Hollywood chiếu sớm phim trực tuyến nhằm "cứu" doanh thu

Phim "Bloodshot" được phát hành trực tuyến chỉ sau hai tuần ra rạp nhằm cứu lỗ doanh thu vì Covid-19.

Tác phẩm hành động quy tụ Vin Diesel, Eiza Gonzalez, kinh phí 45 triệu USD nhưng mới thu 25 triệu USD toàn cầu. Do ra mắt giữa lúc Covid-19 bùng phát, phim thất thu khi các rạp nhiều nước đóng cửa. Để ứng phó, hãng Sony thông báo phát hành phim trên các nền tảng trực tuyến có trả phí, từ ngày 24/3. Theo thỏa thuận của các rạp và hãng phim nhiều năm qua, một tác phẩm chỉ chiếu ở các nền tảng khác sau 90 ngày ra rạp.

Đơn vị giải thích: "Chúng tôi tôn trọng hoạt động chiếu bóng và quy tắc về 'thời gian cửa sổ' (tức lúc phim chỉ chiếu ở rạp). Nhưng đây là thời điểm hiếm hoi rạp toàn quốc phải đóng cửa vì lợi ích chung".

Trước đó, hãng Universal thông báo ba phim đang chiếu rạp - The Invisible Man, Emma và The Hunt - chiếu trực tuyến sớm hơn dự kiến. Người dùng ở Mỹ có thể thuê chúng với giá 19,99 USD (được xem trong 48 giờ). Còn phim Trolls World Tour thậm chí được phát hành cùng lúc ở rạp và nền tảng kỹ thuật số, từ ngày 10/4. Hãng Warner Bros. sẽ phát hành trực tuyến bom tấn Birds of Prey - thuộc Vũ trụ Điện ảnh DC - từ ngày 24/3, chỉ hơn một tháng sau khi chiếu rạp.

"Đại gia" Disney cũng không đứng ngoài cuộc đua không mong muốn này, với hai bom tấn hoạt hình Frozen 2 (từ ngày 22/3) và Onward (từ ngày 3/4) trên kênh Disney +. Ra mắt từ ngày 6/3, dù hai lần dẫn đầu phòng vé và được giới phê bình khen, Onward gây thất vọng khi chỉ thu 103 triệu USD, trong khi kinh phí gần 200 triệu USD.

Động thái của các hãng Hollywood được nhận định thức thời, phù hợp tình hình, đi theo con đường của Trung Quốc hai tháng trước. Do rạp nước này đóng cửa, một số phim Tết như Lost in Russia và Enter the Fat Dragon được bán cho dịch vụ trực tuyến.

Về ảnh hưởng sâu rộng, theo Los Angeles Times, Covid-19 còn có thể khiến quan hệ giữa hãng phim và rạp thay đổi. Nhiều năm qua, các hãng nhiều lần muốn rút ngắn khoảng "thời gian cửa sổ" 90 ngày để kiếm lợi thêm, nhưng giới chủ rạp luôn phản đối, đôi khi bằng cách tẩy chay, như với Tower Heist (2011).

Vì dịch, các hãng có cơ hội phá luật, sớm đưa phim lên nền tảng trực tuyến mà rạp không thể phản đối. Thời gian này là dịp để hãng tính xem có thể kiếm được bao nhiêu tiền mà không cần đưa phim đến màn ảnh lớn. "Đại dịch là cơ hội để họ làm cuộc 'đại thử nghiệm' mà họ muốn bấy lâu. Như với Universal, hãng sẽ có dữ liệu để biết bao nhiêu người ở nhà sẵn sàng chi gần 20 USD cho một phim trong 48 giờ", chuyên gia phân tích thị trường Peter Csathy nói.

Nếu biết nhiều người chịu chi để thuê phim trực tuyến, các hãng sẽ có lợi thế để ép rạp rút ngắn "thời gian cửa sổ", khi chiếu bóng trở lại. "Liệu tình hình những ngày qua có thể báo trước một tương lai mà hãng Hollywood phát hành phim qua kỹ thuật số sớm hơn nhiều so với trước?", cây bút Ryan Faughnder viết trên Los Angeles Times.

Một ngoại lệ của việc chiếu phim trực tuyến mùa dịch là các bom tấn. Với kinh phí khổng lồ của chúng, rạp phim vẫn là con đường gần như duy nhất để sinh lời. Do đó, các hãng chỉ thông báo dời lịch các tác phẩm như Fast & Furious 9, Mulan hay No Time to Die, chứ không phát hành qua nền tảng khác. Nhưng dù Covid-19 kết thúc, với nỗi lo về tái nhiễm và sự suy yếu kinh tế, sẽ cần một thời gian để sự hứng thú của khán giả trở về như trước.

Theo Hollywood Reporter, ngành phim có thể thiệt hại đến 20 tỷ USD do Covid-19, khi nhiều tác phẩm phải dời lịch, các sự kiện bị hủy và một số dự án ngưng sản xuất. Đến ngày 23/3, thế giới ghi nhận hơn 336.000 người mắc và hơn 14.600 người chết.

(Theo Ân Nguyễn - vnexpress)