Hậu trường trầy trật làm phim "Tiếng sét trong mưa"

Quyết định phóng tác tác phẩm nổi tiếng thành một kịch bản phim truyền hình dài 54 tập là áp lực không nhỏ với đoàn phim “Tiếng sét trong mưa".

Hậu trường trầy trật làm phim "Tiếng sét trong mưa" - 1

Để làm nên 54 tập phim “Tiếng sét trong mưa” - được phóng tác từ tác phẩm kịch nổi tiếng “Lôi Vũ” của Tào Ngu là biết bao nỗ lực của đoàn phim trong suốt 2 năm trời.

Nỗ lực Việt hóa tác phẩm

Kể từ khi ra đời vào năm 1933, tác phẩm kịch “Lôi Vũ” của nhà văn Trung Quốc Tào Ngu đã nổi danh và gắn liền với nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, tác phẩm được chuyển thể dưới nhiều hình thức sân khấu như kịch nói, cải lương. Quyết định phóng tác tác phẩm nổi tiếng này thành một kịch bản phim truyền hình dài 54 tập là áp lực không nhỏ với đoàn phim “Tiếng sét trong mưa”. Bộ phim xoay quanh nhân vật chính là Thị Bình - người phụ nữ có phận đời nhiều trái ngang và oan nghiệt. Ở tuổi 17, Thị Bình làm người hầu cho gia đình bà Hội Đồng và có mối tình sâu đậm với cậu ba Khải Duy. Cả hai có với nhau hai mặt con nhưng Thị Bình vẫn không được bà Hội Đồng chấp thuận là con dâu vì không môn đăng hộ đối. Bà còn ra sức hãm hại Thị Bình khiến sau khi sinh con thứ hai, cô đã ôm đứa con đỏ hỏn gieo mình xuống sông, để Khải Duy một mình nuôi con đầu lòng. Sau đó, Thị Bình được ông Quý cứu vớt để rồi những sóng gió lại liên tiếp ập đến.

Cái bóng quá lớn của “Lôi Vũ” từng khiến đạo diễn Phương Điền đắn đo khi thực hiện. Ngoài chuyện sợ sẽ bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc, anh còn e ngại sẽ bị so sánh. Thế nhưng, dưới ngòi bút phóng tác của biên kịch Hạ Thu, “Tiếng sét trong mưa” đã đi sâu vào những câu chuyện đời thường của nhân vật, Việt hóa từ bối cảnh tới tính cách của nhân vật để cho ra một tác phẩm mang đậm bản sắc Việt Nam.

Biên kịch Hạ Thu tâm sự, chị đã mất 1 năm để viết nên kịch bản của “Tiếng sét trong mưa”. Áp lực phải làm sao để thoát khỏi cái bóng của “Lôi Vũ”, để khán giả không chỉ trích nếu viết không hay khiến chị nhiều phen “nhức đầu”. Chị quyết định chỉ lấy tứ của tác phẩm gốc để nhào nặn nên một kịch bản hoàn toàn mới, nói về vấn đề môn đăng hộ đối trong quan niệm của người Việt xưa, đặt ra những vấn đề mang tính nhân văn về cái thiện và cái ác trong mỗi con người. Biên kịch Hạ Thu khẳng định, chị không đặt nặng vấn đề văn hóa vùng miền mà chỉ tập trung khai thác bản chất của con người, đưa nhân vật lên tới đỉnh của cảm xúc chứ không ở lưng chừng, để nhân vật lột tả được tận cùng bản chất của mỗi con người.

“Con người luôn có cái ác, cái thiện song hành. Nếu có những định kiến sai lầm sẽ làm con người mất tính thiện. Tác phẩm gốc là kịch bản đấu tranh giai cấp, nhưng tôi không sử dụng điều đó mà đặt ra vấn đề thiện - ác, nhân - quả. Nếu không nói đây là phom phóng tác sẽ không có nhiều người nhận ra đây là “Lôi Vũ”, nữ biên kịch cho hay.

Có lúc bật khóc vì tốn tiền

Dù trải qua nhiều gian khổ để thực hiện được bộ phim nhưng những thành quả mà “Tiếng sét trong mưa” đạt được lại là những dư vị ngọt ngào. Quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như: Cao Minh Đạt, Nhật Kim Anh, Nhà giáo nhân dân Diệu Đức, Cao Thái Hà… dù mới phát sóng được 2 tuần nhưng theo đạo diễn Phương Điền bật mí, phim luôn đạt rating cao nhất trên sóng THVL với chỉ số rating lên tới 15%. Ngoài ra, những đoạn cắt của phim được đăng tải trên Youtube cũng luôn thu hút hàng triệu lượt xem chỉ trong vòng chưa đầy 1 ngày.

Một bộ phim phản ánh sự khốc liệt của giai đoạn những năm 1945 khiến diễn viên tham gia phim cũng trầy da tróc vẩy. Đảm nhận vai chính Thị Bình, Nhật Kim Anh cũng bầm dập khắp người. Đóng vai người hầu của thế kỷ trước không được mang dép, chân của cô bị phồng rộp vì phải chạy chân trần trên cát sỏi. Cảnh quay gánh nước cũng khiến cô bị thùng thiếc cứa đứt chân, vai đau nhức vì phải liên tục gánh những thùng nước đầy do góc máy quay bắt trên cao, không thể ăn gian cảnh quay được. Bản thân cô cũng hứng đủ đòn roi trong những cảnh nhân vật bị đánh đập. “Trong người cũng có đệm lót nhưng diễn viên đóng cùng lại không đánh vào chỗ… có đệm và cứ đánh trượt ngoài lớp đệm. Thế là tôi lĩnh đủ”, nữ diễn viên nhớ lại.

Lấy bối cảnh miền Tây sông nước Việt Nam vào năm 1945, bối cảnh thời xưa khiến đoàn làm phim cũng chật vật trong việc tìm bối cảnh quay phim. Nhà của bà Hội Đồng quay ở Sa Đéc, sân sau của nhà phải về Bình Dương, phòng ngủ của cậu ba quay ở quận 9, cánh đồng lúa quay ở Vĩnh Long… Đạo diễn Phương Điền tiết lộ, anh đã phải đi khảo sát gần hết các tỉnh thành miền Tây từ Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ… để tìm ra được một ngôi nhà cổ có kiến trúc thời xưa. Những ngôi nhà bình thường thì giá thuê 2 - 3 triệu/ngày quay, nhưng quay ở ngôi nhà cổ thì giá cả cũng lên tới 18 triệu/ngày. Sau một hồi thương lượng và thuyết phục, ê-kíp đã được hạ giá xuống một nửa còn 9 triệu/ngày. Ban đầu, kế hoạch là sẽ quay 16 ngày nhưng kết quả đã bị đội thêm 8 ngày quay khiến chi phí bị tăng lên nhiều lần. “Thật sự, chúng tôi đã phải bật khóc bởi riêng khâu bối cảnh đã tốn quá nhiều tiền”, đạo diễn Phương Điền nhớ lại.

Kinh phí làm phim tốn gần 10 tỷ đồng nên đoàn phim cũng phải tiết kiệm chi phí bằng mọi giá. Một cặp bình cổ nguyên vẹn giá khoảng 6 triệu, nhưng ê-kíp quyết định mua những chiếc bình bị sứt mẻ một chút để được mua với giá 800.000 đồng. Những chiếc xe của thập niên 40 được đạo diễn Phương Điền dựa vào mối quan hệ để mượn. Vì xe cổ không chạy được nên đoàn cũng phải thuê thêm xe để kéo. Thông thường, giá thuê xe kéo từ tỉnh nọ sang tỉnh kia vài chục triệu đồng, nhưng ê-kíp đã may mắn được mọi người hỗ trợ. “Tôi nhờ bằng cả tấm lòng mình, nói với họ về tâm huyết muốn thực hiện một bộ phim về thời xưa thật hay trên màn ảnh, tâm sự thật lòng về nỗi khó khăn của phim truyền hình. Họ cũng cảm thông và chỉ lấy giá tượng trưng”, anh tiết lộ.

Áp lực về tiền bạc cũng đè lên áp lực về thời gian. Có một phân đoạn phải quay 3 đêm để đảm bảo racord ánh sáng, mưa, tâm lý nhân vật. Chủ nhà chỉ cho quay đến 2 - 3 giờ sáng, ê-kíp phải xin ngủ lại qua đêm để hôm sau quay tiếp. Cảnh Thị Bình bị ném xuống giếng được quay ở hồ bơi, chi phí cũng bị đội lên nhiều bởi ê-kíp phải thuê nguyên một hồ bơi để quay suốt 8 tiếng đồng hồ.