Nếu Tôn Ngộ Không có kiếp nạn Mỹ Hầu Vương thật giả, Đường Tăng có kiếp nạn mắc kẹt ở Nữ Nhi Quốc được lan truyền rộng rãi trong hậu thế thì ít ai nhớ rằng, Trư Bát Giới cũng có cho riêng mình một kiếp nạn.
Kiếp nạn của Trư Bát Giới, không phải là gặp yêu quái, cũng chẳng có đánh đấm động tay động chân, càng chẳng có chuyện sư phụ bị bắt cóc, mà nó là cửa ải khó nhất của mỗi người tu hành chính là tâm niệm, liệu đã dứt bụi hồng trần, từ bỏ chấp trước hay chưa.
Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình vì trêu ghẹo Hằng Nga mà bị đày xuống trần gian.
Trong Tây Du Ký tại hồi Tứ thánh thử lòng thiền. Sau khi thu phục Sa Ngộ Tĩnh, vượt qua Lưu Sa hà, Đường Tăng cùng các đồ đệ thẳng đường lớn tiến về phương Tây. "Trải mấy non xanh nước biếc, ngắm khắp cỏ nội hoa rừng", một tối mùa thu nọ đến một trang viên nguy nga tráng lệ, mấy thầy trò định xin ngủ nhờ một đêm. Chẳng ngờ, chủ ngôi nhà này lại là một thiếu phụ nhan sắc mặn mà, cùng ba cô con gái xinh tươi đều đang muốn kén chồng làm chủ gia nghiệp. Nhưng sự thật đây là do các vị Bồ Tát biến hoá ra để thử lòng người tu luyện.
Trước đó, Lê Sơn Lão Mẫu cùng 3 vị Bồ Tát mới hội họp tại vườn tiên. Quan Thế Âm Bồ Tát báo tin với Lê Sơn Lão Mẫu rằng thầy trò Đường Tăng đã đông đủ, bản thân đã có thể yên tâm. Lê Sơn Lão Mẫu cười hiền cho rằng nói thế vẫn còn quá sớm. Nhớ lần nọ, Lê Sơn Lão Mẫu giáng trần chữa mù mắt cho tôn Ngộ Không vẫn thấy Trư Bát Giới chưa hết phàm tục, còn bị dao động, tâm tính chưa ổn.
Để thử lòng Trư Bát Giới, Lê Sơn lão Mẫu hóa thành góa phụ, 3 vị Bồ Tát gồm Quan Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát và Linh Cát Bồ Tát đã biến thành 3 cô con gái dung mạo tuyệt trần.
Tiếp tục câu chuyện thầy trò định xin một bữa cơm chay, ngủ nhờ một đêm lấy sức. Lê Sơn Lão Mẫu (lúc này hóa thành góa phụ) vào ngay vấn đề "kén rể" cho 3 cô con gái cưng của mình đang tuổi trăng tròn đôi mươi. Tôn Ngộ Không chỉ cần nhìn qua đã thấy vầng hào quang tỏa quanh gương mặt của Lê Sơn Lão Mẫu, dự đã đoán ra ngọn ngành liền đảo mắt nghĩ ngợi, Đường Tăng vốn không màng nữ sắc nên quay mặt đi, Sa Tăng mặt mày có chút bất tiện cũng tỏ rõ nét tránh né, duy nhất chỉ có Trư Bát Giới là 2 chữ "háo sắc" khắc nổi trên mặt, vừa cười ngượng ngùng lại còn mút tay, mất hết cả kiểm soát, nhấp nhổm ngồi không yên. Tôn Ngộ Không thấy thế bèn quay ra quát: "Ngồi yên". Bát Giới lúc này, ấy chính là không vượt qua được sắc giới.
"Nhà tôi có một kho lúa gạo 8 - 9 năm ăn không hết. Gấm lụa dùng 10 năm không hết, vàng bạc châu báu tiêu cả đời không xuể. 4 vị trưởng lão ở rể nhà tôi có phải sướng không, tội gì mà đi Tây Thiên cho khổ?". Lê Sơn Lão Mẫu nói đến đâu Đường Tăng hốt hoảng đến đó, vội vàng xoay tràng hạt tĩnh tâm, trong khi đó Bát Giới tâm trạng bất ổn đến nỗi phải hớt hải đứng lên, ghé tai Đường Tăng mà sốt sắng, thắc mắc sao sư phụ không đếm xỉa gì đến những lời "bà ta" nói. Bát Giới lúc này, ấy chính là không vượt qua được sự cám dỗ của vinh hoa phú quý.
Khi Đường Tăng bị ép phải hỏi ý kiến đồ đệ, cả Ngộ Không lẫn Sa Tăng đều nhất mực từ chối tức khắc, "chết cũng phải đi đến Tây Thiên". Bát Giới ngoài mặt thì không đồng ý nhưng khi Lê Sơn Lão Mẫu bỏ đi thì lại bồn chồn hớt hải, trách sư phụ không biết lo liệu, không biết tự tạo đường lui cho mình. "Theo con, ta cứ nhận lời bừa đi, kiếm bữa ăn cái đã".
Lê Sơn lão Mẫu và 3 vị Bồ Tát thử lòng thầy trò Đường Tăng.
Đỉnh điểm là khi Trư Bát Giới lẻn ra vườn hoa, lén lút nhìn 3 mỹ nữ nô đùa, tay lại cầm bông hoa muốn lấy lòng tán tỉnh. Đến cuối cùng Bát Giới vẫn vướng bụi hồng trần, đặt nặng chữ sắc. Thậm chí Bát Giới còn "thủ thỉ" riêng với Lão Mẫu chuyện làm rể, rằng "họ không phải là cha mẹ ta, cũng không phải là anh em ruột của ta, cần gì phải hỏi" rồi trắng trợn gọi một tiếng "mẹ", còn "hiến kế" gả cả 3 cô con gái cho mình để đỡ phải tỵ nạnh. Quá đáng hơn, Trư Bát Giới còn nói nếu không cô nào chịu gả cho mình thì xin lấy luôn "mẹ vợ". Bát Giới lúc này, thật đã đi quá giới hạn tu hành.
Kết cục, Bát Giới bị trừng phạt, mặc chiếc áo lưới mà kêu trời vì đau. Lê Sơn lão Mẫu cùng 3 vị Bồ Tát hiện hình, Bát Giới mới bàng hoàng ngã ngửa, ảo ảnh chớp nhoáng, kinh hãi tột độ mà ngất đi. Sáng hôm sau thầy trò Đường Tăng thấy mình đang ngồi giữa rừng, Bát Giới thì bị treo ngược cành cây, nhận một bài học nhớ đời.
Kết thúc cố sự này, Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng mới biết là do các vị Bồ Tát biến hoá ra để thử lòng người tu luyện. Mấy câu tụng viết trên tờ thiếp bay phấp phới trên cành cây bách cổ thụ là lời nhắn nhủ cho đoàn người thỉnh kinh, cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người mang tâm cầu Đạo:
"Lê Sơn lão mẫu ngại chi phàm.
Bồ Tát Quan Âm cũng giáng trần.
Thêm cả Phổ Hiền, Văn Thù nữa.
Biến thành gái đẹp thử lòng tăng.
Đường Tăng đức trọng không nhơ tục.
Bát Giới lòng phàm vẫn nặng căm.
Nhắn nhủ từ đây nên sửa đổi.
Nếu không chính quả khó muôn phần!".
Trong kiếp nạn này, hình ảnh Trư Bát Giới cởi chiếc áo tu hành để mặc vào chiếc áo lót gấm trân châu mà Lê Sơn Lão Mâu đưa cho là một ẩn dụ sâu sắc. Giữa thần và người, Trư Bát Giới đã rời xa thần để bước về phía con người. Để rồi chưa kịp thắt dây, thì bỗng chốc ngã quay ra đất. Hóa ra mấy sợi thừng đã trói chặt lấy người, Trư Bát Giới đau đớn không sao chịu nổi.
Ẩn ý ở đây muốn nhắc nhở người đời, ái dục và phú quý chốn nhân gian nhìn thì như chiếc áo gấm mềm mại gợi tình, nhưng kỳ thực là dây thừng trói buộc, khiến con người không thể giải thoát, vĩnh viễn chìm đắm trong biển khổ luân hồi.