Hồi 20, 21 Tây du ký kể rằng, đường đi của ba thầy trò Đường Tăng, Ngộ Không, Bát Giới (lúc này Sa Tăng chưa gia nhập đoàn thỉnh kinh) bị chặn lại bởi yêu quái Hoàng Phong. Thấy thuộc hạ là hổ tiên phong vì bắt Đường Tăng mà bị Tôn Ngộ Không đánh chết, Hoàng Phong tức giận ra nghênh chiến. Đánh không lại hàng trăm con khỉ do lão Tôn biến hóa, hắn há miệng thổi ra trận gió mạnh khiến loạt Ngộ Không giả bay dạt, còn Ngộ Không thật nhắm chặt mắt chạy trối chết.
Lão Tôn sợ hãi miêu tả về cơn gió khi gặp lại Bát Giới: "Ta cũng biết hô phong hoán võ, mà chưa từng gặp gió độc như vậy, đứng chẳng vững chân nên phải chạy" .
Trận gió khiến đôi mắt Tôn Ngộ Không cay xè, lệ chảy không ngớt nên không thể mở ra nổi, phải gấp rút tìm người chạy chữa. Nếu không có Linh Cát Bồ tát cứu, đại đồ đệ của Đường Tăng có nguy cơ bị mù. Vị Bồ tát này cũng thu phục yêu quái Hoàng Phong, hóa ra đó là con chuột vàng tu dưới chân núi Linh Sơn của Phật tổ, vì uống dầu lưu ly trước bàn Phật khiến đèn mờ đi, sợ tội nên trốn xuống làm yêu quái.
Chỉ là tinh chuột thôi, sao ngọn gió nó thổi ra lại đáng sợ đến vậy, thậm chí khiến đôi mắt lửa ngươi vàng của Tôn Ngộ Không, vốn vững vàng khi bị thiêu trong lò bát quái, cũng chỉ gặp một hơi gió là không chịu nổi?
Trong Tây du ký, nhân vật ông lão mà Tôn Ngộ Không gặp trên đường (thật ra là Hộ pháp Già Lam hóa thân) tiết lộ về loại gió này: "Hoàng Phong đại vương thổi gió độc. Không phải gió đông, tây, nam, bắc, không phải gió xuân, hạ, thu, đông. Ấy là tam muội thần phong, ở trong lỗ mũi, miệng và con mắt bay ra, thật là độc quá! ".
Tóm lại, đã bị gió ấy thổi thì trừ thần tiên phật thánh ra, không ai sống nổi.
Về thông điệp Phật giáo ẩn sau câu chuyện này, Đại đức Thích Tỉnh Thiền giải thích trong bài viết trên Cổng thông tin điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng, loại gió mà yêu quái Hoàng Phong thổi ra là "bát phong" - tám loại gió tượng trưng cho những trở ngại ngăn cản bước tiến của người tu hành trên hành trình tìm đến sự giác ngộ, giải thoát.
Tám loại gió đó gồm: Lợi (lợi ích cho bản thân), suy (sự suy hao, tổn hại, mất mát); hũy (bị sỉ nhục, khinh rẻ), dự (sự đề cao, tán dương danh dự hay địa vị), xưng (xưng tụng, khen ngợi), cơ (bị chỉ trích, bị tiết lộ những điều xấu), khổ (gặp điều bất hạnh, gây đau khổ thân và tâm), lạc (vui mừng).
"Có thể nói chúng ta đều bị vướng phải hoặc ít hoặc nhiều một vài trong 8 gió ấy. Ví như ta làm ăn được lợi một số tiền khá lớn hay trúng số chẳng hạn, lúc đó tâm có được bình lặng thản nhiên như mọi khi không, hay là bối rối, bất an vì tính toán sẽ làm gì với cái lợi đã có? Hoặc có một việc không ai làm nổi mà mình làm được, người ta tán dương khen ngợi thì ta có tự hào không hay là vẫn bình thản? Đó là nói những cái lợi, còn những điều thất bại, thất thoát hay bị hũy nhục, đau khổ thì chắc không làm sao tránh khỏi" , Đại đức Thích Tỉnh Thiền viết.
Gặp tám loại gió trên, người không có trí tuệ sẽ phải khổ lụy nhiều, ngay người có trí như Tôn Hành Giả cũng bị thổi suýt mù mắt, ấy là vì chưa biết được gốc gác của nó. Phải biết những cơn gió cản trở bước tiến tu hành ấy từ đâu tới thì mới có thể hóa giải, đó là lý do cần đến Linh Cát Bồ tát - tượng trưng cho thời trí, tức là cái trí sáng suốt ngay lúc gặp nghịch cảnh.
Trong Tây du ký , Linh Cát Bồ tát đọc thần chú định tâm để giúp Ngộ Không thu phục yêu quái Hoàng Phong, ẩn ý rằng phải định tâm và sáng suốt mới nhận ra những trở ngại là gì, từ đâu tới. Yêu quái này vốn đến từ chân núi Linh Sơn của Phật tổ, tức gió độc ấy khởi từ tâm chân thật, nó xuất hiện do tâm động mà ô nhiễm.
Vì sao yêu quái thổi loại gió đáng sợ đó lại được hình tượng hóa thành con chuột? Đại đức Thích Tỉnh Thiền lý giải, vì chuột là con vật hay lén lút sống trong bóng tối và rất sợ ánh sáng. " Còn núi Linh Sơn là nơi Phật ở, chỉ cho tâm chân thật. Nói yêu tinh ở dưới chân núi để ám chỉ bát phong có là do tâm động. Khi tâm bất giác mê mờ hay lén lút trốn đi hướng ngoại, bị trần cảnh mê hoặc, rời bỏ cội nguồn lang thang khắp chốn, được tượng trưng bằng hình ảnh con chuột thành tinh. Nên trong kinh Pháp Cú nói: 'Tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình rất xa, vô hình vô dạng, như ẩn náu hang sâu, điều phục được tâm thì giải thoát khỏi vòng ma trói buộc”.
Như vậy, loại gió độc mà yêu quái Hoàng Phong thổi ra chính là trở ngại xuất phát từ chính cái tâm của thầy trò Đường Tăng. Họ phải định tâm và trở nên sáng suốt để vượt qua nó mới có thể rút ngắn hành trình thỉnh kinh còn nhiều gian khổ ở phía trước.