- Đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đến Việt Nam lần này để phối hợp chống xâm hại bản quyền phim, ông có các hoạt động gì?
- Chuyến đi nằm trong kế hoạch toàn cầu của chúng tôi - xử lý các đơn vị cung cấp phim bất hợp pháp. Theo nghiên cứu, trang web xem lậu phổ biến nhất thế giới - 123Movies (GoMovies), có thể thay đổi địa chỉ và tên miền liên tục - nhưng người điều hành ở Việt Nam. Trang này chiếu phim không bản quyền, thu hút 98 triệu lượt xem mỗi tháng toàn cầu. Nhiều trang khác cũng nằm trong tầm ngắm, nhưng hiện tại 123Movies là mục tiêu lớn nhất của chúng tôi.
MPAA vừa gửi yêu cầu lên công an Việt Nam, đề nghị điều tra các đối tượng vận hành trang này. Cục cảnh sát Điều tra Bộ Công An (C44) đang hợp tác với chúng tôi thông qua một văn phòng luật của Việt Nam để xử lý. Chúng tôi mong việc hợp tác nhanh chóng được xúc tiến, vì tiến độ hiện tại vẫn còn khá chậm. Trong tương lai, chúng tôi sẽ hỗ trợ phía Việt Nam giải quyết các vụ việc xâm phạm bản quyền có tầm quốc tế. Đồng thời, chúng ta phải xây dựng nền tảng pháp lý để xử phạt. Mục tiêu lâu dài của MPAA là bảo vệ phim của Mỹ, Việt Nam và nhiều nước khác.
* Phó chủ tịch MPAA chia sẻ về thực trạng xem phim lậu
- Chiến lược của Hiệp hội điện ảnh Mỹ trong việc triệt phá các trang xem phim lậu là gì?
- Cuộc chiến này không đơn giản bởi đây là dạng tội phạm có tổ chức. Chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền địa phương, sử dụng luật và quy định của từng quốc gia, xác định và đưa các vụ này ra tòa dân sự và hình sự. Song song, chúng tôi đánh vào các trang xem và tải phim lậu với nguyên tắc "lần theo dòng tiền" (follow the money). Họ kiếm tiền ở đâu, chúng tôi cắt ở đó như chặn người xem và ngăn quảng cáo trên các trang này.
Ở Mỹ và châu Âu, các chính phủ đã quen với việc chống vi phạm bản quyền nên xử lý nhanh. Hồi năm 2012, trang MegaUpload - lưu trữ và chia sẻ nhiều nội dung trái phép - đã bị đóng cửa. Chủ trang - ông Kim Dotcom - cũng bị khởi tố hình sự. Án phạt dành cho những người vi phạm bản quyền rất đa dạng, từ phạt tiền đến án tù.
- Ông đánh giá gì về tình hình bản quyền phim ảnh Việt Nam hiện tại?
- So với thời điểm tôi đến Việt Nam khoảng chín tháng trước, các dịch vụ phim có bản quyền đã tăng trưởng mạnh, thu hút nhiều người xem. Tuy nhiên, dịch vụ phim lậu cũng phát triển và số trang bất hợp pháp còn nhiều hơn hợp pháp. Trong năm tới, các bạn phải vừa phát triển thị trường phim hợp pháp, vừa dẹp bỏ mảng phim bất hợp pháp. Nhiều nước châu Á đều gặp vấn đề về bản quyền phim và Việt Nam không phải là tệ nhất. Tuy nhiên, trang web xem lậu lớn nhất đặt tại nước các bạn và là đối tượng hàng đầu của chúng tôi.
Tôi có nghe về nạn livestream phim rạp ở Việt Nam, cũng như tâm lý thích xem phim miễn phí. Nó là một phần trong vấn đề lớn hơn về bản quyền. Giáo dục là điều cần thiết và phải được duy trì liên tục, bởi việc thay đổi nhận thức diễn ra không nhanh chóng. Mọi người phải hiểu là các nội dung phim ảnh mang đến không miễn phí. Các hãng phim trả phí rất lớn để làm ra các tác phẩm.
Ông Jan van Voorn.
- Theo ông, làm thế nào để khán giả Việt Nam chịu bỏ tiền xem phim có bản quyền?
- Loại bỏ các trang xem và lưu trữ phim lậu, biến các nội dung hợp pháp thành nội dung duy nhất tồn tại trên thị trường. Gần đây, Netflix - đơn vị phát hành trực tuyến - đã đến Việt Nam và trụ vững. Ngoài việc mua phim về chiếu, đơn vị này còn tự sản xuất ra nhiều phim điện ảnh và series để thu hút người xem. Đây là tin tốt lành bởi Netflix và các đơn vị tương tự sẽ giúp người dân xây dựng thói quen xem phim hợp pháp. Trên toàn cầu, Netflix và Amazon cũng là hai đơn vị liên minh chặt chẽ với chúng tôi trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền.- Theo ông, làm thế nào để khán giả Việt Nam chịu bỏ tiền xem phim có bản quyền?
Jan van Voorn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ kiêm Giám đốc phụ trách Bảo vệ Bản quyền (MPAA’s Executive Vice President & Chief of Global Content Protection). Ngày 12/3, ông tham gia hội thảo "Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại kỹ thuật số" do Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và chính phủ Mỹ tổ chức ở Hà Nội. Cũng trong sự kiện này, bà Phan Cẩm Tú - đại diện ở Việt Nam của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ - cho rằng mức xử phạt hành chính với các đơn vị vi phạm bản quyền mới chỉ là 60 triệu đồng, không đủ để răn đe hành vi phạm tội.
Vài năm qua, xâm phạm bản quyền phim trở thành vấn đề nhức nhối ở Việt Nam. Nhiều trang phim lậu nở rộ, thu hút số lượng lớn người theo dõi. Không ít phim chiếu ở rạp Việt Nam đã bị quay lén rồi phát tán trên mạng. Có một số đối tượng còn livestream (phát video trực tiếp trên facebook) ngay khi đang xem trong rạp. Gần đây, việc một thanh niên livestream phim Cô Ba Sài Gòn chỉ vài ngày sau khi phim công chiếu khiến dư luận bức xúc.
Theo Vnexpress