Học sinh lớp 5 chỉ ra điểm vô lý trong kiệt tác Tây Du Ký, hầu hết chúng ta đều không nhận ra

Câu thành ngữ "Hậu sinh khả úy" xem ra rất đúng với trường hợp của cô bé lớp 5 này!

Là một trong tứ đại danh tác của xứ Trung Hoa, tiểu thuyết Tây Du Ký từng nhiều lần được chuyển thể thành kịch, phim người đóng, phim hoạt hình.Tính từ thời điểm bộ tiểu thuyết này được hoàn thành (thời nhà Minh) đến nay, tác phẩm này đã có tuổi đời hàng trăm năm và sở hữu lượng độc giả đồ sộ qua nhiều thế hệ. Một trong số đó là cô bé Mã Tư Tư - người đã chỉ ra được điểm vô lý mà hầu hết chúng ta đều không nhận ra trong Tây Du Ký. .

Học sinh lớp 5 chỉ ra điểm vô lý trong kiệt tác Tây Du Ký, hầu hết chúng ta đều không nhận ra - Ảnh 1.

Mã Tư Tư là học sinh lớp 5 của một trường tiểu học ở Hàng Châu, Chiết Giang. Từ nhỏ, cô bé đã có niềm đam mê đặc biệt với những chủ đề liên quan tới "Tây Du Ký". Tư Tư thường vừa xem phim vừa đối chiếu với nguyên tác, thuộc lòng từng tên chương/hồi. Có lẽ đây chính là lý do mà cô bé tìm ra được "điểm vô lý" đặc biệt.

"Lỗ hổng" trong nguyên tác được lộ diện

Trong Tây Du Ký, 4 thầy trò Đường Tăng đi từ đông thổ Đại Đường tới Tây phương. Hành trình vô cùng xa xôi và trải dài qua nhiều khu vực khác nhau. Vì phạm vi trải rộng như vậy nên chắc chắn, các thói quen và tập tục sinh hoạt của người dân ở mỗi khu vực đều có sự khác biệt. Thông thường, sự khác biệt này thường được thể hiện rõ nhất trên phương diện ẩm thực.

Tuy nhiên, cô bé Tư Tư lại phát hiện ra bất kể 4 thầy trò Đường Tăng có đi tới đâu thì những bữa ăn của họ cũng giống hệt nhau, về cơ bản đều có các món cơm trắng, rau xanh, nấm, mộc nhĩ, đậu phụ và màn thầu (bánh bao chay). Tư Tư thậm chí đã viết một bài văn về vấn đề này và đăng lên mạng, thu hút lượng bình luận khá "xôm" từ cư dân mạng.

Bài văn của cô bé Mã Tư Tư

Có người cho rằng, liệu có phải 4 thầy trò họ mang sẵn lương thực theo không? Nhưng nếu quả thực như vậy thì có lẽ thức ăn đã cạn kiệt khi mới chỉ đi được nửa đường, không đủ để trụ nổi tới ngày cập bến Tây phương. Người khác thì lại đoán rằng, có thể 4 thầy trò được bố thí trên suốt hành trình. Tuy nhiên, đồ bố thí thường là thức ăn của người dân bản địa. Thức ăn của Tây phương sao có thể giống hệt như của Đông phương? Điều này quả thực không logic chút nào.

Để giải quyết vấn đề này, hãy đi tìm lời giải từ chính tác giả

Trong bài văn của mình, Tư Tư cũng đã tự đi tìm lời giải cho điều không hợp lý kể trên. Theo suy luận của cô bé, những món ăn xuất hiện trong nguyên tác hầu hết đều là ẩm thực của vùng Giang Tô. Trong khi đó, tác giả của tiểu thuyết Tây Du Ký – cố nhà văn Ngô Thừa Ân vừa hay lại là người vùng Hoài An, tỉnh Giang Tô.

Học sinh lớp 5 chỉ ra điểm vô lý trong kiệt tác Tây Du Ký, hầu hết chúng ta đều không nhận ra - Ảnh 3.

Tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân

Ở thời đại không có bách khoa toàn thư, cũng không có "chị Google" và Ngô Thừa Ân không phải là một phượt thủ (kể cả có thì điều kiện giao thông thời bấy giờ cũng rất bất tiện), có thể suy đoán rằng cố nhà văn chỉ có thể mô tả các món ăn thông qua trí tưởng tượng mà thôi. Và tất nhiên, những món ăn mang hương vị Hoài An, Giang Tô sẽ luôn được nghĩ tới đầu tiên.

Trong đoạn kết của bài văn, Tư Tư còn "bày kế" cho Ngô Thừa Ân không cần phải đi xa mà vẫn thu thập được nhiều tư liệu chân thực nhằm "vẽ rồng điểm mắt" cho kiệt tác Tây Du Ký. Cách của cô bé đưa ra rất đơn giản mà lại vô cùng thuyết phục: Ngô Thừa Ân chỉ cần thỉnh giáo những người có kiến thức sâu rộng ở lĩnh vực ẩm thực là xong! Tuổi trẻ tài cao là đây chứ đâu!

Nguồn: jijinlong, baidu