì to tát hơn. Điều này vẫn đang hiện hữu nhiều trong các gia đình Việt thời xưa đến thời nay vẫn tồn tại. Nhiều người đàn ông luôn mặc định việc nhà là việc của đàn bà, phụ nữ. Xem việc san sẻ việc nhà cùng vợ là hèn là ngu xuẩn. Còn nếu thấy vợ định góp ý hay nhờ vả chuyện gì thì liền gạt phắt đi, vì nghĩ vợ đang dạy đời, nghĩ mình bị vợ coi thường, đánh giá thấp.
Đã không giỏi dung hòa cuộc sống hôn nhân, Nhật Minh trên công ty còn bị đồng nghiệp, cấp trên lẫn cấp dưới không ưa nổi dù là người giỏi giang, cương trực. Ngoài chuyện không giỏi giao tiếp, cứ nghĩ mình thẳng thắn, nhưng thực chất là vô duyên, cố chấp, nguyên tắc thái quá và kém cỏi.
Nhật Minh đánh cả đồng nghiệp
Thế nhưng, có lẽ điều đáng trách, đáng buồn nhất là Nhật Minh sai nhưng anh ta không biết và cũng không có ý muốn sửa cái sai của mình. Nhật Minh luôn tự tách mình ra khỏi gia đình, tập thể và đi lùi trong mọi mối quan hệ.
2. Tuấn Khang (Nhan Phúc Vinh) - trai hư chính hiệu
Anh chàng này là kiểu trai hư nhưng đẹp mã rất hay gặp thời nay. Anh chàng tạo cho mình một profile ổn khi có công việc, nhà cửa, xe cộ, vẻ ngoài điển trai và cách nói chuyện rất có duyên. Nhờ đó, Tuấn Khang cùng một lúc có thể cưa đổ rất nhiều cô gái, anh trêu đùa tình cảm và không xem trọng các mối quan hệ yêu đương. Thế mới có cảnh Tuấn Khang bị ăn bạt tay ngay tập 1 vì đang tay trong tay với em này lại gặp cô khác.
Hiện tại, thói trăng hoa, trai gái của anh cũng đã bị Vy (Quỳnh Kool) phát hiện - vốn tưởng Tuấn Khang là good boy nên Vy đang rất sốc và quyết định chia tay anh chàng này.
Tóm lại, Anh Có Phải Đàn Ông Không? cho thấy góc nhìn chân thật, đa chiều về những người đàn ông, lột tả được những phần nhức nhối nhất, những gì điển hình nhất của thế giới đàn ông. Để rồi chính những người xem sẽ tự nhận ra bản thân mình hoặc người thân của mình ở một phần nào đó của Tuấn Khang - Duy Anh và Nhật Minh trong phim.
Anh Có Phải Đàn Ông Không? lên sóng lúc 21h40 thứ Năm và thứ Sáu hằng tuần trên VTV3.
Nguồn ảnh: VTV
https://KenhTinGame.Com/doc-vi-muon-kieu-dan-ong-o-anh-co-phai-dan-ong-khong-lang-nhang-gia-truong-nhu-nhuoc-den-phat-so-the-nay-20220224122152443.chn