Hào hứng ra rạp và hụt hẫng trở về, vì đâu mà phim sử Việt trở nên kém hấp dẫn trong mắt khán giả trẻ?

Thời gian qua, điện ảnh Việt có sự phát triển đa dạng và sôi động cả về thể loại và chủ đề khai thác. Tuy nhiên, dòng phim lịch sử lại có bước thụt lùi đáng kể, hiếm có tác phẩm nào tạo được dấu ấn cả về hiệu ứng lẫn doanh thu phòng vé.

Bước thụt lùi của phim sử Việt

Theo thống kê từ trang phim Moveek, năm 2022, Việt Nam có 38 phim chiếu rạp, gấp khoảng 1,9 lần năm 2020 (24 phim) và gấp hơn 2,7 lần so với năm 2021 (14 phim). Năm 2022 cũng chứng kiến sự đa dạng về thể loại của phim Việt, với các chủ đề tình cảm, tâm lý, hài, hành động, đặc biệt là sự lên ngôi của dòng phim kinh dị khi có đến 13/38 phim khai thác chất liệu này. Tuy nhiên, phim lịch sử lại có bước thụt lùi đáng kể và không tạo được dấu ấn rõ nét.

Hầu hết phim Việt ra rạp năm 2022 đều ghi nhận tình trạng thất thu vé (chiếm 74%). Chỉ có 8/38 phim có lãi (chiếm 16%), và 10% phim đủ thu hồi vốn. Đáng chú ý, phim sử Việt hiếm hoi được công chiếu lại thua lỗ nặng nề và phải rút khỏi rạp sớm hơn thời gian dự kiến, theo thống kê từ Box Office Vietnam.

Hào hứng ra rạp và hụt hẫng trở về, vì đâu mà phim sử Việt trở nên kém hấp dẫn trong mắt khán giả trẻ? - Ảnh 1.

Năm 2022 chứng kiến sự lên ngôi của dòng phim kinh dị

Đa phần phim khai thác chủ đề lịch sử thường sa lầy vào những lỗi chung như tạo hình nhân vật, dàn dựng bối cảnh, thoại và diễn xuất. Dạo quanh các hội nhóm mê phim trên Facebook, các cụm từ "phim thảm họa", "uổng tiền ra rạp"... xuất hiện nhan nhản. Không ít khán giả cho rằng họ thất vọng, tiếc tiền mua vé vì phim kém chất lượng, dần dà, mang tâm lý cảnh giác, mất niềm tin với những dự án phim sử Việt.

Nhất định phải có "phim tử tế"

Các tác phẩm khai thác chủ đề lịch sử rời rạp với doanh thu khiêm tốn, cùng với đó là việc khán giả ngày càng khắt khe khi tiếp nhận phim sử, phản ánh nhiều vấn đề nội tại của điện ảnh Việt.

Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Ngọc Phương Đông nhìn nhận: "Đa số các phim đề tài lịch sử của Việt Nam hiện nay đều cố gắng khai thác những đại cảnh hoành tráng, những nhân vật vĩ đại như vua, chúa, hoàng hậu… trong khi điều kiện và đầu tư tại Việt Nam chưa đủ để xây dựng phim trường và phục trang xứng tầm với những đề tài đó".

Thế nhưng "khẩu vị" của người xem đã quen được "chiều chuộng" bởi những bộ phim đầu tư công phu của nước ngoài, do đó thị trường điện ảnh cổ trang ở Việt Nam không hề dễ tính. Bên cạnh đó, giới trẻ cũng không thiếu các hình thức giải trí khác, mà thời gian lại eo hẹp, nên việc kêu gọi khán giả tới rạp xem để "ủng hộ" phim lịch sử nước nhà như cách đây 10 hay 20 năm không còn khả thi.

Muốn kéo được khán giả tới rạp xem phim Việt Nam, chúng ta cần những phim chăm chút đến từng chi tiết, khéo khoe được những yếu tố thú vị đẹp đẽ của cha ông. Trong điều kiện hạ tầng và tài chính chưa cho phép, có lẽ cần chú trọng khai thác những câu chuyện vi mô nhưng có chiều sâu hơn là những đại cảnh hoành tráng.

Hào hứng ra rạp và hụt hẫng trở về, vì đâu mà phim sử Việt trở nên kém hấp dẫn trong mắt khán giả trẻ? - Ảnh 2.

NNC Nguyễn Ngọc Phương Đông (Vietnam Centre) phát biểu tại Hội thảo ICHCHAA 2022

Phim hay - dở còn tùy khẩu vị khán giả, nhưng "phim tử tế" thì nhất định nên có. Theo nhà sản xuất (NSX) Janet Ngo (GĐ dự án She-Kings), sản phẩm phát hành dù có thể còn sạn, nhưng chí ít phải được làm chỉn chu, nghiêm túc từ kịch bản đến diễn xuất. Tránh việc thương mại hóa quá mức, làm phim kiểu ăn xổi, theo trend, giật gân, câu khách hay đi theo lối mòn an toàn. Bên cạnh giá trị giải trí, phim phải tạo ra được thông điệp và giá trị xã hội, có tư duy thẩm mỹ mới thuyết phục được khán giả chi tiền để trải nghiệm.

Cũng theo NSX Janet Ngo, dòng phim mang yếu tố lịch sử tại Việt Nam vẫn còn đang khan hiếm so với thế giới. Sự non trẻ này đồng nghĩa với việc phim sử dụng chất liệu văn hóa, lịch sử cần phải trải qua giai đoạn "định hình", trong khi tại các thị trường lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, giai đoạn này đã trải qua từ rất lâu. Đây cũng là khó khăn đối với điện ảnh Việt. Ngoài ra, sự đầu tư lớn cho dòng phim lịch sử cũng là một thách thức khiến các nhà sản xuất còn ngần ngại.

Hào hứng ra rạp và hụt hẫng trở về, vì đâu mà phim sử Việt trở nên kém hấp dẫn trong mắt khán giả trẻ? - Ảnh 3.

Các NNC, nhà thực hành nghệ thuật trao đổi tại phiên thảo luận của Hội thảo ICHCHAA 2022

Tại phiên thảo luận của Hội thảo Quốc tế Di sản Lịch sử - Văn hoá và Cải biên Nghệ thuật (ICHCHAA) 2022, các NNC, nhà làm phim đã ngồi lại, cùng thảo luận và đưa ra những nhận định tường minh, tìm hướng đi khả thi cho các tác phẩm cải biên lịch sử.

Theo TS. Nguyễn Thị Tú Mai, ngoài những yếu tố bề nổi như tạo hình bối cảnh, kỹ thuật ... thì tinh thần truyền tải, nội dung cốt lõi, cách kể chuyện vẫn là yếu tố chính thu hút khán giả, đặc biệt là người trẻ đến với phim sử Việt. Điều này đòi hỏi tư duy làm phim sáng tạo, nghiên cứu và tiếp cận sử Việt một cách chỉn chu của NSX.

Đồng tình với quan điểm trên, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho rằng: "Làm phim thương mại cũng cần sự chuyên nghiệp. Cần hiểu mục đích, khán giả của mình, để làm phim một cách có trách nhiệm. Làm tới tận cùng mới khiến khán giả cảm được tác phẩm, tạo ra được sự sâu sắc cho tác phẩm. Đừng làm hời hợt, không nâng cao được thẩm mỹ khán giả".

Hào hứng ra rạp và hụt hẫng trở về, vì đâu mà phim sử Việt trở nên kém hấp dẫn trong mắt khán giả trẻ? - Ảnh 4.

Tạo hình nữ tướng Lê Chân trong dự án phim điện ảnh huyền sử Trưng Vương (She-Kings)

Tại ICHCHAA 2022, dự án phim điện ảnh huyền sử Trưng Vương (She-Kings) của NSX Janet Ngo cũng nhiều lần được nhắc đến. Các NNC bày tỏ sự kỳ vọng vào việc đầu tư nghiên cứu sử liệu và tư duy sáng tạo nghiêm túc sẽ mang lại làn gió mới cho dự án cải biên, sử dụng chất liệu lịch sử văn hóa.