Đi gần nửa đoạn đường, Hành Trình Công Lý chưa tạo sức hấp dẫn cho người xem - Ảnh: ĐPCC
Phim kể về Phương (Hồng Diễm) - một luật sư từ bỏ công việc, ở nhà chăm sóc con để chồng cô là Việt, phó giám đốc một công ty lớn, phát triển sự nghiệp. Biến cố xảy ra khi Việt bị lộ clip nóng với một cô gái...
Vượt qua cú sốc mất niềm tin với chồng, Phương quyết định trở lại nghề luật sư với sự trợ giúp của những người bạn. Các tập phim kể về chuyện Phương giải quyết mối quan hệ trong gia đình mình và những vụ án mà cô đảm nhận.
Thiếu điểm nhấn, lan man
Phim phát sóng đến tập 24, nhiều khán giả nhận xét phim lan man với chuyện phim chẳng đâu ra đâu. Thậm chí có người còn bảo nên đổi tên phim thành "Hành Trình Giận Dỗi" thì đúng hơn.
Điều đáng tiếc là Hành Trình Công Lý là bộ phim được Việt hóa từ tác phẩm nổi tiếng The Good Wife (Người Vợ Tốt) của Mỹ.
Lên sóng Đài CBS từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2016 với bảy mùa, bộ phim từng đoạt năm giải Emmy - giải thưởng của Hiệp hội Phê bình truyền hình - vào năm 2014.
Phim được đánh giá cao bởi có cái nhìn sâu sắc về chính trị và luật pháp. Nhiều nước đã làm lại Người Vợ Tốt, trong đó Hàn Quốc làm rất thành công.
Các tập phim Hành Trình Công Lý lan man, dài dòng - Ảnh: ĐPCC
Trong buổi họp báo ra mắt Hành Trình Công Lý, ông Khải Anh - phó giám đốc VFC - cho biết rằng pháp luật của Mỹ rất khác với Việt Nam nên ê kíp viết kịch bản phim rất trăn trở vì phải biên tập thế nào để bộ phim thu hút khán giả Việt.
Còn đạo diễn Nguyễn Mai Hiền - thành công với thể loại phim chính luận - khi thực hiện phim cũng cho biết rằng: "Phim được kể bằng câu chuyện tâm lý. Phương là nhân vật khác phiên bản gốc, Phương tốt theo cách của tôi".
Chọn cách thể hiện khác phiên bản gốc, xem Hành Trình Công Lý, khán giả dễ dàng nhận ra bộ phim đan xen nhiều thể loại như tâm lý gia đình, luật pháp và cả yếu tố nữ cường. Liệu có phải ôm đồm nhiều vấn đề nên phim thiếu điểm nhấn, lan man, dài dòng?
Điểm trừ dễ thấy nhất trong phim này là diễn xuất chưa ăn ý giữa Việt Anh (vai Việt - người chồng) và Hồng Diễm (vai vợ Phương), khiến câu chuyện tình yêu của cặp vợ chồng này không tạo được cảm xúc.
Vai Phương của Hồng Diễm nhạt nhòa lẫn vào những nhân vật trước đây mà cô hóa thân - Ảnh: ĐPCC
Việt Anh thì tập nào cũng thể hiện ánh mắt trợn ngược, diễn căng cứng. Còn vai diễn của Hồng Diễm nhạt nhòa và lẫn vào những nhân vật trước đây mà cô hóa thân.
Một điều đáng tiếc nữa của bộ phim là những vụ án chưa được xây dựng hấp dẫn. Cảnh phiên tòa xử án, tính cách của các luật sư khá mờ nhạt. Thậm chí một số tình tiết về pháp luật trong phim còn gây tranh cãi.
Nghề hấp dẫn nhưng lên phim khó
Hành Trình Công Lý là ví dụ về sự khó khăn trong thể loại phim khai thác nghề nghiệp, đặc biệt là các nghề liên quan đến pháp luật - vốn đòi hỏi chính xác từng câu thoại và chuẩn mực hành xử. Những bộ phim thể loại này bên cạnh ưu điểm kích thích sự tò mò của người xem thì nhược điểm dễ bị người xem và người trong nghề "soi" kỹ.
Đạo diễn Tường Phương, thực hiện loạt phim Câu Chuyện Pháp Đình, cho biết ông gặp gỡ nhiều nhân vật để nghe họ kể chuyện cũng như đọc sách và nghiên cứu các sách luật, tham dự các phiên tòa để có thể tái hiện những phiên tòa trong phim.
Hành Trình Công Lý có hành trình khó khăn chinh phục khán giả - Ảnh: ĐPCC
"Nghệ thuật có sự sáng tạo nhưng cần bám sát vào cuộc sống. Phía sau những phiên tòa xử là nhân vật và thân phận con người, vì vậy tôi chọn cách làm phim hướng về thân phận con người", ông bảo.
Biên kịch Đặng Thanh cho biết trước đây chị có làm phim Khi Thân Chủ Là Người Tình - khai thác một chút tới nghề luật sư. Phim có liên quan đến luật thừa kế, hộ tịch... Chị bảo: "Khi viết, tôi cũng né đủ đường, đưa nhiều tình huống tạo kịch tính vào để khán giả... quên luật xíu cho mình dễ thở".
Theo biên kịch Đặng Thanh: "Làm phim về ngành nghề rất khó, nhất là về luật pháp. Thường phim luật có luật sư cố vấn đi theo sát tình huống.
Sau khi ra phim trường cũng phải có người am hiểu luật đi theo để cố vấn cho cả đoàn phim thì mới đảm bảo tính pháp lý và tính chất sự vụ. Mặt khác, kinh phí sản xuất bộ phim Việt thấp, để tạo ra những phiên tòa đúng chất và hấp dẫn thật sự không đơn giản".